Producer K-ICM luôn đứng trước tên Jack và Quang Đông: lố lăng hay hợp lý so với chuẩn quốc tế?

Z-ICM, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 21/02/2020

Những tên tuổi producer lớn trên thế giới nhiều trường hợp thậm chí không đề tên ca sĩ trong sản phẩm âm nhạc của mình, liệu chúng ta có đang quá khắt khe mà không hiểu cho hướng phát triển của K-ICM?

Tâm điểm tranh cãi của Vpop trong những ngày này đều xoay quanh cái tên K-ICM cùng sản phẩm mới ra mắt của anh chàng: "Cần Một Lý Do". Từ nghi vấn "na ná" hình ảnh của nghệ sĩ nước bạn đến việc nhiều người cảm thấy "bị lừa dối" nhẹ khi K-ICM "nhá hàng" rất nhiều khiến ai cũng lầm tưởng anh chàng sẽ thực sự hát - nhưng kết quả lại là một "thế thân" của Jack. Để rồi "Cần Một Lý Do" chỉ mất 18 tiếng để trở thành MV Vpop bị dislike nhiều nhất từ trước đến nay.

CẦN MỘT LÝ DO - K-ICM | OFFICIAL MUSIC VIDEO

Bên cạnh đó, một trong những việc mà K-ICM bị "ném đá" nhiều nhất và đôi lúc làm nhiều người cảm thấy khó hiểu đó là cách ghi credit tên nghệ sĩ thể hiện ca khúc của ekip K-ICM: ca sĩ luôn luôn nằm sau tên của K-ICM trên tiêu đề ca khúc chính thức ở YouTube và cách bố trí khá bất hợp lí trên các tấm poster. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới với các trường hợp producer/ DJ hợp tác với các nghệ sĩ, liệu chúng ta có đang quá khắt khe với K-ICM thông qua cách ghi tên nghệ sĩ như vậy?

Trường hợp thứ nhất: chỉ xuất hiện duy nhất tên DJ/ producer, ca sĩ thể hiện thậm chí có thể "mất hút"

Chúng ta cần phải biết rằng, các DJ tên tuổi và có sức ảnh hưởng lớn với làng nhạc thế giới (Avicii, Calvin Harris,...), họ sẽ có những dự án âm nhạc của riêng mình. Đó có thể là album hoặc E.P với mục đích duy nhất là tôn vinh phần âm thanh, hòa âm phối khí do họ thực hiện. Sản phẩm ấy mang đậm dấu ấn cá nhân và định hình cho phong cách âm nhạc cũng như sự nghiệp của họ. 

Trong những trường hợp này, yếu tố giọng hát (vocal) cũng chỉ góp phần trong bản nhạc của các DJ nổi tiếng như một loại nhạc cụ trong tổng thể cả một sản phẩm âm nhạc. Cũng chính vì thế trong những trường hợp này, các DJ thường chọn các giọng ca ít tên tuổi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để không "át vía" phần nhạc và bản phối do mình thực hiện. Điều này giúp thương hiệu cá nhân của các producer được đảm bảo.

Điển hình nhất cho trường hợp trên phải kể đến nhà sản xuất âm nhạc tài hoa bạc mệnh Avicii. Có thể thấy, rất nhiều những sản phẩm "cộp mác" Avicii hoàn toàn không ghi tên giọng hát thể hiện, khiến nhiều khán giả còn "gà mờ" thậm chí lầm tưởng giọng hát trong những ca khúc đó đến từ một "ca sĩ" tên Avicii. Ở trường hợp này có thể hiểu, họ đã "mua" dứt hẳn cả phần vocal của ca sĩ khi thu âm để dành riêng cho bản phối của mình.

Ví dụ với bản nhạc "Waiting For Love" cực kì nổi tiếng, phần vocal được thể hiện bởi Simon Aldred, cựu giọng ca chính của nhóm nhạc Cherry Ghost. Ca khúc "The Nights" nổi tiếng không kém với phần vocal được thể hiện bởi ca sĩ/ nhạc sĩ Nicholas Furlong. Phần vocal của "Wake Me Up" do Aloe Blacc thể hiện,... tất cả đều là những tên tuổi khá ít người biết đến, nhưng chất giọng vẫn đảm bảo chất lượng với tinh thần bản phối. 

Avicii - Wake Me Up

Các ca sĩ trên hoàn toàn không được ghi credit trong bài hát, thế nên, dù các ca khúc trên có trở thành hit quốc tế, "công phá" các bảng xếp hạng, nhưng đại đa số khán giả vẫn rất mù mờ về giọng ca thể hiện trong các bản phối ấy là ai mà chỉ nhớ tới Avicii mà thôi. Trong những trường hợp này, các ca sĩ thể hiện cũng không có ý kiến (hay không có quyền ý kiến) về việc ghi thiếu tên của mình trong các ca khúc bởi có lẽ khi họ chấp nhận tham gia vào sản phẩm đã được thoả thuận và đồng ý với việc tên của mình sẽ xuất hiện hoặc không xuất hiện như thế nào. Cũng phải nói thêm, đối với các trường hợp như vậy, khi biểu diễn live, DJ/Producer cũng hoàn toàn có thể biểu diễn 1 mình mà không cần có ca sĩ, hoặc nếu có thì... càng hay chứ không hề bắt buộc.

