Parasyte: The Grey - Thảm họa ký sinh trùng chỉ là cái cớ để bàn chuyện đạo lý con người

Lệ An, Theo Phunuso 14:10 09/04/2024

Parasyte: The Grey làm rất tốt về mặt hình ảnh, hành động và diễn xuất nhưng vẫn chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo.

Parasyte: The Grey (Ký Sinh Thú: Vùng Xám) là tựa phim live-action mới được cầm trịch bởi đạo diễn bởi Yeon Sang Ho, vị đạo diễn nổi tiếng nhờ kiệt tác Train to Busan nức tiếng màn ảnh. Thành công vang dội từ một bộ phim với đề tài sinh tồn, hậu tận thế, có vẻ như đã khiến Yeon Sang Ho si mê thể loại này và nỗ lực tìm kiếm dấu mốc vàng son tiếp theo trong sự nghiệp của mình bằng cách tiếp cận với manga Parasyte lừng danh của tác giả người Nhật Hitoshi Iwaaki. Tuy nhiên nếu mong chờ một bộ phim đúng nghĩa “live-action” thì Parasyte: The Grey không đáp ứng được điều đó khi nó là một câu chuyện với bối cảnh và các nhân vật không liên quan gì nhiều tới tác tác phẩm của Hitoshi Iwaaki. Hiểu một cách đơn giản là Parasyte: The Grey có chung vũ trụ với mangan - anime và phim điện ảnh Parasyte của Nhật Bản, khi loài người bị tấn công bởi cùng một loại ký sinh trùng có sức mạnh và cách thức hoạt động giống nhau. Vậy nếu nhìn Parasyte: The Grey theo góc độ một tác phẩm tương đối độc lập so với nguyên tác thì đây có thực sự là một tác phẩm đáng xem?

Parasyte: The Grey - Thảm họa ký sinh trùng chỉ là cái cớ để bàn chuyện đạo lý con người - Ảnh 1.

Câu chuyện quái vật và nỗi cô đơn của loài người

Prasyte lấy bối cảnh ở Namil, một thành phố tại Hàn Quốc, bộ phim mở đầu bằng cảnh một loạt vật thể kỳ lạ cùng rơi xuống trái đất. Từ một hình cầu, nó mọc ra xúc tu sắc nhọn tấn công đầu của một thanh niên tại buổi tiệc. Lập tức sau đó, thanh niên này biến thành quái vật với phần đầu có thể biến dạng thành vũ khí giết người. Những con ký sinh trùng bắt đầu tìm kiếm vật chủ là con người, ăn não bộ và kiểm soát hoàn toàn vật chủ. Nữ chính Soo In là một trong số những người đen đủi bị ký sinh trùng tiếp cận. Tuy nhiên, thời điểm ký sinh trùng định xâm chiếm não bộ cô cũng là lúc cô đang bị thương rất nghiêm trọng. Để “vật chủ” không chết, con ký sinh trùng này buộc phải chữa trị vết thương cho cô, kết quả là nó không thể xâm chiếm toàn bộ não bộ của Soo In. Một biến chủng bất đắc dĩ ra đời và Soo In dần phải thích nghi với việc sẽ có những khoảng thời gian ngắn trong ngày, cô biến thành quái vật.

Parasyte: The Grey - Thảm họa ký sinh trùng chỉ là cái cớ để bàn chuyện đạo lý con người - Ảnh 2.

Việc vẫn giữ được bản chất con người nhưng lại có trong mình một “nhân cách” khác được “gọi thân thương” là Heidi đã khiến Soo In bị cô lập. Xã hội loài người mà đại diện là Joon Kyung - đội trưởng đội săn quái vật - không muốn thu nạp Soo In trong khi đám quái vật cũng coi Heidi như kẻ dị biệt cần phải tiêu diệt. Dần dà, trong hành trình trốn chạy, tiếp xúc với một đồng minh mới là Kang Woo (Koo Kyo Hwan) - một “con người hoàn toàn” nhưng cũng đang chạy trốn loài người, những khía cạnh nội tâm, quá khứ của Soo In được tiết lộ. Nếu đám ký sinh trùng rất nhanh chóng học được cách làm người, thậm chí con đầu đàn còn lên kế hoạch để chiếm lấy não bộ của thị trưởng - kẻ đứng đầu trong tổ chức loài người, thì Soo In cũng dần nhận ra, cô không hề cô đơn tuyệt đối trong “tổ chức”. Cạnh Soo In vẫn có Kang Woo, một người mới quen nhưng năm lần bảy lượt sẵn sàng chiến đấu với quái vật cùng cô và cả cảnh sát Kim Cheol Min, người mà bấy lâu nay Soo In đã coi là bố.

