Những đường vẽ nguệch ngoạc trên bức tường vàng Đà Lạt: Cá tính không đúng chỗ sẽ là phá hoại đấy

Tuấn Pu; Design: Tuấn Maxx, Theo Trí Thức Trẻ 00:54 28/02/2018

Đã gần hai mươi năm kể từ ngày ngoại mất, mình chưa bao giờ thôi hết nhớ. Đi đến bất cứ đâu mình cũng thấy bóng hình của ngoại, làm bất cứ việc gì mình cũng tưởng tượng ra được tiếng nói cười của ngoại.

Mình lớn lên trong những hồn nhiên trong trẻo đầy sắc màu nơi xưởng vẽ của ngoại. Hồi ấy còn nhỏ, ngoại dạy cho vẽ biết bao nhiêu điều. Từ cánh én chao nghiêng, cánh diều no gió, cánh buồm cô đơn giữa đại dương xanh thẳm,... mình thích vẽ lắm. Ngoại mua cho mình một hộp bút chì màu, mình khi nào cũng cẩn thận mang theo trong cặp.

Lúc đi học, lúc đi chơi, ở đâu có thấy không gian là lao ra ngồi vẽ. Mấy bận nhà trường mời ba mẹ lên vì mình vẽ hết cả ra bàn học, lên tường lớp, ra sách vở, trong lúc ngồi chờ mọi người nói chuyện thì ai cũng thấy mình đang ngồi vẽ một thứ gì đó lên mặt đất. Trời ơi hồi ấy sao mà ương ngạnh, ngang bướng và "đam mê" thế.

Mình lớn lên trên những chuyến tàu theo ngoại từ Hà Nội về quê ở Huế. Những tiếng máy, tiếng còi, tiếng dồn toa như in sâu trong tiềm thức của những ngày tuổi trẻ. Vẫn hộp bút chì màu ấy, nhưng mình biết ngắm nhìn và tưởng tượng, biết quan sát và suy ngẫm trước khi một khung cửa sổ, hay một góc bàn ăn lại chi chít những hình vẽ của mình.

Những đường vẽ nguệch ngoạc núp bóng nghệ thuật: Cá tính không đúng chỗ sẽ là phá hoại đấy - Ảnh 1.

Mình thương ngoại nhiều, ngoại thương mình nhiều hơn. Nhưng ngoại bảo mình thôi đừng vẽ lên đồ vật, đừng tô lên cảnh vật vốn đã được tạo ra hài hoà và tốt đẹp như thế. Mọi thứ đều có linh hồn, có cảm nhận, và mỗi lần con vẽ lên chúng cũng biết đau, biết buồn lắm đấy, ngoại sẽ mua cho con thật nhiều giấy, để con mang theo và vẽ lại được không? Mình lắc đầu. Đi đến mỗi nơi nhất định con sẽ phải để lại dấu ấn của mình ở đó, để con biết, và mọi người biết con đã từng ở đó. Ngoại chỉ lặng yên ngắm nhìn.

Một sớm mùa hè sắc ngọt, ngoại đưa mình qua nhà ông Tố chơi. Ông Tố là bạn thân của ngoại từ thuở thiếu thời. Nhà ông cách nhà ngoại một con phố đầy phượng bay và một hàng chè thơm do bà Loan tự nấu.

Ngoại với ông Tố ngồi đánh cờ ngay dưới gốc cây nhãn già đang chuẩn bị tiếp một mùa hoa. Mình ngồi núp sau, lấy chìa khoá khắc lại cảnh tượng ấy thật đẹp lên thân cây, như một món quà nhỏ tặng cho ông Tố. Khắc xong, mình gọi ngoại và ông Tố lại coi. Ông Tố ôm mặt thốt lên: "Trời ơi! Cây nhãn tổ trân quý bao đời của gia đình tôi!", còn ngoại chỉ im lặng.