Trường hợp thứ hai: nếu tên tuổi hát chung đủ lớn, tùy nghi sắp xếp

Trường hợp thứ hai cũng tương đối thông dụng: với những dự án âm nhạc lớn, chủ yếu là các single đơn lẻ, các DJ và producer có xu hướng sẽ mời các tên tuổi nổi tiếng góp giọng để tạo nên sức hút. Hoặc đôi khi ngược lại: các nghệ sĩ nổi tiếng gửi lời mời các producer, DJ danh tiếng, thậm chí mời thêm vài nghệ sĩ khách mời "máu mặt" nữa để góp mặt vào ca khúc của mình để tạo nên những bản hit "đánh đâu thắng đó" trên các BXH âm nhạc.

Gần đây nhất là ca khúc "Taki Taki", một dự án âm nhạc gốc của DJ Snake nhưng có sự góp mặt của Selena Gomez, Ozuna và Cardi B. MV "Taki Taki" hiện sở hữu hơn 1,7 tỉ lượt xem, không cần phải bàn thêm về sức hút của bản hit này nữa. Trước đó, ca khúc "Titanium" của David Guetta có sự góp mặt của Sia cũng trở thành bản hit toàn cầu, thu hút hơn 1,2 tỉ view... Đây là những trường hợp "đôi bên cùng có lợi" khi cả DJ, producer lẫn ca sĩ đều là những người có tên tuổi, cùng nhau đi lên.

K-ICM là 1 producer và các động thái của ekip cũng tương tự như trên, có thể thấy đây là "đường đi nước bước" phát triển sự nghiệp như các DJ/Producer quốc tế nhưng khán giả Việt lại quá khắt khe?

Nhìn về trường hợp của Jack và K-ICM, bộ đôi nghệ sĩ tân binh hot nhất năm 2019, ta thấy họ có thể nằm ở cả trong trường hợp 1 lẫn 2. Trước khi Jack kết hợp với K-ICM, anh chỉ là một giọng ca underground ít người biết đến và chỉ "một bước lên hương" với ca khúc "Hồng Nhan". Tuy nhiên, các bản "siêu hit" của bộ đôi Jack và K-ICM sau đó gồm "Bạc Phận", "Sóng Gió", "Em Gì Ơi", "Việt Nam Tôi", "Hoa Vô Sắc" đều có sự đóng góp của Jack vừa sáng tác, vừa là người thể hiện và K-ICM đóng vai trò là producer. Và chính bởi lẽ đó, Jack dường như đã "góp công" nhiều hơn cho ca khúc? - Đây là suy nghĩ chung của đại đa số khán giả hiện nay.

HOA VÔ SẮC | K-ICM x JACK, sản phẩm cuối cùng của bộ đôi trước khi "tan rã".

Với công sức chiếm đa số như vậy, K-ICM vẫn luôn phải dành cho Jack một vị trí tương xứng trên tên ca khúc, poster, teaser, trailer hoặc bất kì sản phẩm nào của cả hai. Đây là điều mà nhiều khán giả cho là lẽ đương nhiên, nó thể hiện sự công bằng, sòng phẳng khi cả 2 định hướng phát triển là 1 bộ đôi trong âm nhạc. Tức có thể hiểu, cả hai cùng là "chủ nhà", không ai hơn ai không ai chịu thiệt. Vậy nên khi sự việc rạn nứt giữa Jack & K-ICM bùng nổ, rất nhiều khán giả đã đứng về phía Jack khi họ nhìn thấy sự bất công mà Jack phải chịu khi làm việc cùng ekip K-ICM.

Tất cả các MV được đăng trên kênh K-ICM đều được đặt tên K-ICM ở vị trí đầu tiên nhằm khẳng định K-ICM là "chủ nhà", là người sở hữu chính sản phẩm này.

Còn với Quang Đông - nhân vật mới toanh là "gà" của công ty ICM vừa kết hợp với K-ICM trong sản phẩm mới nhất thì sao? Đây lại là một trường hợp hoàn toàn khác với Jack. Ca khúc "Cần Một Lý Do" được nhạc sĩ Andiez Nam Trương sáng tác, K-ICM làm producer đảm nhiệm phần hòa âm phối khí, còn Quang Đông - một tên tuổi gần như hoàn toàn mới của Vpop - đóng vai trò đóng góp giọng hát, so với Jack "một mình làm tất" thì Quang Đông chỉ trọn vẹn đúng nhiệm vụ "góp giọng". Để cho dễ hiểu thì K-ICM là chủ nhà, và Quang Đông là "bạn đến chơi nhà".

So với Jack ngày trước, Quang Đông trong lần kết hợp đầu tiên với K-ICM đã được công bằng hơn về mặt hình ảnh. 

Thế nên, việc K-ICM "giấu nhẹm" tên của Quang Đông trong teaser "Cần Một Lý Do" ngoài mục đích "ém hàng", thì cũng là một cách để K-ICM khẳng định sự làm chủ của mình trong dự án âm nhạc của mình? Có thể thấy, với "Cần Một Lý Do", phía K-ICM đã tư duy phát hành ca khúc này như là một sản phẩm của 1 producer với sự góp giọng của một ca sĩ để làm nổi bật lên thương hiệu cá nhân riêng của K-ICM, chứ không phải là một sản phẩm của ca sĩ ấy. Vậy nên việc bổ sung tên Quang Đông ở phần thể hiện sau tên K-ICM sau khi MV ra mắt là hoàn toàn có thể hiểu được. Thậm chí nhìn vào tỉ lệ hình ảnh của Quang Đông trên poster đã cho thấy phía ekip K-ICM đã phần nào biết... rút kinh nghiệm. Nếu phân biệt rõ được điều này, hẳn khán giả nên "mở lòng" hơn với 1 producer trẻ như K-ICM.