Parasyte: The Grey - Thảm họa ký sinh trùng chỉ là cái cớ để bàn chuyện đạo lý con người - Ảnh 3.

Có thể thấy dù là phim về ký sinh trùng, đấu tranh sinh tồn nhưng thông điệp của Parasyte: The Grey lại là xoáy sâu vào nỗi cô đơn của loài người, khi họ tưởng như mình đã bị ruồng bỏ nhưng vẫn chọn cách tin vào “đồng loại”. Thông điệp này hay ho và mới mẻ hơn khá nhiều những bộ phim sinh tồn khác, khi đa phần phim sinh tồn đều làm nổi bật một câu chuyện chung: bản chất con người trong cảnh khốn cùng, nhưng cách Parasyte: The Grey cứ cố nhồi nhét triết lý lại gây phản tác dụng. Nó đi vào vết xe đổ của rất nhiều phim Hàn khác, khi quá say mê bàn chuyện đạo lý, đến độ có những cảnh phim trở nên khiên cưỡng, dư thừa và phá vỡ mạch cảm xúc của người xem. Khán giả phải trầm trồ khi ký sinh trùng lại hiểu loài người hơn cả loài người, chúng khao khát được đứng đầu một tổ chức và liên tục nhắc đi nhắc lại từ khóa “tổ chức” đến độ khán giả cũng thuộc lòng. Hay phân cảnh Soo In bị bắt, cô có một cuộc trò chuyện trong tâm thức với Heidi. Lúc này, Heidi có thể đọc vanh vách cả tiểu sử cuộc đời của Soo In, thấu hiểu tâm can của vật chủ, thậm chí còn hiểu luôn cả người mẹ đã bỏ rơi Soo In. Một cuộc nói chuyện với quá nhiều đạo lý cuộc đời đến độ không cần thiết. Hay thậm chí cả ở trận chiến kết phim, nơi khán giả lẽ ra được xem một màn đấu đá nảy lửa, thì biên kịch cũng tranh thủ lồng ghép thông điệp về niềm tin của con người với con người - thứ kéo họ ra khỏi sự cô đơn cùng cực.

Parasyte: The Grey - Thảm họa ký sinh trùng chỉ là cái cớ để bàn chuyện đạo lý con người - Ảnh 4.

Kịch bản hay ho nhưng còn thiếu chiều sâu

Dĩ nhiên vẫn phải ghi nhận việc Parasyte: The Grey có cốt truyện rất dễ hiểu, các tập đầu thực sự hấp dẫn, việc xoáy sâu vào đội Vùng Xám và bật lên sức mạnh của con người thay vì quái vật cũng là một điểm thú vị so với nhiều bộ phim cùng chủ đề khác. Tuy nhiên đáng tiếc khi phim đặt ra quá nhiều vấn đề nhưng lại không giải quyết được triệt để trong thời lượng 6 tập. Khán giả không biết thực sự ký sinh trùng là gì, có nguồn gốc từ đâu và tại sao nó lại nhanh chóng học hỏi được mọi thứ loài người. Chúng biết lợi dụng tôn giáo để làm vỏ bọc cho tổ chức của mình, biết thứ gọi là quyền lực và khao khát quyền lực,... Chúng thông minh và hiểu con người tới độ khán giả phải đặt ra hàng loạt câu hỏi rằng tại sao phim lại diễn ra theo chiều hướng này.

Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc loại bỏ nguồn gốc ký sinh trùng có lẽ cũng để làm bật lên thông điệp, rằng câu trả lời về cuộc sống bình yên còn quan trọng hơn câu trả lời về nguồn gốc ra đời của hiểm hoạ. Không cần biết chúng có nguồn gốc từ đâu, chỉ biết chúng có khao khát làm con người thực sự, thậm chí là thống trị con người. Khao khát lớn là vậy nhưng sức ảnh hưởng của ký sinh trùng có vẻ lại rất nhỏ, thậm chí chúng chỉ như một nhóm người bạo loạn đang dần bị cảnh sát nắm thóp.

Parasyte: The Grey - Thảm họa ký sinh trùng chỉ là cái cớ để bàn chuyện đạo lý con người - Ảnh 5.

