Những lần người Nhật Bản chống chọi với dư luận và anh hùng bàn phím

Skye, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 27/04/2016

Khi dư luận chĩa mũi rìu vào Nhật Bản, quốc gia này không hề vội vàng phản ứng mà luôn bình tĩnh tìm hiểu cặn kẽ cũng như các biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề.

Những ngày gần đây, khi thông tin về vụ nhà hàng Trung Quốc treo biển chúc mừng Nhật Bản bị động đất lan tràn trên mạng, nhiều người đã tỏ ra bất bình và thể hiện thái độ rất gay gắt. Tuy nhiên, Nhật Bản - quốc gia được nhắc tên trong tấm biển chúc mừng kia - lại không hề đưa ra bất cứ phản ứng nào. Có người thắc mắc, cũng có người hoài nghi về tinh thần dân tộc của Nhật Bản. Thế nhưng có thật Nhật Bản chỉ im lặng trước những lời lẽ mang tính động chạm, thậm chí là xúc phạm như vậy không? 

Ở Nhật Bản, có một thuật ngữ để chỉ những anh hùng bàn phím. Tuy nó không hoàn toàn có nghĩa chính xác nhưng người dân Nhật Bản dùng từ lóng "netto surangu" để chỉ những người thể hiện cảm xúc của bản thân quá đà trên mạng xã hội. 

Trên thực tế, người Nhật không hề im lặng trước các "netto surangu" ẩn mình trên toàn thế giới. Họ có những cách giải quyết thông minh và có lý do khiến nhiều người ngưỡng mộ trước sự im lặng của mình.

Bị "ném đá" ngay sau khi thảm họa kép xảy ra

Quay ngược về với câu chuyện tháng 3/2011 khi một trận động đất kèm sóng thần tàn phá nhiều vùng Nhật Bản. Thảm kịch thiên nhiên diễn ra khi động đất và sóng thần đã làm nổ nhà máy hạt nhân Fukushima khiến nhiều người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và những hậu quả nặng nề sau này với toàn bộ khu vực.

Cả thế giới bàng hoàng; thông tin được đưa lên tất cả trang báo trên thế giới và xuất hiện trong nhiều cuộc nói chuyện trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong khi cả thế giới đang trở nên rối loạn, chỉ có một nơi mà mọi thứ có vẻ không cuốn theo guồng quay của dư luận đó chính là Nhật Bản.

Những lần người Nhật Bản chống chọi với dư luận và anh hùng bàn phím - Ảnh 1.

 Thảm họa thiên tai đã phá hủy nhiều vùng tại Nhật Bản

Những lần người Nhật Bản chống chọi với dư luận và anh hùng bàn phím - Ảnh 2.

 Các báo chí đưa tin tức rất nhiều về thảm họa tại Fukushima

Các nước phương Tây lên án Nhật Bản vì những động thái chậm chạp; khiến thảm họa thiên nhiên trở thành thảm họa do con người gây ra. Thế nhưng, người dân xứ sở hoa anh đào vẫn im lặng bởi họ cho rằng việc quan tâm đến các chỉ trích, cáo buộc của một bộ phận thế giới sẽ khiến chính phủ càng trở nên rối loạn, vấn đề càng trở nên căng thẳng và mọi chuyện cũng chẳng vì thế mà trở nên dễ giải quyết hơn.

Với người dân Nhật Bản, khi đối mặt với bất cứ vấn đề gì, họ sẽ thông báo và giải quyết vấn đề với những đối tượng liên quan, trước khi xử lý với các đối tượng bên ngoài. Nét văn hóa đó cũng trở thành một phần của báo giới khi họ quan tâm tới người dân đất nước mình, hơn là lo việc các nước khác nghĩ về mình như thế nào. 

Người Nhật không im lặng trước vấn đề, nhưng cũng không lên tiếng "phản pháo" ngay lập tức. Thay vì đó, họ sẽ chứng tỏ bằng hành động để báo giới phải "múa bút" khen ngợi họ với những nỗ lực của mình. Thậm chí, nhiều chuyên gia báo chí cho rằng, truyền thông quốc tế nên học hỏi từ truyền thông Nhật Bản.

Những lần người Nhật Bản chống chọi với dư luận và anh hùng bàn phím - Ảnh 3.

 Tuy nhiên, báo giới lại phải tốn giấy mực với cách chính phủ đã giúp người dân bình tĩnh vượt qua thảm họa thiên nhiên

Những lần người Nhật Bản chống chọi với dư luận và anh hùng bàn phím - Ảnh 4.

 Người dân Nhật Bản vẫn bình tĩnh trước thảm họa thiên nhiên 

Những tin đồn về "văn hóa tự tử"

Nếu bạn hỏi 10 người về việc theo họ, quốc gia nào có tỉ lệ tự tử cao nhất, chắc chắn quá nửa, hoặc có thể là cao hơn sẽ đưa cho bạn câu trả lời là Nhật Bản. Lí do vì báo chí trong nước của họ luôn tràn ngập những câu chuyện rùng rợn, được thêm màu sắc ly kì vào các trường hợp tự tử tại Nhật Bản.

Khi mà báo chí thế giới liên tục lên án Nhật Bản về tình trạng làm việc quá giờ, áp lực công việc, tự tử thì ở Nhật, những câu chuyện như vậy thường ít được đưa lên. Nhiều người lại đặt ra câu hỏi, tại sao Nhật Bản không đưa những thông tin đó lên hay họ muốn ém nhẹm đi những nét xấu trong văn hóa của mình?

Những lần người Nhật Bản chống chọi với dư luận và anh hùng bàn phím - Ảnh 5.

