Pháp cấm phụ nữ Hồi giáo mặc burkini tắm biển, Scotland lại khuyến khích phụ nữ mặc trang phục Hồi giáo đi làm

Ngọc Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 17:30 25/08/2016

Mặc cho Pháp ban hành lệnh cấm phụ nữ Hồi giáo mặc burkini xuống biển, khiến họ bị hạn chế phần lớn tự do, mới đây Scotland đã ra thông báo, khăn trùm đầu hijab của phụ nữ Hồi giáo cũng được công nhận như một phần của bộ đồng phục cảnh sát.

Vào ngày 12/8 vừa qua, thị trưởng thành phố Cannes David Lisnard đã xác nhận việc ban hành lệnh cấm "trang phục áo tắm mang tính chất tôn giáo" tại khu nghỉ mát Riviera. Lý do được đưa ra là, trong bối cảnh Pháp và các địa điểm tôn giáo lớn đang trở thành mục tiêu tấn công khủng bố như hiện nay, việc mặc burkini (tên gọi đồ bơi của phụ nữ Hồi giáo) là không an toàn. 

Kể từ khi lệnh cấm này được ban hành, ở Cannes, người ta thấy nhiều hơn những hình ảnh phân biệt tôn giáo đến cùng cực. Nếu bất kỳ phụ nữ Hồi giáo nào mặc burkini, họ sẽ không được phép đặt chân xuống bãi tắm. Câu chuyện đã bị đẩy lên đỉnh điểm khi ngày hôm qua, 24/8 theo giờ địa phương, ba sĩ quan cảnh sát đã dùng bình xịt hơi cay, xịt vào mặt một phụ nữ Hồi giáo 34 tuổi đang vui chơi trên bãi biển cùng gia đình, và phạt người này số tiền khoảng 260 nghìn, vì tội cố tình mặc burkini khi đi tắm biển.  

Pháp cấm phụ nữ Hồi giáo mặc burkini tắm biển, Scotland lại khuyến khích phụ nữ mặc trang phục Hồi giáo đi làm - Ảnh 1.

Người phụ nữ Hồi giáo bị cho rằng mặc burkini xuống biển đã phải nộp phạt 260 nghìn.

Người phụ nữ tên Siam đã bức xúc nói rằng cô không hề biết đến lệnh cấm mới của thành phố, cũng như cô không có ý định xuống bơi vì chỉ muốn ngâm chân trong nước mà thôi. Ba viên sĩ quan cảnh sát dường như cố tình hạ nhục cô và gia đình với những người có mặt trên bãi biển lúc đấy. Ba người đó thể hiện rõ sự phân biệt chủng tộc và tôn giáo với Siam. Khi cô nói rằng đồ mình đang mặc trên người không phải là burkini, đó chỉ là 1 cái quần legging, áo và khăn trùm đầu, thì những người xung quanh cũng bắt đầu hét lên và yêu cầu Siam nên trở về nhà. 

Mặc dù đã nộp khoảng 260 nghìn tiền vi phạm lệnh cấm mới của thành phố, Siam vẫn vô cùng giận dữ và buồn phiền. Cô nói: "Hôm nay, những người phụ nữ Hồi giáo không được có mặt trên các bãi biển. Thế rồi ngày mai sẽ bị cấm đi lại trên đường phố phải không? Ngày mai, có phải tất cả chúng tôi sẽ không được thể hiện quyền tự do tôn giáo nữa? Tôi đang sống ở một đất nước nhân quyền. Nhưng tôi không thấy dấu hiệu nào của sự tự do, bình đẳng và mối gắn kết keo sơn giữa những người cùng chung quốc tịch. Tôi cảm thấy bị xúc phạm và không nghĩ rằng điều này lại xảy ra ở Pháp."

Pháp cấm phụ nữ Hồi giáo mặc burkini tắm biển, Scotland lại khuyến khích phụ nữ mặc trang phục Hồi giáo đi làm - Ảnh 2.

