Red Velvet: Nạn nhân bị chính SM “dìm hàng” nên chẳng thể đấu lại TWICE và BLACKPINK trong cuộc chiến girlgroup hàng đầu?

KLinh, Theo Trí Thức Trẻ 16:30 22/06/2019

Có vẻ như SM Entertainment chưa bao giờ coi Red Velvet là nhóm nữ chủ lực và đầu tư triệt để cho họ ngay từ khi ra mắt.

Red Velvet nổi tiếng với những ca khúc mùa hè nên không ngạc nhiên khi công chúng và fan đặt nhiều kì vọng vào album "The ReVe Festival Day 1" phát hành ngày 19/6 vừa qua. Thế nhưng đây lại tiếp tục trở thành sản phẩm âm nhạc gây tranh cãi bậc nhất của 5 cô gái nhà SM khi bài hát chủ đề "Zimzalabim" vì đặt nặng tính thử nghiệm nên bị nhận xét là khó nghe, khó ngấm. Kết quả là sau những thành tích khả quan ban đầu, bài hát dần giảm nhiệt trên các BXH.

Comeback không quá bùng nổ khiến Red Velvet có vẻ như vẫn chưa thể bắt kịp TWICE và BLACKPINK trong cuộc chiến girlgroup hàng đầu. Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng vốn dĩ ngay từ đầu SM đã không có ý định để Red Velvet trở thành nhóm nữ chủ lực, do đó không có động thái "push" họ triệt để nhằm cạnh tranh trực tiếp ngôi vị "nữ hoàng Kpop" với 2 đại diện nữ còn lại trong Big 3.

Red Velvet: Nạn nhân bị chính SM “dìm hàng” nên chẳng thể đấu lại TWICE và BLACKPINK trong cuộc chiến girlgroup hàng đầu? - Ảnh 1.

Red Velvet vì bị "dìm hàng" bởi chính công ty nên chưa thể trở thành nhóm nữ hàng đầu?

Màn debut chóng vánh gây tranh cãi

Red Velvet debut vào tháng 8 năm 2014 với đội hình ban đầu gồm 4 thành viên là Wendy, Irene, Seulgi và Joy. Trừ Joy, 3 người còn lại đã được giới thiệu qua dự án SM Rookies. Tuy nhiên màn ra mắt của 4 cô gái bị cho là vội vã, gấp gáp vì SM liên tục công bố thành viên, tung ảnh concept, teaser, MV phát hành album của Red Velvet trong vòng 1 tuần.

Red Velvet: Nạn nhân bị chính SM “dìm hàng” nên chẳng thể đấu lại TWICE và BLACKPINK trong cuộc chiến girlgroup hàng đầu? - Ảnh 2.

Red Velvet được giới thiệu và debut chóng vánh trong vòng 1 tuần

Thông thường, quá trình giới thiệu thành viên cho đến khi debut có thể mất vài tháng để công chúng có thời gian làm quen với những gương mặt mới. Do vậy, ra mắt chóng vánh như Red Velvet khiến nhiều người cảm thấy nhóm nhạc này không được đầu tư kĩ càng. Thậm chí có ý kiến cho rằng Red Velvet là sản phẩm "chữa cháy" của SM để thay thế f(x) khi nhóm này rơi vào khủng hoảng, tương lai mịt mờ sau khi Sulli tuyên bố tạm ngừng hoạt động.

Red Velvet: Nạn nhân bị chính SM “dìm hàng” nên chẳng thể đấu lại TWICE và BLACKPINK trong cuộc chiến girlgroup hàng đầu? - Ảnh 3.

Có ý kiến cho rằng Red Velvet được vội vàng debut để kế thừa f(x)

Ngoài ra, kể từ khi dự án SM Rookies được giới thiệu, luôn có tin đồn rằng SM "ém" nhóm nữ chủ lực của công ty đến tận năm 2020. Do đó, có thể đội hình Red Velvet chưa phải là kế hoạch được công ty này "dồn sức" đầu tư trở thành girlgroup hàng đầu, đối trọng trực tiếp với những đối thủ từ JYP và YG.

Không được đầu tư, quảng bá triệt để

Red Velvet sở hữu cả tài năng lẫn nhan sắc nhưng dường như chưa nhận được sự đầu tư xứng đáng của SM.

Trước năm 2017, nhóm chỉ được comeback 2 lần 1 năm ở Hàn Quốc – con số chẳng thấm vào đâu so với những hoạt động dày đặc của đàn em TWICE. Tưởng chừng sau đó 5 cô gái được đều đặn 1 năm tái xuất 3 lần thì năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi debut Red Velvet không ra bài hát mới ở Hàn vào dịp đầu năm.

