Rủ nhau cướp ngân hàng, tự tử trên mạng xã hội: Hệ luỵ thật từ hội nhóm ảo

Anh Văn / VTC News, Theo VTC News 17:22 14/11/2023

Những hội nhóm rủ nhau tự tử, bùng nợ, cướp bóc... xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, gây ra nhiều hệ lụy, trở thành con dao hai lưỡi với người tham gia.

Không có công ăn việc làm, nợ nần, túng quẫn, nhiều người lên mạng xã hội tham gia các hội, nhóm như: Hội những người muốn tự tử; Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử; Hội những người vỡ nợ muốn làm liều; Chuyên tư vấn bùng nợ - Xóa nợ xấu (FE, Home credit, app cho vay); Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó…

Các hội nhóm này thường có vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia với đủ tầng lớp, độ tuổi. Trong đó, các thành viên thường thể hiện quan điểm lệch lạc, trái với luân thường đạo lý hay những thú vui, sở thích quái đản mà ngoài đời bị lên án, thậm chí là xu hướng hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật.

Rủ nhau cướp ngân hàng, tự tử trên mạng xã hội: Hệ luỵ thật từ hội nhóm ảo - Ảnh 1.

Các hội nhóm túng quẫn làm liều, hướng dẫn bùng nợ xuất hiện tràn lan trên Facebook

Nơi các "ý tưởng lớn" gặp nhau cùng phạm tội

Chỉ với vài thao tác đơn giản, người dùng dễ dàng tìm thấy và gia nhập các hội nhóm tiêu cực trên. Đáng nói, các hội nhóm này không dừng lại hoạt động trên mạng xã hội. Thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những vụ cướp bóc, trấn lột xuất phát từ hội viên của những nhóm hội vỡ nợ túng quẫn muốn làm liều trên Facebook.

Ngày 2/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Mỹ, Lâm Phúc Lợi và Nguyễn Thị Bích Tuyền về tội danh "Cướp tài sản". Đây là 3 kẻ dùng súng và trái nổ cướp ngân hàng Sacombank chi nhánh Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) hồi tháng 10 vừa qua.

Theo điều tra, 3 đối tượng này quen biết nhau trên "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều". Cả 3 sau đó lập nhóm kín, dùng tên giả để bàn bạc mua súng đi cướp ngân hàng, tiệm vàng.

Rủ nhau cướp ngân hàng, tự tử trên mạng xã hội: Hệ luỵ thật từ hội nhóm ảo - Ảnh 2.

Nguyễn Ngọc Mỹ, Lâm Phúc Lợi, Nguyễn Thị Bích Tuyền tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an TP.HCM)

Sau khi thống nhất thủ đoạn gây án, Lợi lên mạng tìm mua trái nổ tự chế và súng. Tuyền được phân công thuê ô tô tự lái để hỗ trợ cả nhóm tẩu thoát sau khi gây án.

Sáng 24/10, Lợi và Mỹ bỏ súng, trái nổ tự chế vào balo, đi xe máy đến trước ngân hàng Sacombank chi nhánh Nhị Xuân (huyện Hóc Môn). Tuyền cũng lái ô tô xuất phát đợi đón đồng bọn. Khoảng 10h30 cùng ngày, Mỹ và Lợi xông vào ngân hàng khống chế bảo vệ, uy hiếp các nhân viên, cướp 3,8 tỷ đồng.

Sau 22 giờ gây án, cả nhóm bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM phối hợp cùng Bộ Công an và công an các tỉnh bắt giữ ở 3 nơi khác nhau.

Các đối tượng trên không phải là thành viên đầu tiên thực hiện hành vi phạm tội thông qua hội nhóm tiêu cực. Hồi tháng 3/2022, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) xảy ra một vụ cướp ngân hàng.

Sau 16 giờ điều tra, cơ quan công an bắt giữ Trần Văn Hiếu (SN 1991, trú phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, trú phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo lời khai ban đầu, cũng từ "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều", Hiếu và Tùng "ý tưởng lớn" gặp nhau, rồi lên kế hoạch rủ nhau đi cướp. Chúng chuẩn bị công cụ gây án, khảo sát địa bàn, tính toán kỹ lưỡng đường tẩu thoát…

Sáng 7/3/2022, hai đối tượng đón nhau đến đường Hoàng Minh Thảo (quận Bắc Từ Liêm), gần khu vực Phòng Giao dịch Tây Hồ Tây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Hiếu và Tùng mặc quần áo mưa, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang và găng tay. Chiếc xe máy hai đối tượng sử dụng để di chuyển cũng được tháo biển kiểm soát để tránh sự phát hiện của cơ quan công an.

Đến ngân hàng, Hiếu đi vào trong, dùng súng bật lửa và dao đe dọa nhân viên ngân hàng, cướp đi số tiền hơn 500 triệu đồng rồi cùng Tùng bỏ chạy.

Ngoài các hội nhóm rủ nhau đi cướp bóc, trấn lột, nhiều hội nhóm trên Facebook còn xúi giục nhau tự tử. Các nhóm này hình thành và lấy nhiều tên gọi như: "Hội những người muốn tự tử", "Hội những người tìm cách tự tử không đau", "Hội những người chán ghét cuộc sống, muốn tự tử"...

Mặc dù trong phần giới thiệu ghi rõ thông tin "nhóm tự tử không hẳn vào là để tự tử mà đặt tên nhóm thế này để nhắm vào những người có ý định tự tử, để chia sẻ nỗi buồn và lo âu, giải tỏa áp lực", nhưng sau khi có bài viết được đăng tải, thay vì động viên, nhiều người lại xúi giục những chủ nhân các bài viết tìm đến cái chết.

