Các chính trị gia, những người không chú trọng việc thực hiện các giải pháp nhằm chống biến đổi khí hậu, sẽ phải trả giá ngay trên chính trường bầu cử.
Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Angel Gurria, đưa ra tuyên bố trên, qua đó chỉ trích chính phủ một số nước đang đi sai hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay.
Trẻ em chơi đùa tại khu vực đài phun nước ở quảng trường Schwarzenberg, Áo để tránh nắng nóng với nhiệt độ lên tới 36 độ C, ngày 26/6/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trong một bài phát biểu ngày 3/7, người đứng đầu OECD đã chỉ đích danh Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Mexico và Australia là những nước đang khiến tình trạng biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, kêu gọi các nước này cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Theo ông Gurria, các nước nêu trên đang cản trở nỗ lực thay đổi của giới trẻ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà ông cho rằng đây là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh công nghệ hỗ trợ chống biến đổi có sẵn và chi phí liên tục giảm.
Ông Gurria lấy dẫn chứng sự trỗi dậy của đảng Xanh tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi cuối tháng Năm vừa qua là minh chứng cho thấy sức mạnh chính trị của các chính trị gia đã được hồi đáp qua cách họ thể hiện trước lời kêu gọi chống biến đổi khí hậu của giới trẻ.
Trong bài phát biểu này, ông nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết hiện nay liên quan đến Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu.
Ông cho biết đến nay chỉ có 12 nước trong tổng số 195 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris công bố kế hoạch chi tiết nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong văn kiện.
Theo ông, Hiệp định Paris cần phải được điều chỉnh bởi thế giới đều biết rằng thỏa thuận này không đủ để có thể đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C so với với kỳ tiền công nghiệp.
Ông đề cập đến thách thức hiện nay, đó là việc Mỹ công khai ý định rút khỏi Hiệp định Paris đang trở thành cái cớ mà nhiều nước đang vin vào để xem xét việc rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu này.
Chống biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết khi liên tục xuất hiện các báo cáo khoa học đề cập đến hậu quả nghiêm trọng của tình trạng này đối với sự sống của nhân loại, các loài động thực vật và sự phát triển toàn cầu, cùng với các thảm họa thiên tai liên tục xảy ra.
Trước thực trạng này, các tổ chức quốc tế liên tục đưa ra cảnh báo, đồng thời kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng thực hiện các biện pháp hướng tới giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu.