Nhiều người trẻ ảo tưởng về "quyền lực" của IELTS, cho rằng cứ có ngoại ngữ là được ưu tiên: Nhà tuyển dụng lên tiếng!

Huỳnh Đức - Design: Hồng Trường, Theo Phụ nữ số 09:49 01/09/2023

IELTS chỉ là yếu tố ưu tiên khi lọc hồ sơ chứ không phải là yếu tố quyết định trong việc tuyển dụng ứng viên.

IELTS (International English Language Testing System) là bài kiểm tra trình độ đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Sở hữu một số điểm IELTS cao mang lại rất nhiều lợi ích. Đối với học sinh, đó là cơ hội để các bạn được miễn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh hay thậm chí là tăng khả năng trúng tuyển các trường đại học hàng đầu. Còn những người đã đi làm hoặc chuẩn bị bước vào thị trường lao động, khi có điểm IELTS cao đồng nghĩa với việc tăng cơ hội tìm kiếm việc làm.

Tuy nhiên, có một sự thật là nhiều bạn trẻ hiện nay bắt đầu có tư duy "thần thánh hóa" và lầm tưởng về "quyền lực" của tấm bằng IELTS khi cho rằng, có IELTS là có tất cả, muốn ứng tuyển vào bất cứ công việc gì cũng được, chắc chắn sẽ được ưu tiên tuyển dụng.

Nhưng thực tế đôi khi không phải vậy.

Có ưu tiên tuyển dụng với ứng viên sở hữu IELTS cao?

Việc quyết định có hay không ưu tiên tuyển dụng đối với ứng viên sở hữu IELTS cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tính chất, quy mô, môi trường làm việc... của công ty. Mỗi doanh nghiệp sẽ đề ra những tiêu chuẩn khác nhau về khả năng ngoại ngữ của ứng viên bên cạnh các yếu tố khác như: chuyên môn, kỹ năng mềm... Đối với các công ty trong nước, IELTS chỉ là một "điểm cộng" trong toàn bộ quy trình đánh giá ứng viên, còn đối với những doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, thì giỏi ngoại ngữ dường như là điều bắt buộc.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự tại các tập đoàn lớn về công nghệ, hiện là Trưởng phòng nhân sự tại VNG ZingPlay Studios, đồng thời là một Chuyên gia khai vấn thuộc Liên đoàn khai vấn quốc tế, cho hay trong các chương trình tuyển dụng thực tế hiện nay, việc ưu tiên tuyển dụng dựa trên bằng IELTS cao có thể khác nhau tùy thuộc vào tính chất, yêu cầu của mỗi vị trí và loại hình ngành nghề, doanh nghiệp.

Đối với ứng viên đang trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm, nếu đọc trong bản mô tả công việc và yêu cầu tuyển dụng có ghi điều kiện là IELTS cao thì các bạn có thể suy luận được rằng, vị trí này cần các kỹ năng về tiếng Anh vì 3 nguyên nhân: (1) công việc sử dụng tiếng Anh thường xuyên; (2) tính chất công việc sẽ làm việc với các đối tác nước ngoài; (3) công ty có yếu tố nước ngoài hoặc tập đoàn đa quốc gia.

Như vậy, nếu vị trí bạn ứng tuyển bao gồm những yếu tố kể trên thì chắc chắn IELTS “khủng” sẽ là một lợi thế bên cạnh những kỹ năng mềm, khả năng chuyên môn khác. Tuy nhiên, không phải tất cả các vị trí đều cần IELTS cao. Một số công việc có thể yêu cầu kỹ năng giao tiếp tiếng Anh nhưng không yêu cầu bằng IELTS và trong trường hợp này, kinh nghiệm làm việc thực tế cũng có thể được đánh giá cao.

