Ở đất nước bí ẩn Triều Tiên, họ tạo ra tài năng bóng đá theo cách chẳng giống ai

THANH ĐÌNH, Theo Trí Thức Trẻ 14:03 15/01/2020

Bạn có thể bất ngờ khi biết rằng Triều Tiên, một đất nước khép kín, lại có không ít cầu thủ bóng đá đang chơi ở nước ngoài, thậm chí là châu Âu. Làm thế nào điều kỳ lạ ấy xảy ra?

Đứng đầu đất nước bí ẩn nhất thế giới, đương nhiên những gì liên quan tới Kim Jong-un cũng được phủ lên một lớp mây mù. Tuy nhiên có một chi tiết khá chắc chắn. Ông rất thích bóng đá. Và trong những năm theo học ở Thụy Sỹ, vị Chủ tịch tương lai của Triều Tiên từng nhiều lần đến San Siro để xem các trận đấu của Inter Milan.

Vì vậy, ngay sau khi nắm quyền, Kim Jong-un đã cố gắng cải thiện chất lượng bóng đá Triều Tiên. Năm 2012, các quan chức Liên đoàn bóng đá Triều Tiên (PRKFA) đã liên hệ với Antonio Razzi, một chính khách người Italia, với mục đích xin sự giúp đỡ.

Bằng mối quan hệ cá nhân, Razzi đã kết nối với Học viện ISM. Những người Triều Tiên rất hài lòng bởi Học viện này khá gần Đại sứ quán Triều Tiên ở Rome. Một thỏa thuận hợp tác được ký kết và ISM độc quyền khai thác các tài năng bóng đá ở đất nước nằm phía Bắc bán đảo Triều Tiên.

Ở đất nước bí ẩn Triều Tiên, họ tạo ra tài năng bóng đá theo cách chẳng giống ai - Ảnh 1.

Ông Antonio Razzi giúp các cầu thủ Triều Tiên được tập luyện ở học viện ISM.

Vào năm 2013, Triều Tiên khai trương Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng và chọn ra một nhóm thiếu niên để gửi tới ISM. Tuy nhiên, ISM từ chối với lý do chúng quá bé. Một năm sau, đích thân Giám đốc Học viện Alessandro Dominici cùng HLV Luis Pomares tới Triều Tiên thị sát. Khi trở về, ông mang theo 15 cầu thủ trẻ được đánh giá là tài năng nhất.

Tại đây, các cầu thủ trẻ sống trong ký túc xá của trường nội trú Convitto Nazionale Principe di Napoli Assisi. Họ đi học vào buổi sáng và được huấn luyện bóng đá vào buổi chiều.

Nhưng Triều Tiên không phó mặc hoàn toàn những đứa trẻ này cho ISM. Họ cắt cử một người chuyên trách sống chung để giám sát. Ngoài ra, các quan chức Đại sứ quán cũng thường xuyên ghé thăm nhằm đảm bảo mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch.

Ở đất nước bí ẩn Triều Tiên, họ tạo ra tài năng bóng đá theo cách chẳng giống ai - Ảnh 2.

Một buổi đấu tập tại Học viện ISM.

Trước câu hỏi các cầu thủ trẻ Triều Tiên có được tự do hay không, Giám đốc Dominici quả quyết rằng họ sinh hoạt như mọi cầu thủ khác và được thoải mái sử dụng điện thoại, tiếp cận truyền hình, Internet cũng như các mạng xã hội.

Tuy nhiên người ta có quyền nghi ngờ điều này. Câu chuyện sau đây là một minh chứng. Vào đầu năm 2015, 3 tuyển trạch viên của Liverpool tới ISM để tìm kiếm tài năng. Một trong số họ đề cập tới đội trưởng huyền thoại Steven Gerrard như một cách gây ấn tượng. Thế nhưng phản ứng “anh ta là ai?” của nhóm cầu thủ Triều Tiên khiến họ thất vọng.

Theo đánh giá chung, phần lớn các cầu thủ Triều Tiên sở hữu kỹ thuật điêu luyện, đủ khiến những người chứng kiến phải ngỡ ngàng. Hạn chế của họ là chiến thuật, khả năng ra quyết định và đọc trận đấu. Gần như tất cả không có chút ý niệm nào về những điều này. Nhưng khi được học, họ tiếp thu rất nhanh. Có lẽ vì sự giám sát chặt chẽ khiến các cầu thủ chỉ tập trung duy nhất vào bóng đá.

