Richard Marx sang Việt Nam - Khép lại một năm hoài nhớ

A.D, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 18/12/2016

Sau Boney M, Modern Talking hay Scorpions bất ngờ ca sĩ nổi tiếng Richard Marx sẽ có một đêm diễn tại Việt Nam vào ngày 19/12, khép lại một năm người yêu nhạc Việt Nam sống cùng những giai điệu bất hủ một thời.

Không hẹn mà gặp, các nhà sản xuất chương trình trong nước năm nay đều hướng tới đối tượng nghệ sĩ quốc tế gạo cội thập niên 1980, 1990 khi lựa chọn mời sang biểu diễn.

Khoan xét đến giá trị thương mại, rõ ràng điều này đã thỏa mãn một bộ phận khán giả không nhỏ khi được sống lại những giai điệu gắn bó với một thời tuổi trẻ của mình. Và tuyệt vời hơn là họ đã thực sự được gặp những thần tượng âm nhạc một thời trên sân khấu ngay tại quê hương mình.

Hiệu ứng của những sự kiện này đã chứng minh sức hút đặc biệt của những nghệ sĩ quốc tế gạo cội với khán giả Việt. Đó là hàng ngàn người nhún nhảy theo Boney M. trong khán phòng Trung tâm Hội nghị quốc gia. Đó là những giọt nước mắt đã rơi, những dòng status đầy cảm xúc trên mạng xã hội sau màn trình diễn ấn tượng của Scorpions trên sân khấu Hoàng thành Thăng Long.

Richard Marx sang Việt Nam - Khép lại một năm hoài nhớ - Ảnh 1.

Tất cả những điều đó chứng minh âm nhạc không chỉ là giải trí. Âm nhạc còn là sợi dây kết nối vào những miền cảm xúc và ký ức đẹp đẽ nhất trong mỗi con người.

Và khá bất ngờ, ngày 19/12 tới, Richard Marx, cái tên đã quá quen thuộc với bản ballad bất hủ Right here waiting sẽ có buổi diễn duy nhất tại Nhà hát lớn Hà Nội. Có lẽ đây mới là người khép lại một năm hoài nhớ của người yêu nhạc Việt.

Nói tới Richard Marx là nhắc tới Right here waiting, là nói tới Now and forever hay Angelina, Hazard, Endless summer night… Những ca khúc đó đã quá quen thuộc trên sóng radio, trên những chương trình ca nhạc quốc tế hiếm hoi trên truyền hình và đặc biệt qua những cuốn sách tổng hợp ca khúc nước ngoài nổi tiếng mà thế hệ học trò những năm 1990 nâng niu, yêu quý.

Richard Marx sang Việt Nam - Khép lại một năm hoài nhớ - Ảnh 2.

Richard Marx sinh năm 1963 tại Chicago, Mỹ. Vốn là con trai của nhà soạn nhạc Dick Marx, từ nhỏ Richard đã thể hiện năng khiếu âm nhạc. Điều khá thú vị là một trong những người đầu tiên khuyến khích Richard theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp chính là Lionel Richie. Sau khi nghe bản demo ca khúc tự sáng tác của cậu thanh niên 18 tuổi, giọng ca gắn liền với bản hit Hello đã khẳng định Richard sẽ thành công.

Phong cách chủ đạo trong âm nhạc của Richard Marx là soft rock không quá nặng nề với rock mà đủ độ sôi động cần thiết để hâm nóng mọi sân vận động biểu diễn nhưng vẫn “ăn điểm” với những bản ballad ngọt ngào. Richard Marx được ghi nhận là nghệ sĩ đầu tiên có bảy đĩa đơn lọt vào tốp năm của hệ thống xếp hạng ở Hoa Kỳ. Suốt thập niên 1990, ông đã có nhiều bản hit được đón nhận.

Với người yêu nhạc Việt, dấu ấn của Richard Marx là giọng ca hơi khàn khàn nhưng đặc biệt tha thiết khi hát về tình yêu. Ca từ trong âm nhạc của Richard Marx cũng đầy chất thơ, thậm chí là những “bài tập” tiếng Anh cho nhiều cô cậu học trò mê nhạc quốc tế.

Sau này, khi sự nghiệp đã sang bên kia bờ dốc, Richard Marx lựa chọn đi sâu vào vai trò nhà sản xuất. Ông từng chia sẻ trên tờ People rằng đó là con đường để ông tiếp tục theo đuổi âm nhạc “mà không phải lo lắng, giữ gìn giọng hát của mình quá nhiều”.

Đêm diễn của nam ca sĩ Richard Marx tại Việt Nam nằm trong sự kiện Daikin Christmas Concert. Ngoài sự hiện diện của ông, đêm nhạc sẽ có sự tham gia của các diva nhạc Việt như Thanh Lam, Hà Trần… dưới bàn tay đạo diễn uy tín của nhạc sĩ Quốc Trung.

Richard Marx sang Việt Nam - Khép lại một năm hoài nhớ - Ảnh 3.

Richard Marx sang Việt Nam - Khép lại một năm hoài nhớ - Ảnh 4.

Mang tính chất một đêm nhạc tri ân khách hàng lại tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội, hẳn sự kiện này sẽ có sự hạn chế nhất định lượng khán giả. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tín hiệu đáng mừng là sự xuất hiện thêm một đơn vị kinh doanh trong cuộc thử sức với “cuộc chơi” văn hoá.

Từ một sự kiện đầu tiên với vị khách mời quốc tế đầu tiên này, người yêu nhạc có thể kỳ vọng Daikin sẽ dấn thân với những chương trình dài hơi và quy mô hơn. Bởi thực tế cho thấy chưa đơn vị kinh doanh nào khi dấn thân vào lĩnh vực văn hóa mà phải nhận lại sự thất bại.

Bởi rõ ràng đây là con đường cần thiết và tích cực để đem tới cho khán giả cũng chính là khách hàng những giá trị sâu sắc và bền vững hơn, khẳng định hơn mối quan hệ bền chặt giữa thương hiệu và khách hàng.