Theo dõi các hội nhóm "hướng dẫn tự tử", dễ dàng nhận thấy nhiều bài viết có nội dung lệch lạc, thái độ, suy nghĩ rất tiêu cực, như: "Có lẽ con được sinh ra trên thế gian này là sai lầm của thượng đế, nhưng tiếp tục tồn tại thì là sai lầm của con"; "Tôi muốn các bạn giúp cách ra đi nhẹ nhàng"; "Ai cần mua xyanua nguyên chất liên hệ mình nha"...

Rủ nhau cướp ngân hàng, tự tử trên mạng xã hội: Hệ luỵ thật từ hội nhóm ảo - Ảnh 3.

Nội dung được đăng tải trong "Hội những người muốn tự tử" (Ảnh chụp màn hình).

Những hội nhóm trên mạng xã hội dù là ảo nhưng hệ lụy của chúng có thể là thật. Thành viên nào không đủ mạnh mẽ, không làm chủ bản thân thì khó thể vượt qua những lời nói kích động, tiêu cực. Thông qua tương tác ảo mỗi ngày, cảm xúc tiêu cực lây lan, có thể tạo động lực để nhiều người thực hiện hành vi không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/11, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết, Cục đã rà quét và phát hiện 47 hội, nhóm hướng dẫn cách thức "bùng" nợ, quỵt nợ, các chiêu thức đối phó…

"Chúng tôi đã gửi thông tin cho phía Facebook yêu cầu chặn, gỡ. Chỉ trong 1 ngày, Facebook đã chặn 8 nhóm, mỗi nhóm có tới hàng chục nghìn thành viên", ông Lê Quang Tự Do nêu rõ.

Liên quan đến các hội, nhóm bùng nợ, ông Lê Quang Tự Do cho hay, Facebook đã chặn 43/47 nhóm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá, vừa qua, cơ quan báo chí phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ hội nhóm tự tử và hướng dẫn bùng nợ rất hiệu quả.

Ngoài lên án các hành vi làm méo mó xã hội, theo ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cần cảnh báo, ngăn chặn trào lưu gây ra những hậu quả, hệ lụy khó lường.

Trưởng nhóm có thể bị xử lý hình sự

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - cho biết, pháp luật không cấm việc lập hội, lập nhóm ở ngoài xã hội cũng như trên mạng xã hội, thậm chí những hội nhóm hoạt động tích cực trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, giải trí, giáo dục... còn được pháp luật khuyến khích.

Rủ nhau cướp ngân hàng, tự tử trên mạng xã hội: Hệ luỵ thật từ hội nhóm ảo - Ảnh 4.

Tuy nhiên, luật sư Đặng Văn Cường nêu rõ, nếu thành lập các hội nhóm với mục đích chống phá chính quyền hoặc vi phạm pháp luật là hành vi đặc biệt nguy hiểm, từ những hội nhóm có tính chất giải trí trên mạng xã hội có thể biến thành các nhóm tội phạm có tổ chức.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, với đặc điểm của mạng xã hội, việc lập các nhóm kín, thậm chí nhóm công khai rất dễ dàng và thu hút lượng người tham gia đông đảo. Bởi vậy, nhiều người lập hội nhóm chỉ vì tò mò, muốn có thêm thông tin về một vấn đề hoặc với mục đích giải trí.

"Nếu không am hiểu pháp luật hoặc coi thường pháp luật thì từ những hoạt động giải trí này có thể biến những người quản trị hội nhóm trở thành chủ mưu trong các nhóm tội phạm", ông Cường nói.

Ông Cường đánh giá, việc lập các hội nhóm có tính chất tiêu cực ngày càng nhiều, ảnh hưởng xấu đến môi trường mạng, vi phạm quy định của Luật An ninh mạng và nhiều trường hợp còn có dấu hiệu tội phạm.

Vị luật sư phân tích, Bộ luật Hình sự có rất nhiều quy định để xử lý đối với các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Với những người thành lập, quản trị các nhóm trên mạng xã hội mà có hành vi môi giới mại dâm thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội môi giới mại dâm theo quy định pháp luật.

Rủ nhau cướp ngân hàng, tự tử trên mạng xã hội: Hệ luỵ thật từ hội nhóm ảo - Ảnh 5.

Một bài đăng trên nhóm "Hội những người vỡ nợ túng quẫn làm liều. (Ảnh chụp màn hình).

Với những hội nhóm hội tụ các đối tượng bất hảo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, người quản trị các hội nhóm đó, người tham gia hội nhóm đó nếu có hành vi xúi giục, giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì cũng bị xác định là đồng phạm theo quy định tại điều 17 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp các nhóm trên mạng xã hội trở thành các nhóm tội phạm, có sự bàn bạc, phân công, cấu kết chặt chẽ với nhau để cùng thực hiện các hoạt động tội phạm, chỉ cần một đối tượng thực hiện hành vi phạm tội theo kế hoạch đã thống nhất từ trước thì các đối tượng khác cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm...

"Hành vi thiếu hiểu biết hoặc coi thường pháp luật để tạo lập, tham gia các hội nhóm tiêu cực sẽ có thể trở thành tội phạm bất kỳ lúc nào. Nếu từ ý tưởng lập nhóm hoặc tham gia nhóm để giải trí nhưng rồi biến tướng trở thành các nhóm tội phạm thì đó là những câu chuyện rất đau lòng, những sai lầm ít có cơ hội để sửa chữa", ông Cường nhấn mạnh.