Oscar và sự hắt hủi dành cho dòng phim kinh dị

Thanh Phong - Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:06 20/01/2016

Giải thưởng phim ảnh danh giá nhất hành tinh luôn thu hẹp con đường chạm tay đến tượng vàng của các xuất phẩm kinh dị.

Như một quy luật bất thành văn, dòng phim kinh dị luôn bị những vị giám khảo Viện Hàn lâm ghẻ lạnh. Trải qua 87 mùa vinh danh nghệ thuật nhưng chưa một lần nào Oscar gọi tên một bộ phim kinh dị cho hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất.

The Silence Of The Lambs (1991) từng giành trọn 5 tượng vàng quan trọng nhất cũng chỉ là tấm vé số an ủi dành cho các tín đồ của dòng phim này. Bởi lẽ, tác phẩm được xếp vào thể loại tâm lý - hình sự chứ không phải thuần kinh dị. Oscar 88 lại tiếp tục là một mùa giải trắng tay khi không hề có mặt một phim kinh dị nào trong danh sách đề cử. Giải thưởng của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ đã lập nên một lời nguyền oái oăm cho những kẻ sản xuất ác mộng.

Những lần gọi tên hiếm hoi trong lịch sử

Oscar và sự hắt hủi dành cho dòng phim kinh dị - Ảnh 1.

Tính đến nay, đã có hơn 2000 tượng vàng Oscar được trao nhưng chỉ có khoảng 25 trong số đó thuộc về dòng phim kinh dị. Hầu hết những cái tên thắng giải đều rơi vào các hạng mục hóa trang và âm thanh. Điển hình như những tượng đài The Exorcist (1973), Jaws (1975), The Omen (1976) và Aliens (1986) đều được vinh danh với giải Âm thanh xuất sắc nhất, Nhạc nền xuất sắc nhất hoặc Dàn dựng âm thanh xuất sắc nhất. Hạng mục Hóa trang xuất sắc nhất cũng có tần suất chiến thắng cao với 4 tác phẩm, bao gồm An American Werewolf In London (1981), The Fly (1986), Beetlejuice (1988) và Dracula (1992).

Oscar và sự hắt hủi dành cho dòng phim kinh dị - Ảnh 2.

Nam diễn viên Fredric March trong "Dr. Jekyll and Mr. Hyde" (1931)

Nếu bỏ qua The Silence Of The Lambs thì trong lịch sử chỉ có duy nhất một nam diễn viên thắng giải diễn xuất của Oscar nhờ vào phim kinh dị. Đó là cố tài tử Fredric March với màn hóa thân xuất thần thành một người đàn ông đa nhân cách, khi là bác sĩ Jekyll chỉn chu và đĩnh đạc, lúc lại trở nên hung tàn trong thân phận quái vật Hyde. Tác phẩm kinh dị được chuyển thể từ quyển sách cùng tên Dr. Jekyll and Mr. Hyde (1931) đánh dấu lần đầu tiên dòng phim kinh dị chạm ngõ Oscar.

Oscar và sự hắt hủi dành cho dòng phim kinh dị - Ảnh 3.

Annie Wilkes – vai diễn để đời của Kathy Bates trong "Misery" (1990)

Trong dòng phim này, nếu Fredric March đã đem về vinh quang cho đấng mày râu thì "một nửa thế giới" lại được ghi dấu ấn bởi Kathy Bates. Bà đã làm sống dậy những trang sách rùng rợn của nhà văn Stephen King trên những thước phim của Misery (1990). Vào vai một người hâm mộ điên cuồng, Kathy Bates để lại nỗi sợ bằng sự chuyển biến tâm lý chớp nhoáng. Phân đoạn bà tra tấn thần tượng của mình đã trở thành một trong những cảnh quay kinh điển trên màn bạc. Bên cạnh Kathy Bates, Ruth Gordon cũng đã chiến thắng hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất nhờ vào phim Rosemary’s Baby (1968).

Oscar và sự hắt hủi dành cho dòng phim kinh dị - Ảnh 4.

Giới Hàn lâm luôn đánh giá thấp nội dung của các phim kinh dị, biểu hiện qua những lần đề cử "đếm trên đầu ngón tay" ở hạng mục kịch bản. Trong suốt dòng thời gian của Oscar chỉ có duy nhất The Exorcist may mắn đoạt giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Một hạng mục quan trọng khác là Dựng phim xuất sắc nhất chỉ đúng một lần vinh danh tác phẩm Jaws. Ngoài các giải thưởng nói trên, dòng phim kinh dị cũng hiếm hoi ghi tên mình vào các hạng mục thiết kế phục trang hoặc kỹ xảo.