 "Khu rừng tự tử" tại Nhật Bản

Nhật Bản không phải quốc gia bưng bít thông tin hay che giấu đi hết những điều không đẹp trong văn hóa của mình. Tuy nhiên, báo giới Nhật Bản biết lựa chọn những thông tin chọn lọc, có lợi cho người dân và đất nước. Quốc gia này đã từng đứng lên xin lỗi Trung Quốc và Hàn Quốc về những tổn thất mà họ gây ra trong chiến tranh tại hai nước trên. Động thái đó khiến Nhật Bản trở nên đẹp hơn trong mắt các nước lân cận. Nhưng với thông tin về số người tự tử, tại sao họ vẫn khá dè dặt?

Thứ nhất, với người Nhật Bản, họ coi việc làm việc cống hiến, đôi khi dẫn tới những vấn đề như quá giờ, áp lực là một phần văn hóa. Tại Nhật Bản, những khái niệm như gaman (chịu đựng sự mất mát và hy sinh) và ganbare (nỗ lực hết mình) là một khía cạnh văn hóa. Do vậy, khi cả thế giới nhìn vào Nhật Bản như một quốc gia có áp lực công việc quá lớn, người Nhật cho rằng đó là cách để họ có thể cống hiến cho dân tộc.

Thứ hai, là một quốc gia "có đầu óc" trong khu vực châu Á, người dân Nhật Bản luôn tin vào những thông tin chính thống, có căn cứ. Truyền thông Nhật Bản sẽ biết sàng lọc thông tin để đưa tới cho người đọc, vừa là cách giúp họ chọn lọc được thông tin thú vị, vừa là cách để hình thành nên "phong cách đọc" cho người dân. Rõ ràng, nếu xét trên toàn thế giới, Nhật Bản là quốc gia có tỉ lệ tự tử chỉ cao thứ 9 và con số này đang giảm rõ rệt, chứ không theo cái cách mà báo chí vẫn đang làm rùm beng. 

Những lần người Nhật Bản chống chọi với dư luận và anh hùng bàn phím - Ảnh 6.

Nhật Bản có tỉ lệ tự tử cao thứ 9 trên thế giới

Bị lên án vì lén săn bắt cá voi để... ăn

Nhiều nhà môi trường trên khắp thế giới cáo buộc chính phủ Nhật bản cho phép ngư dân săn 333 con cá voi vào ngày 23/3/2016, trong đó có 157 cá voi đang mang thai tại Bắc Cực. Chính phủ Nhật Bản đã phản ứng lại với các cáo buộc về việc nước này đang đẩy cá voi đến sự tuyệt chủng bằng cách đưa ra các con số cụ thể, lý do hợp lý. Nhật Bản cho rằng họ tiến hành săn bắt cá voi không phải chỉ để ăn mà để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề y học. Ngoài ra, số lượng cá voi  mà nước này đánh bắt mỗi năm vẫn nằm trong mức quy định.

Chính phủ Nhật Bản còn cho rằng, nguyên nhân chính cho việc cá voi tuyệt chủng không phải do nạn săn bắt mà chủ yếu do ô nhiễm môi trường, việc khai thác dầu và khí ga, cũng như việc âm thanh từ các tàu chở hàng làm nhiễu sóng của cá voi và khiến cá voi chết dạt vào bờ.

Trong cả hai câu chuyện, thay vì lên tiếng ngay lập tức, người Nhật chọn giải pháp đưa ra những số liệu, dẫn chứng cụ thể để đối phó với dư luận. Với cách làm như vậy, người dân Nhật Bản sẽ có cái nhìn chính xác hơn về vấn đề và tránh kéo dài các cuộc tranh luận không cần thiết trên báo chí. 

Những lần người Nhật Bản chống chọi với dư luận và anh hùng bàn phím - Ảnh 7.

 Chính phủ Nhật Bản biết lựa chọn thông tin để "phản pháo" và giải quyết vấn đề dư luận

Những lần người Nhật Bản chống chọi với dư luận và anh hùng bàn phím - Ảnh 8.

 Săn cá voi không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự tuyệt chủng của loài này

Tạm kết: Trong mỗi người dân đều mang hình ảnh của đất nước

Trong khi Nhật Bản đang cố nối lại mối quan hệ với Trung Quốc, báo chí Nhật Bản hiểu rõ việc đáp lại vấn đề trên chỉ khiến mối quan hệ hai nước trở nên trầm trọng. Trên thực tế, những câu nói xúc phạm của nhà hàng Trung Quốc đó chỉ là trường hợp hy hữu. Truyền thông Nhật Bản đã chống chọi lại với dư luận bằng cách im lặng vì rõ ràng, câu nói đó không đại diện cho thái độ của cả Trung Quốc. Họ khôn ngoan để hiểu rằng mọi thông tin đưa ra có thể chỉ là sản phẩm của "bẫy truyền thông".

Những lần người Nhật Bản chống chọi với dư luận và anh hùng bàn phím - Ảnh 9.

 Hình ảnh một nhà hàng Trung Quốc chúc mừng Nhật Bản bị động đất

Đặc biệt hơn cả, Nhật Bản là quốc gia mà mỗi người dân đều ý thức được việc họ mang hình ảnh dân tộc. Lướt qua những trang báo quốc tế, bạn sẽ khó có thể tìm thấy những bình luận của người Nhật Bản. 

Tuy nhiên, xét một cách công bằng, Nhật Bản không phải quốc gia dễ khuất phục với tinh thần samurai lâu đời. Khi người Nhật biết chắc chắn những việc làm gây ảnh hưởng đến quốc gia, họ sẽ có những phản ứng thích hợp. Đơn cử cho trường hợp này là câu chuyện khách du lịch trèo lên cây hoa anh đào tại Nhật Bản, dư luận nước này đã thể hiện thái độ vì những hành động mang tính hủy hoại hình ảnh quốc gia.