Những “đám cháy” fake news trên Facebook: Thương rừng Amazon bằng sự thật, đừng mua nước mắt người đọc

Skye, Theo Helino 14:20 23/08/2019

Người ta trách thế giới bàng quan khi chỉ chia sẻ thông tin về cháy nhà thờ Notre Dame nhưng lại bỏ qua những cánh rừng Amazon đang cháy âm ỉ suốt vài tuần qua. Tuy nhiên, mọi sự vội vàng đều đánh đổi bằng sự sai lệch về thông tin: Người ta gán những cái chết của động vật ở nơi nào đó và đổ lỗi cho vụ cháy.

Cháy rừng Amazon khiến cả thế giới quặn lòng. Lá phổi xanh của thế giới đang oằn mình trước những cơn cháy suốt vài tuần qua. Người ta hiểu rằng, nếu một ngày Amazon “chết”, thế giới cũng sẽ khắc khoải với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nồng độ CO2 trong không khí cao, sự suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học. Giống như khi rặng san hô khổng lồ tại Australia suy kiệt, rừng Amazon lụi tàn khiến các nỗ lực bảo tồn trở nên không còn nhiều ý nghĩa. Không ai có thể phủ nhận mức độ nghiêm trọng của cháy rừng tại Amazon và những hệ lụy kéo theo.

Tuy nhiên, ẩn sau một đám cháy rừng lan rộng tại Amazon là “đám cháy” fake news trên mạng xã hội. Khi những kênh truyền thông “chính thống” đang chờ đợi những thông tin chắc chắn hơn, truyền thông mạng xã hội đã vào cuộc, lan đi một “đám cháy” tin giả, đúng hơn là những hình ảnh không phản ánh đúng hiện trạng cháy rừng tại Amazon. Hãy thử nhìn xem, các trang Fanpage đang làm gì với câu chuyện cháy rừng tại Amazon?

Những “đám cháy” fake news trên Facebook: Thương rừng Amazon bằng sự thật, đừng mua nước mắt người đọc - Ảnh 1.

Bức ảnh trên xuất hiện tại nhiều trang Fanpage, tạm gọi là hoạt động về môi trường, như N.W.N. Hình ảnh trên được nhận định là hậu quả để lại sau đám cháy rừng tại Amazon trong thời gian gần đây. Đây có lẽ là một trong những hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất về hậu quả của cháy rừng, thậm chí xuất hiện cả trên những trang tin tức như L.B. Tất nhiên, các trang tin này không chú thích kỹ cho từng bức ảnh nhưng đặt trong bối cảnh bài viết về cháy rừng Amazon và không nhắc tới thời điểm bức ảnh này được chụp, người đọc sẽ hiểu tác giả đang nhắm tới bức ảnh này được chụp trong thời gian gần đây.

Với một thao tác kiểm chứng Google hình ảnh, người đọc có thể nhìn thấy bức ảnh này đã xuất hiện trên các báo/trang tin nước ngoài từ cách đây cả nửa năm, cụ thể là ngày 7/3/2019. Theo nội dung bài báo đăng bằng tiếng Tây Ban Nha, nơi xảy ra vụ cháy không phải thuộc địa phận Brazil, cũng không đề cập tới việc nằm trong khu vực rừng Amazon.

Những “đám cháy” fake news trên Facebook: Thương rừng Amazon bằng sự thật, đừng mua nước mắt người đọc - Ảnh 2.
Những “đám cháy” fake news trên Facebook: Thương rừng Amazon bằng sự thật, đừng mua nước mắt người đọc - Ảnh 3.

Bài báo xuất hiện hình ảnh trên được đăng tải từ mùng 7/3/2019.

Tiếp tục, với một hình ảnh khác cùng trong chùm ảnh có số lượng động vật chết la liệt, cũng được cho là chụp tại vụ cháy rừng Amazon thì kết quả kiểm tra cũng không phải tại Amazon.

Những “đám cháy” fake news trên Facebook: Thương rừng Amazon bằng sự thật, đừng mua nước mắt người đọc - Ảnh 4.

Kết quả tìm kiếm từ hình ảnh này cho ra một bài báo từ năm 2006, với nội dung cho biết đây là khu vực Galicia, Tây Ban Nha. Rõ ràng, bức ảnh được chụp từ năm 2006 thì không thể là hình ảnh của vụ cháy rừng Amazon xảy ra trong thời gian gần đây được. 