Nhiều người trẻ ảo tưởng về quyền lực của IELTS, cho rằng cứ có ngoại ngữ là được ưu tiên: Nhà tuyển dụng lên tiếng! - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo - Chuyên gia khai vấn thuộc Liên đoàn khai vấn quốc tế

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (42 tuổi, Hà Nội) hiện là trưởng phòng Hành chính nhân sự tại công ty TNHH JGC Việt Nam, một tổng thầu EPC xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy điện năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nhà máy công nghiệp, đồng thời chị cũng là một chuyên gia khai vấn lãnh đạo chia sẻ: "Với các công ty toàn cầu hóa như JGC, 100% các dự án yêu cầu làm việc với các đối tác nước ngoài, tiếng Anh hiện tại đang là một trong những ưu tiên khi tuyển dụng. Vì vậy, nhà tuyển dụng như JGC thường ưu tiên các ứng viên có điểm IELTS cao".

Theo quan điểm cá nhân cùng quá trình quan sát trong suốt sự nghiệp tuyển dụng của mình, chị Linh cho rằng phần lớn các ứng viên sở hữu IELTS có khả năng trình bày CV chuyên nghiệp và bắt mắt hơn các ứng viên khác, và cách giao tiếp của họ cũng được đánh giá cao hơn về mặt tư duy, khả năng logic.

Tuy nhiên, chị Thùy Linh nhấn mạnh, có IELTS cao không phải là tất cả. Nó chỉ là yếu tố ưu tiên khi lọc hồ sơ chứ không phải là yếu tố quyết định trong việc tuyển dụng ứng viên. Để lựa chọn ứng viên phù hợp, nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc theo ASK (Attitude - thái độ; Skill - kỹ năng; Knowledge - kiến thức, chuyên môn).

Cụ thể, với các ứng viên có kinh nghiệm, chuyên môn, kiến thức và kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo... cũng như thái độ là những yếu tố mà nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc trong tổng thể chung đánh giá ứng viên. Kỹ năng tiếng Anh được coi là 1 trong những kỹ năng cứng cần có để đáp ứng điều kiện cần và đủ trong tuyển dụng.

Đối với các ứng viên mới ra trường hoặc ít kinh nghiệm (1-2 năm), thái độ, khả năng tiếng Anh và yêu cầu vừa phải về kỹ năng mềm (như giao tiếp logic, dễ hiểu) sẽ là những yếu tố để nhà tuyển dụng quyết định lựa chọn. Khi có thái độ tốt, có tiếng Anh và tư duy logic, ứng viên này có tiềm năng để phát triển.

Ngoài ra, yếu tố best fit - đặc biệt là phù hợp về mặt văn hóa công ty cũng được coi là 1 trong những yếu tố được ưu tiên. Dù ứng viên có đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn, tiếng Anh, kỹ năng mềm, nhưng qua phỏng vấn đánh giá không phù hợp với văn hóa công ty, ứng viên đó vẫn cần được cân nhắc kỹ càng và tư vấn với cấp cao hơn để ra quyết định cuối cùng.

Nhiều người trẻ ảo tưởng về quyền lực của IELTS, cho rằng cứ có ngoại ngữ là được ưu tiên: Nhà tuyển dụng lên tiếng! - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh - trưởng phòng Hành chính nhân sự tại công ty TNHH JGC Việt Nam

Đồng quan điểm, chị Phương Thảo cho hay: "IELTS cũng chỉ là một trong số các chứng chỉ để ghi nhận khả năng sử dụng tiếng Anh của ứng viên, bên cạnh đó còn có các chứng chỉ khác tương đương. Quan trọng là dù là chứng chỉ gì, điểm số như thế nào thì năng lực thực tế cần được thể hiện trực tiếp trong phỏng vấn và trong công việc. Chứ nếu bạn có chứng chỉ cao, vượt được vòng hồ sơ nhưng trình độ thực tế không tương đương thì bạn chắc chắn không phải là ứng viên phù hợp.

Tóm lại, IELTS có phải là yếu tố quyết định trong việc chọn lựa ứng viên hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như vị trí tuyển dụng, đặc thù ngành nghề, loại hình công ty… nhưng trên hết là trọng số của điều kiện này đối với vị trí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở mức độ như thế nào".

Sở hữu chứng chỉ tiếng Anh khác có được không?

Bên cạnh IELTS, hiện nay có rất nhiều chứng chỉ tiếng Anh được tạo lập ra với mục tiêu kiểm tra khả năng ngoại ngữ của ứng viên như: TOEIC; TOEFL, Cambridge ESOL... hay thậm chí là chứng chỉ tiếng Anh "hàng nội" như VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency nghĩa là Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam). Vậy thì ứng viên không thi lấy chứng chỉ IELTS mà lựa chọn các chứng chỉ tiếng Anh khác thì có được chấp nhận không?