Những "huyền thoại" bị lãng quên

Oscar và sự hắt hủi dành cho dòng phim kinh dị - Ảnh 5.

Alfred Hitchcock chưa một lần chạm tay đến tượng vàng Oscar

Leonardo DiCaprio vẫn còn nhiều thời gian để chờ đến ngày giơ cao tượng vàng Oscar, nhưng Alfred Hitchcock thì không. Vị đạo diễn nổi tiếng này đã đem đến những tượng đài bất di bất dịch cho dòng phim kinh dị. Qua đời vào năm 1980, "con quái vật của điện ảnh" khép lại sự nghiệp với 5 lần đề cử Oscar nhưng chưa một lần nào được vinh danh. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Psycho (1960), mở ra một cánh cổng định hướng dòng phim kinh dị ngày nay, đã bị Oscar hắt hủi khi thậm chí không được đề cử ở hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất.

Tác phẩm kinh dị đầu tiên được đề cử cho giải thưởng quan trọng Phim truyện xuất sắc nhất là The Exorcist. Ở thời điểm ra mắt, The Exorcist thực sự đã khiến cả thế giới phải gào thét nhưng vẫn chưa đủ đáng sợ để "dọa" các nhà hàn lâm trao giải cho mình. Một tiếc nuối khác là The Shining (1980) đã vắng mặt hoàn toàn trong danh sách đề cử. Không những vậy, tượng đài kinh dị này đã nhận nhiều búa rìu của giới phê bình khi xuất xưởng. Các học giả phim ảnh cho rằng đây là một vết nhơ trong sự nghiệp của vị đạo diễn thiên tài Stanley Kubrick. Cũng như Psycho, mãi về sau, The Shining mới được "rửa oan", đường hoàng bước chân vào hàng ngũ những cái tên gây ám ảnh nhất trong lịch sử phim ảnh.

Oscar và sự hắt hủi dành cho dòng phim kinh dị - Ảnh 6.

Vì sao phim kinh dị bị hắt hủi

Nguyên nhân đầu tiên đến từ chính các nhà làm phim. Đã qua rồi thời thập niên 60-80 đầy những ý tưởng độc đáo trong Psycho, The Exorcist, hay The Shining. Phim kinh dị giờ đây gần như đi vào lối mòn, chủ yếu xào nấu lại các công thức cũ. Mỗi năm có rất nhiều phim kinh dị, nhưng hầu như chúng đều bị chê bai thậm tệ với điểm số thảm họa trên các trang phê bình. Đối với khán giả của dòng phim kinh dị, những chiêu thức hù dọa của các đạo diễn đã quá cũ kỹ, khó lôi kéo người xem nô nức ra rạp như The Sixth Sense hay The Exorcist ngày nào.

Điều này dẫn đến cái vòng luẩn quẩn. Muốn kiếm lời thì phải tiết kiệm chi phí và mời những diễn viên hạng B, hậu quả là diễn xuất trong phim kinh dị thường rất tệ hại. Chất lượng lại càng đi xuống. Chính điều này đã khiến những bộ phim có thực lực như It Follows, Cabin in the Woods và The Conjuring cũng bị đánh đồng với vô số những tác phẩm kém cỏi và lọt khỏi mắt xanh của Viện hàn lâm.

Oscar và sự hắt hủi dành cho dòng phim kinh dị - Ảnh 7.

Người hâm mộ đang rất mong chờ vào The Conjuring: Enfield Poltergeist

Oscar luôn được xem là giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực phim ảnh, nhưng không đồng nghĩa với việc những tác phẩm "kém duyên" với nó là thiếu đẳng cấp. Đã có những lần tượng vàng Oscar trao không đúng chủ nhân dẫn đến làn sóng phản đối dữ dội trong giới yêu phim.

Giá trị của một bộ phim không nằm ở số giải thưởng giành được, mà nằm ở vị trí của nó trong lòng khán giả. Không cần đến Oscar, phim kinh dị vẫn tạo cho mình một chỗ đứng không hề nhỏ trên bản đồ phim ảnh. Nổi trội về số lượng cùng nhiều tác phẩm đạt chất lượng, phim kinh dị đã, đang và sẽ tiếp tục là cơn ác mộng trong đêm của các khán giả, dĩ nhiên có các giám khảo Oscar trong đó.