Song hành cùng với độ nhạy bén của quái vật thì đội Vùng Xám cũng không kém cạnh. Chỉ sau khi triệt hạ được một vài con quái vật đầu tiên, Joon Kyung đã nằm lòng mọi thứ về đám ký sinh trùng này. Quay lại quá khứ, ngay từ lần đầu đụng độ với quái vật, cô đã biết dùng hóa chất, cụ thể ở đây là nước tẩy rửa, để “phong ấn” sức mạnh của chúng. Bên cạnh đó, việc Joon Kyung thành lập đội Vùng Xám cũng chưa mang tính thuyết phục. Ngoài Joon Kyung thì phần lớn các nhân vật trong đội này đều nhạt nhòa và câu chuyện động lực đằng sau việc họ quyết định gia nhập đội là điều bí ẩn. Phim cố gắng đi sâu vào câu chuyện đội Vùng Xám đấu tranh quên mình để bảo vệ nhân loại khỏi ký sinh trùng nhưng những tổng thể lại chưa thực sự thuyết phục do thiếu chiều sâu nhân vật.

Parasyte: The Grey - Thảm họa ký sinh trùng chỉ là cái cớ để bàn chuyện đạo lý con người - Ảnh 6.

Hành động - kỹ xảo và dàn cast xuất sắc

Vào vai Soo In là diễn viên trẻ Jeon So Nee, một gương mặt chưa mấy quen thuộc với các khán giả yêu thích phim truyền hình Hàn. Đạo diễn Yeon Sang Ho đã cho khán giả thấy được việc trao cơ hội cho một người mới là hoàn toàn đúng. Cách So Nee có sự chuyển biến khi đóng cùng một lúc hai nhân vật, khi Soo In - một con người, lúc là Heidi - một ký sinh trùng mượn xác người, mang đến cảm giác rất thoải mái cho người xem.

Koo Kyo Hwan có lẽ là người nổi bật hơn cả. Anh mang đến một màn trình diễn tuyệt vời, từ những cảnh tâm lý nặng đến các pha hành động đều được thực hiện một cách trơn tru, đầy thuyết phục. Trong khi đó, nữ chính còn lại Lee Jung Hyun lại có một số phân cảnh diễn xuất hơi cường điệu nhưng nhìn chung cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm xem phim của khán giả.

Parasyte: The Grey - Thảm họa ký sinh trùng chỉ là cái cớ để bàn chuyện đạo lý con người - Ảnh 7.

Các pha hành động đẹp mắt cũng là một điểm sáng của bộ phim. Hơn hết, phim tôn trọng những hình ảnh đến từ manga, phần kỹ xảo làm rất tốt, thậm chí còn khiến quái vật trông đáng sợ hơn cả nguyên tác. Những pha chiến đấu, khi phần mặt người biến thành xúc tu của ký sinh trùng, gần như luôn gây sốc cho người xem. Nó luôn kỳ lạ, kinh khủng một cách thú vị. Bất chấp vấn đề về kịch bản, những khoảnh khắc hấp dẫn và căng thẳng, đặc biệt là sự biến hóa linh hoạt giữa Soo Ni với ký sinh trùng đã mang đến cho khán giả sự hài lòng về mặt thị giác. Bộ phim đã duy trì được sự nhất quán giữa kỹ thuật quay phim với các hiệu ứng đặc biệt nhằm ghi lại sự ảm đạm của bối cảnh hậu tận thế. Sự biến đổi kỳ cục của các sinh vật ký sinh được thể hiện với những chi tiết rùng rợn, làm tăng thêm cảm giác sợ hãi và bất an xuyên suốt câu chuyện. Hơi tiếc khi màu phim khá tối, nhiều khán giả còn so sánh nó với phim DC. Sự u tối đến độ không cần thiết đôi khi cũng làm ảnh hưởng đến trải nghiệm thưởng thức của khán giả.

Parasyte: The Grey - Thảm họa ký sinh trùng chỉ là cái cớ để bàn chuyện đạo lý con người - Ảnh 8.

Chấm điểm: 3/5

Parasyte: The Grey chắc chắn không phải là tác phẩm hay nhất của Yeon Sang Ho và có vẻ việc cố gắng lấy lại thành công từng có từ Train to Busan sẽ không dễ dàng. Nhưng nhìn chung đây vẫn là một tác phẩm dễ xem, mang tính giải trí cao và có lẽ nó thúc đẩy rất nhiều người tìm đọc manga gốc, bởi đây thực sự là cách tốt nhất để trải nghiệm bộ phim này.

Parasyte: The Grey - Thảm họa ký sinh trùng chỉ là cái cớ để bàn chuyện đạo lý con người - Ảnh 9.

Nguồn ảnh: Netflix