Rapper Việt dạo này… rất thích hát!

Trọng Hiếu, Theo Phunuso 09:30 17/10/2023

Vì sao các rapper bây giờ toàn hát?

Khi nhìn vào những sản phẩm rap nổi bật trên thị trường trong thời gian gần đây, từ các rapper thế hệ mới như MCK, HIEUTHUHAI, tlinh, tới các rapper kì cựu như Karik, B Ray, hầu như ai cũng tự hát trong sản phẩm của mình. Trong khi trước đây, đa phần các rapper thường để những ca sĩ chuyên nghiệp thực hiện những đoạn hát đó. Vậy tại sao điều đó đã thay đổi?

Từ trường hợp của Rhyder tại Rap Việt, hát hay rap có nhất thiết phải rạch ròi?

Trong phần lớn hành trình tại Rap Việt vừa qua, Rhyder là một thí sinh gây nhiều tranh cãi khi không chỉ khán giả mà giới chuyên môn nhiều khi cũng không biết được anh hát hay rap. Nhất là khi khái niệm “melodic rap” trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây, các đoạn rap cũng có giai điệu giống như các bài hát, dẫn đến ranh giới giữa hát và rap ngày càng mong manh, việc phân biệt giữa hát và rap trở nên không hề dễ dàng.

Phải tới tận vòng 3, Rhyder mới thể hiện khả năng rap thuần 100% qua ca khúc Từ Chối Hiểu. Dù đó đã là một sự bứt phá đối với chính anh, nhưng trong tiết mục này thì phần hát vẫn chiếm thời lượng tương đối lớn. Nhiều khán giả vẫn chưa cảm thấy thuyết phục hoàn toàn. Họ cho rằng Rhyder chỉ xứng đáng được gọi là ca sĩ thôi chứ chưa phải là rapper, và màn thể hiện khả năng rap như vậy ở một sân chơi mang tên Rap Việt thì kết quả chiến thắng để lọt vào Chung kết là chưa xứng đáng.

Rapper Việt dạo này… rất thích hát! - Ảnh 1.

Rhyder gây tranh cãi bởi việc hát lấn át rap

Thế nhưng, nếu ai đã xem Rhyder biểu diễn trực tiếp các ca khúc của mình, thì mới thấy hiệu ứng khán giả đối với việc một rapper biết hát là tốt như thế nào. Thật khó để một khán giả có thể rap cùng nghệ sĩ suốt cả 1 verse, nhưng chỉ với một đoạn hook, khán giả có thể thuộc làu và đồng thanh hát cùng nghệ sĩ. Riêng với Rhyder, anh còn có một câu hát intro cũng đã thành thương hiệu “Lại là DG House… Rhyder”.

Từ trường hợp của Rhyder có thể thấy rằng, yếu tố giai điệu trong một bài hát đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ca khúc đó tới tai người nghe. Những nghệ sĩ có khả năng thực hiện tốt việc hát như Rhyder đương nhiên sẽ dành sự ưu ái cho những đoạn hát đó. Dù vẫn có những khán giả khó tính, đòi hỏi sự rạch ròi giữa vai trò ca sĩ hay rapper, nhưng những người như Rhyder thì chỉ đơn giản muốn được coi là những người làm nhạc, những người nghệ sĩ. Hát, rap hay trình diễn thứ gì cũng được, miễn được khán giả đón nhận thì đều là thành công của người nghệ sĩ.

Rapper Việt dạo này… rất thích hát! - Ảnh 2.

Tuy nhiên không phủ nhận Rhyder đã tạo điểm nhấn tại Rap Việt với khả năng hát của mình

Đâu chỉ Rhyder, nhiều rapper giờ cũng hát

MCK, HIEUTHUHAI, tlinh - 3 trong số những rapper gen Z nổi bật nhất hiện tại, cũng có nhiều sản phẩm âm nhạc toàn hát. Album “ái” vừa ra mắt hồi tháng 8 của tlinh đích thực là một album Pop RnB chứ không phải là Hiphop. Với HIEUTHUHAI, đa phần những sản phẩm của anh đều có phần hát nhiều hơn rap. Và anh cũng thường xuyên tự thực hiện chính những phần hát đó, dù giọng hát chưa thực sự hay. Riêng với MCK, anh đã hát nhiều hơn rap từ hồi còn là Nger hoạt động indie, và trong album 99% ra mắt hồi đầu năm, nhiều bài cũng toàn là hát.

Rapper Việt dạo này… rất thích hát! - Ảnh 3.
Rapper Việt dạo này… rất thích hát! - Ảnh 4.
Rapper Việt dạo này… rất thích hát! - Ảnh 5.

HIEUTHUHAI, MCK và tlinh đều có khả năng hát nổi bật trong các sản phẩm

Một trường hợp đáng nói nữa là Phúc Du. Xuất thân từ những sàn đấu no-beat, Phúc Du từng bị nhận xét thiếu tính nhạc trong các ca khúc. Sau khi kết hợp với những giọng ca chuyên nghiệp như Bích Phương, Hoàng Dũng… Phúc Du đã gây bất ngờ khi tự hát phần hook trong Yêu Anh Đi Mẹ Anh Bán Bánh Mì. Dù giọng hát của Phúc Du khó có thể coi là mượt mà như các ca sĩ chuyên nghiệp nhưng nó rất mộc mạc và đầy cảm xúc, góp phần giúp bài hát trở thành một bản hit lớn của nam rapper.