Ở mỗi đợt comeback, Red Velvet cũng chỉ được quảng bá bằng chuỗi ảnh concept và teaser MV được tung ra 1 cách chóng vánh, ngoài ra họ không nhận được nhiều hoạt động media-play rầm rộ từ SM. Điều này cũng ảnh hưởng kha khá đến độ nhận diện của nhóm, nhất là khi BLACKPINK đang nổi đình nổi đám từ Á sang Âu còn TWICE vẫn giữ vững phong độ "nhóm nữ quốc dân thế hệ mới".

Red Velvet: Nạn nhân bị chính SM “dìm hàng” nên chẳng thể đấu lại TWICE và BLACKPINK trong cuộc chiến girlgroup hàng đầu? - Ảnh 4.

Red Velvet không được đầu tư triệt để ở mỗi lần comeback

Không chỉ có vậy, sự đầu tư sơ sài của SM dành cho Red Velvet còn thể hiện ở show tạp kĩ và concert của nhóm. 2 năm sau ngày debut, 5 cô gái mới có show thực tế riêng. Tới năm 2017 Red Velvet mới được tổ chức concert đầu tiên trong sự nghiệp dù gia tài âm nhạc của nhóm tương đối đồ sộ, lượng fan cũng khá hùng hậu, đảm bảo lợi nhuận thu về không ít.

Luôn bị coi là "chuột bạch" cho các sản phẩm thử nghiệm

Một nhóm nhạc nếu muốn có độ phổ biến cao trong lòng công chúng, mở rộng fandom thì âm nhạc của họ phải thân thiện, có tính đại chúng cao. Tuy nhiên đây chính là điều Red Velvet không có, khiến nhóm yếu thế hơn hẳn so với TWICE và BLACKPINK. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến điều này cũng do bàn tay định hướng của SM.

Sau những ca khúc dễ nghe ban đầu như "Happiness", "Russian Roulette", "Red Flavor",… những năm gần đây SM tích cực cho Red Velvet theo đuổi dòng nhạc đặt nặng tính thử nghiệm, đỉnh điểm là 2 nhạc phẩm "RBB" và "Zimzalabim". Dòng nhạc này có lợi thế giúp phô diễn giọng hát kĩ thuật và khả năng biến hóa của 5 cô gái qua từng thể loại. Tuy nhiên hạn chế của nó là không thân thiện với công chúng, chẳng hề dễ nghe, dễ ngấm. Kết quả là các bài hát của nhóm chẳng được đón nhận nhiệt tình và có thứ hạng thấp trên các BXH.

Red Velvet: Nạn nhân bị chính SM “dìm hàng” nên chẳng thể đấu lại TWICE và BLACKPINK trong cuộc chiến girlgroup hàng đầu? - Ảnh 5.

Âm nhạc đặt nặng tính thử nghiệm, khó ngấm khiến công chúng dần xa rời Red Velvet

Đã vậy, dù biết concept "Red" tươi trẻ của Red Velvet được ưa chuộng, dễ hút fan Hàn hơn nhưng SM vẫn kiên trì để nhóm theo đuổi concept "Velvet" bí ẩn, u tối và ca khúc "Zimzalabim" chính là đỉnh cao pha trộn hai hình tượng này. Những bài hát khó ngấm và concept không thân thiện chính là rào cản làm Red Velvet khó thu nhận thêm fan mới, qua đó không thể mở rộng tầm ảnh hưởng như 2 đối thủ đến từ JYP và YG.

Tạm kết

Red Velvet là nhóm nhạc có tài năng và nhan sắc hàng đầu Kpop nhưng độ nổi tiếng hiện nay chưa hề xứng đáng với thực lực của họ, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự định hướng của SM Entertainment. Cũng vì điều này mà 5 cô gái chưa thể trở thành đối thủ có thể so kè trực tiếp với TWICE hay BLACKPINK trong cuộc chiến nhóm nữ hàng đầu.

Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng sự "dìm hàng" của SM là hoàn toàn có mục đích. Vốn là "ông lớn" mát tay, việc công ty này biến Red Velvet thành nhóm nhạc nữ số 1 là điều hoàn toàn khả thi, trừ khi họ chưa bao giờ định hướng Red Velvet theo con đường nhóm nhạc đại chúng và đặt nặng thành tích của 5 cô gái trên "đấu trường Kpop" khi so kè cùng các đối thủ khác. Phải chăng SM nuôi tham vọng xa hơn cho "cô út" của mình, muốn để họ vượt qua giới hạn 1 nhóm nhạc thần tượng thông thường, thử thách chính mình trên con đường âm nhạc "vượt thời đại" mà công ty đang theo đuổi những năm gần đây?