Những “đám cháy” fake news trên Facebook: Thương rừng Amazon bằng sự thật, đừng mua nước mắt người đọc - Ảnh 5.

Thử tìm kiếm một hình ảnh nữa được gán mác hậu quả của cháy rừng Amazon. Trên page S.O.S - một fanpage với lượng chia sẻ khá cao, có đăng những hình ảnh động vật với lời đề tựa "Xót xa nhìn những con thú chết khi rừng Amazon bị cháy", trích nguồn I., trong đó có bức hình một khỉ cái ôm con gào khóc. 

Những “đám cháy” fake news trên Facebook: Thương rừng Amazon bằng sự thật, đừng mua nước mắt người đọc - Ảnh 6.

Tìm kiếm Google với những kết quả trả về đầu tiên sẽ cho ra các bức hình chụp vào năm 2018, trong đó có một bài đăng trên trang Twitter của tạp chí NatGeoArab - một tạp chí danh tiếng về khoa học trên thế giới. Rõ ràng, đây là những hình ảnh được sử dụng không đúng thời điểm và sự kiện. Người ta tự hỏi rằng, liệu việc sử dụng những bức hình này có phải được sử dụng với mục đích nhằm tuyên truyền cho mọi người về tác động của cháy rừng tới toàn thế giới hay chỉ để tăng tương tác với người đọc? Nếu để tăng nhận thức về vấn đề cháy rừng, có lẽ những admin page hay nhà báo sẽ không viết vài dòng hời hợt, đăng ảnh không kiểm chứng như vậy.

Những “đám cháy” fake news trên Facebook: Thương rừng Amazon bằng sự thật, đừng mua nước mắt người đọc - Ảnh 7.

Những thông tin sai lệch sẽ gây hậu quả gì?

Nhìn ở khía cạnh tích cực, ai đó có thể nói rằng, những bức hình - thông tin trên có thể là giả, nhưng mục đích vẫn là để tăng nhận thức của mọi người về vấn đề cháy rừng nói chung? Tuy nhiên, họ hoàn toàn có thể lựa chọn những thông tin chính xác để đăng tải vì các thông tin sai lệch như vậy có thể gây hậu quả.

Thứ nhất, mọi người có thể hiểu sai về hệ sinh thái Amazon; những loài động vật đấy có sinh sống tại Amazon không? Có phải động vật của các cánh rừng nhiệt đới không? Người đọc có thể hiểu sai về sự đa dạng sinh học cũng như nhận được thông tin sai lệch về hệ sinh thái tại Amazon.

Thứ hai, mức độ nghiêm trọng của cháy rừng tại Amazon không được phản ánh đúng thực tế với các bức ảnh sai lệch. Cháy rừng ở Amazon nghiêm trọng như vậy hay hơn thế? Không ai có thể nói rằng, bức ảnh này tương tự thì câu chuyện ở Amazon cũng y hệt khi mỗi đám cháy rừng tại các khu hệ sinh thái, vùng khí hậu sẽ có đặc điểm khác nhau.

Điều quan trọng nhất, thông tin sai có thể được những đối tượng lợi dụng sử dụng vì mục đích sai lầm. Đăng một bức ảnh động vật chết đau thương rồi nói hãy ủng hộ cho Amazon, giả dụ như vậy, sẽ gây ra những nhũng nhiễu thông tin với cộng đồng Facebook. Ai đó có thể lợi dụng lòng tin, nước mắt và sự cảm thông của người đọc vì mục đích không liên quan gì tới Amazon.

Những “đám cháy” fake news trên Facebook: Thương rừng Amazon bằng sự thật, đừng mua nước mắt người đọc - Ảnh 8.

Những “đám cháy” fake news cứ âm ỉ trên mạng xã hội, chắc chắn cần nhiều hơn sự kiểm chứng để có thể đảm bảo rằng chúng ta thực sự hiểu đúng về tình cảnh của lá phổi xanh thế giới. Cháy rừng Amazon không chỉ là thời điểm nhiều người giận dữ vì truyền thông im lặng, đó cũng là khi người ta nhận ra những thứ như "fake news" thực sự không thể kiểm soát trên mạng xã hội. Những đám cháy Amazon, lan cả thành đám cháy nhũng loạn tin tức mạng xã hội.