Tối đó về ngoại kiếm roi mây, vụt vào mông mình mấy phát, ngoại vừa đánh vừa khóc, nhưng nước mắt của ngoại sao sánh được với nỗi tổn thương đang lớn dần trong lòng một thằng trẻ đầy kiêu hãnh?

Những đường vẽ nguệch ngoạc núp bóng nghệ thuật: Cá tính không đúng chỗ sẽ là phá hoại đấy - Ảnh 2.

Tối ấy mình bỏ ngoại mà đi, ngoại đuổi theo gọi với bằng cái chân đau cà nhắc, mình không ngoái lại. Mình đi qua con phố đầy lá phượng, qua hàng chè bà Loan, đi qua nhà ông Tố, những ngọn đèn đường rét buốt trong tim. Ngoại vẫn còn gọi sau lưng. Tiếng ngoại gọi tên mình đầy day dứt và buồn bã. Nhưng mình phải đi thôi. Tiếng còi xe ầm ĩ, một tiếng xe tải phanh gấp, tiếng người đâu đó chợt thét lên xé rách trời đêm, và tiếng gọi của ngoại tắt lịm ngay từ ngày ấy.

Mình ngồi đó, bên bờ biển, cùng con trai, chỉ cho con vẽ lại trên giấy cảnh cánh buồm hoàng hôn trên biển. Đã gần hai mươi năm kể từ ngày ngoại mất, mình chưa bao giờ thôi hết nhớ. Đi đến bất cứ đâu mình cũng thấy bóng hình của ngoại, làm bất cứ việc gì mình cũng tưởng tượng ra được tiếng nói cười của ngoại.

Mình thôi khắc vẽ những bức tranh lên cảnh vật xung quanh, thôi tìm cách để lại dấu ấn bằng một cánh chim liệng trên tường cổ hay một cánh diều chấp chới giữa thân cây. Mình chợt hiểu ra rằng những nơi mình đến, những người mình gặp đều sẽ in hình lên trái tim và suy nghĩ của mình, như những dấu ấn đậm sâu chẳng ai hay điều gì có thể xoá mờ được. Chỉ cần mình quan sát, chỉ cần mình lắng nghe, chỉ cần mình biết mở rộng lòng để yêu thương và trân trọng tất cả như nguyên bản của mọi điều vốn đã là như thế.

Và với cái mảng tường vàng khẹt ở Đà Lạt, nơi người người tới chụp ảnh, ghi dấu ấn như một nơi đóng dấu thông hành cho chuyến du lịch lên miền cao nguyên, nay lem luốc một hình vẽ nguệch ngoạc, mình thấy một thằng bé cũng như mình, có khi cũng chỉ nghịch ngợm một chút thôi, nhưng khác là chẳng có ai đánh đòn cậu ta cả.

Những đường vẽ nguệch ngoạc núp bóng nghệ thuật: Cá tính không đúng chỗ sẽ là phá hoại đấy - Ảnh 3.

Bức tường bị xấu đi một tí, tuy cũng gọi là nương tay mà vẽ vào cái phần còn tô trát được nhưng cũng khiến nhiều con người gắn bó và trân trọng mảng tường này phải phật lòng. Dấu ấn của một người trẻ cá tính, nếu đặt đúng chỗ thì sẽ đẹp hơn nhiều.

Hồi còn bé, mình, hay vài đứa trẻ khác thích chạy qua đám đông người lớn, lêu lêu giễu nhại rồi chạy ù bỏ đi. Đôi lúc vài ông bà nóng tính trong xóm bực bội lên chửi cho thì lại cười khằng khặc đắc chí. Bọn nhóc vui, người lớn bực. Bực không phải vì bị chúng nó trêu, bực phần nhiều là về ý thức của bọn nhóc.

Lớn lên rồi mới cảm thấy bọn nhóc của ngày xưa thật là lố bịch, chứ cũng chẳng cá tính gì cho cam.

Chuyện vẽ bậy lên một mảng tường nhiều người trân quý, chắc cũng tương tự như thế nhỉ?