Gần đây, tới lượt những rapper kì cựu như Karik lẫn B Ray gây sốc khi lần đầu tiên hát trong các sản phẩm âm nhạc chính thức. Dù không có chất giọng quá hay, vẫn còn nhiều khiếm khuyết nhưng việc các rapper này dám hát lên những đoạn hook do chính mình viết đã khiến nhiều khán giả thích thú.

Rapper Việt dạo này… rất thích hát! - Ảnh 6.
Rapper Việt dạo này… rất thích hát! - Ảnh 7.
Rapper Việt dạo này… rất thích hát! - Ảnh 8.

Phúc Du, Karik, B Ray cũng trổ tài hát

Thực tế, trước đây cũng có rất nhiều rapper vừa hát, vừa rap trong sản phẩm của chính mình. Có thể điểm qua những cái tên nổi bật như JustaTee, Rhymastic, Kimmese, Táo… đều được xếp vào hàng những “rapper hát hay”. Sơn Tùng M-TP trong những ngày đầu của sự nghiệp cũng được coi là một rapper. Cho đến bây giờ, anh vẫn thể hiện khả năng rap tương đối tốt của mình trong những bản audio lẫn khi trình diễn trực tiếp.

Rapper hay hát liệu có phải là xu hướng?

Có nhiều yếu tố dẫn đến việc các rapper ngày càng hát nhiều hơn. Đầu tiên có thể kể đến thói quen nghe nhạc rap của khán giả đã thay đổi. Khoảng 10-15 năm về trước, rap còn là một dòng nhạc tương đối mới mẻ với khán giả Việt Nam, nên những đoạn hook thường được các ca sĩ thể hiện nhằm giúp khán giả dễ cảm thấy gần gũi hơn. Nhiều ca sĩ được nhớ đến bởi những đoạn hook đắt giá như JustaTee, Hoàng Tôn, Emily, Linh Cáo…

Trớ trêu thay, nhiều khi phần hook lại trở thành đoạn khán giả thuộc nhất bài, mà các rapper thì lại không phải người thể hiện những đoạn hook đó. Vậy nên khi các rapper đi diễn một mình sẽ bị ảnh hưởng chất lượng ít nhiều.

Rapper Việt dạo này… rất thích hát! - Ảnh 9.

JustaTee nổi tiếng với những đoạn hook đình đám

Trở ngại này góp phần thôi thúc các rapper cần phải sớm tìm cách để tự mình thể hiện các đoạn hook. Trong nhiều năm qua, sự phát triển của công nghệ phòng thu đã phần nào giúp các rapper có thể trau chuốt chất giọng của mình trở nên đẹp hơn, “mịn” hơn ở bản audio. Không cần rapper phải hát hay thì mới được hay hát. Sự phổ biến của nhạc rap cũng giúp khán giả dần thay đổi thói quen thưởng thức dòng nhạc này. Họ không còn quá tập trung vào đoạn hook mà đã nghe những đoạn rap nhiều hơn, do đó khán giả sẽ bớt đặt nặng việc những đoạn hát phải có kĩ thuật quá cao. Điều này giúp các rapper bớt đi gánh nặng về việc thể hiện, tập trung hơn vào việc sáng tác, và sẵn sàng thể hiện đoạn hook do chính mình viết ra.

Cấu trúc của các bài rap giờ cũng đa dạng hơn nhiều so với ngày trước. Nhiều bài rap thậm chí không cần phải có một đoạn hook, các rapper có thể liên tục thay đổi giữa hát, rap với melodic rap chỉ trong 1 verse, tạo nên sự biến ảo, khó đoán cho người nghe. Sự phổ biến của melodic rap và autotune cũng góp phần khiến các rapper ngày nay thường xuyên hát hơn ngày trước. Khi những cái tên nổi bật nhất trên thị trường thành công với một công thức nào đó, nó sẽ dễ dàng trở thành trào lưu để các nghệ sĩ khác học hỏi và phát triển thành xu hướng. Sự hòa trộn giữa các thể loại âm nhạc khiến ngày nay các khán giả lẫn nghệ sĩ đều không quá đặt nặng việc phải phân biệt hay định nghĩa chúng. Chỉ cần là một bài hát chất lượng, âm nhạc bắt tai, nội dung ý nghĩa, dễ cảm, dễ thuộc, thì sẽ được khán giả đón nhận.

Có thể thấy các rapper ngày nay hát nhiều là thật. Tuy nhiên chưa chắc đó đã là một xu hướng. Bởi vì đó có thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các rapper bỗng dưng “thích hát” cùng một thời điểm. Có thể họ vẫn còn rất nhiều khía cạnh, màu sắc âm nhạc khác mà còn chưa ra mắt. Quan trọng là khán giả hãy mở lòng đón nhận tất cả những sự đổi mới mà các rapper đem tới, thay vì nhìn nó với một con mắt định kiến, bởi vì chúng ta chính là những người được lợi nhất khi một làn sóng âm nhạc mới xuất hiện.