Ở đất nước bí ẩn Triều Tiên, họ tạo ra tài năng bóng đá theo cách chẳng giống ai - Ảnh 3.

Cầu thủ ngôi sao Han Kwan-song của Triều Tiên.

Han Kwang-song là cái tên nổi bật trong nhóm cầu thủ đầu tiên tới ISM. Ở tuổi 19, anh kiếm được hợp đồng với Cagliari, trở thành cầu thủ Triều Tiên đầu tiên ra sân và ghi bàn tại Serie A. Anh cũng chơi cho Perugia theo dạng cho mượn trước khi ký hợp đồng với Juventus, sau đó được gửi đến Al-Duhail của Qatar để tích lũy kinh nghiệm.

Gây ấn tượng với người hâm mộ Italia, Kwang-song từng được Đài truyền hình RAI liên hệ để xuất hiện trong chương trình La Domenica Sportiva. Vào phút chót, Kwang-song đã không tới vì nhận được cú điện thoại từ quê nhà. Anh đã giam mình trong phòng nhiều giờ trước khi bước ra và giải thích với Chủ tịch Perugia rằng Chính phủ Triều Tiên cấm cầu thủ của họ xuất hiện trên truyền hình quốc tế và sẽ bị trừng phạt nặng nề nếu vi phạm.

Vào một dịp khác, Kwang-song đi cùng Luciano Mancini, HLV của mình tới một nhà hàng gần trung tâm huấn luyện. Tại đây, dưới sự chứng kiến của phóng viên tờ New York Times, khi Mancini hỏi về cuộc sống cũng như tình trạng ở quê nhà, Kwang-song gọi một đĩa xúc xích và lặng lẽ ăn.  

Thời ở Perugia, Kwang-song từng sát cánh cùng đồng hương Choe Song-hyok, người bây giờ chơi cho Arezzo ở Serie C. Song-hyok sẽ tham dự VCK U23 châu Á lần này và là niềm hy vọng lớn nhất của Triều Tiên. Ạnh này từng khoác áo ĐTQG, và ra mắt chính ở trận hòa 1-1 với Việt Nam hồi cuối năm 2018.  

Lẽ ra sự nghiệp của Song-hyok đã tốt hơn nếu anh không bị Fiorentina đơn phương chấm dứt hợp đồng năm 2016. Theo lập luận của Fio, Song-hyok không được hưởng toàn bộ tiền lương, mà 70% thuộc về Chính phủ Triều Tiên. Mà điều này, theo họ, vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế đối với đất nước của Kim Jong-un.

Ở đất nước bí ẩn Triều Tiên, họ tạo ra tài năng bóng đá theo cách chẳng giống ai - Ảnh 4.

Choe Song-hyok cũng là cái tên đáng chú ý của bóng đá Triều Tiên.

Đã từ lâu, quốc tế cáo buộc Triều Tiên cố gắng tìm kiếm nguồn ngoại tệ dựa trên lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Tờ Yonhap News nói rằng 70% tiền lương mà người lao động kiếm được sẽ đi thẳng vào tài khoản Chính phủ, và các cầu thủ là nguồn thu quan trọng bởi mức lương cao hơn những lao động phổ thông khác. Đó là lý do trước thời điểm Kwang-song ký hợp đồng với Juventus, người có mặt để thương thảo lương là… quan chức cấp cao của Liên đoàn bóng đá Triều Tiên.

Như đã biết, Triều Tiên là đất nước đầy bí ẩn. Vậy nên các cáo buộc khó có thể kiểm chứng. Dù sao thì các nỗ lực tự thân cũng đang giúp bóng đá Triều Tiên phát triển, ít nhất cũng không quá xa với phần còn lại của thế giới, đồng thời tạo nên những cầu thủ chất lượng cho tương lai.

Vì thế đừng bao giờ đánh giá thấp U23 Triều Tiên. Cộng với cách tiếp cận trận đấu như thể bước vào một cuộc chiến, họ luôn có khả năng mang đến bất ngờ.