Siam lo ngại rằng tới đây tương lai của phụ nữ Hồi giáo sẽ vô cùng ảm đạm.

Thế nhưng, trái ngược hoàn toàn với những gì Pháp đang làm để giới hạn sự tự do của phụ nữ Hồi giáo, chính quyền Scotland lại cởi mở hơn đối với những người này. Thay vì ban hành lệnh cấm, cảnh sát ở đây đã thống nhất trang phục Hồi giáo có thể trở thành đồng phục của các nhân viên Hồi giáo và họ hoàn toàn dễ dàng thăng tiến trong sự nghiệp nếu năng lực của họ cho phép.

Cụ thể hơn, khăn trùm đầu hijab của phụ nữ Hồi giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong bộ đồng phục cảnh sát Scotland. Mục đích này nhằm khuyến khích phụ nữ Hồi giáo tham gia vào công tác bảo vệ trật tự an toàn an ninh xã hội.

Pháp cấm phụ nữ Hồi giáo mặc burkini tắm biển, Scotland lại khuyến khích phụ nữ mặc trang phục Hồi giáo đi làm - Ảnh 3.

Scotland mới đây đã thông báo khăn trùm đầu hijab của phụ nữ Hồi giáo cũng được công nhận như một phần của bộ đồng phục cảnh sát.

Thông báo chính thức về việc này đã được Hiệp hội Cảnh sát Hồi giáo Scotland (SPMA), một tổ chức được thành lập vào năm 2010 nhằm cải thiện mối quan hệ với cộng đồng người Hồi giáo thông qua. Giám đốc Hiệp hội Constable Phil Gormley cho biết: "Tôi rất vui mừng thông báo tin này và hoan nghênh sự hỗ trợ của cả cộng đồng Hồi giáo, những người dân, sĩ quan cảnh sát hay nhân viên. Giống như nhiều nhà tuyển dụng khác, đặc biệt là những công việc mang tính xã hội đặc thù, chúng tôi đang nỗ lực làm việc hết mình để đảm bảo những người được chúng tôi phục vụ cảm thấy hài lòng nhất." 

Ông cũng hy vọng với thông báo mới này, sẽ có thêm nhiều người tham gia vào công việc của Hiệp hội. Bởi trước đó, theo một báo cáo của Cơ quan Cảnh sát Scotland hồi đầu năm nay cho thấy, có 4.809 người ứng tuyển gia nhập vào cảnh sát nhưng chỉ có 127 người (chiếm 2,6%) là người có nguồn gốc dân tộc. Điều đó có nghĩa là các nhóm dân tộc thiểu số và da màu (BME) chỉ chiếm 4% trong tổ chức. Đây là một trong những thách thức mà cảnh sát Scotland đang phải đối mặt.

Pháp cấm phụ nữ Hồi giáo mặc burkini tắm biển, Scotland lại khuyến khích phụ nữ mặc trang phục Hồi giáo đi làm - Ảnh 4.

Với thông báo này, SPMA hy vọng sẽ có nhiều người Hồi giáo và dân tộc thiểu số tham gia vào lực lượng cảnh sát Scotland.

Chủ tịch SPMA, ông Fahad Bashir cho biết: "Đây là một bước đi tích cực đúng hướng và tôi rất vui mừng rằng cảnh sát Scotland đang từng bước hoàn thiện để được xem là một tổ chức toàn diện, đại diện cho cộng đồng người đa dạng mà chúng tôi phục vụ khắp Scotland. Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn sẽ có rất nhiều phụ nữ Hồi giáo và các dân tộc thiểu số tham gia vào cơ quan cảnh sát Scotland."

Được biết, Cơ quan Cảnh sát Metropolitan ở London cũng đã phê duyệt khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo như là một phần của bộ đồng phục từ cách đây hơn một thập kỷ.