Về vấn đề này, chị Phương Thảo chia sẻ, IELTS không phải là tiêu chuẩn duy nhất mà hiện nay có nhiều chứng chỉ tiếng Anh khác cũng được chấp nhận để đánh giá việc ứng viên có đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh trong công việc hay không. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà tuyển dụng sẽ tùy theo đặc thù để đưa ra yêu cầu chứng chỉ cụ thể cho vị trí tuyển dụng.

Thùy Linh cũng cho hay nếu một công việc yêu cầu có tiếng Anh tốt thì ứng viên có chứng chỉ TOEIC hay chứng chỉ ngoại ngữ trong nước đều đủ điều kiện chứ không chỉ riêng gì IELTS.

"Với công ty tôi, chứng chỉ TOEIC hay IELTS, hay bất kỳ chứng chỉ ngoại ngữ nào đều không phải là yếu tố quan trọng trong tuyển dụng. Theo quy trình tuyển dụng của công ty, ứng viên phải làm các bài kiểm tra trình độ và phỏng vấn bằng tiếng Anh. Quá trình tuyển dụng này sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về khả năng ngoại ngữ cũng như tư duy của ứng viên, từ đó mới quyết định việc tuyển dụng.

Có một vài trường hợp có chứng chỉ TOEIC cao, hoặc là cả IELTS nhưng không đáp ứng được tiêu chí về giao tiếp tốt, logical thinking qua giao tiếp tiếng Anh thì cũng không được đánh giá cao", chị Linh nhấn mạnh thêm.

Nhiều người trẻ ảo tưởng về quyền lực của IELTS, cho rằng cứ có ngoại ngữ là được ưu tiên: Nhà tuyển dụng lên tiếng! - Ảnh 3.

Theo chị Linh, nếu một công việc yêu cầu có tiếng Anh tốt thì ứng viên có chứng chỉ TOEIC hay chứng chỉ ngoại ngữ trong nước đều đủ điều kiện

Bên cạnh IELTS, ứng viên cần trau dồi thêm kỹ năng nào khác?

Chị Phương Thảo bày tỏ: "Bên cạnh IELTS, thì mỗi vị trí sẽ có những yêu cầu cụ thể về Bộ Skills Set , Mind set và Tool Set khác nhau. Quan trọng là bạn xác định được mục tiêu của mình hướng đến vị trí nào, lĩnh vực nào, loại hình công ty nào. Từ đó, bạn sẽ tìm hiểu được yêu cầu cụ thể hơn từ phía nhà tuyển dụng để liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức, kỹ năng và hoàn thiện bản thân hơn, trở thành ứng viên phù hợp và tiềm năng đối với cơ hội đó".

Còn anh Hoàng Anh - HR tại một công ty công nghệ ở Hà Nội chia sẻ, bên cạnh thành tích học vấn "khủng", thì ứng viên sở hữu một bộ kỹ năng xã hội tốt sẽ dễ lọt vào tầm ngắm của nhà tuyển dụng. Những kỹ năng mà anh Hoàng Anh khuyên bạn trẻ nên trau dồi trong quá trình học tập của mình bao gồm: Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng làm việc dưới áp lực; Kỹ năng giải quyết vấn đề, Quản lý cảm xúc, Ham học hỏi...

Tương tự, chị Linh bày tỏ nhà tuyển dụng thường đánh giá và quyết định tuyển dụng 1 ứng viên dựa trên các yêu cầu theo ASK:

Attitude - thái độ: hành vi thái độ, tác phong khi tham gia phỏng vấn, cách trả lời, tư duy tích cực,...những ấn tượng đầu tiên về mặt con người của ứng viên.

Skills - kỹ năng: bao gồm kỹ năng mềm (giao tiếp, logical thinking, EQ, giải quyết vấn đề, ra quyết định, làm việc nhóm,...) và kỹ năng cứng (tiếng Anh, MS Office, sử dụng các phần mềm thiết kế...).

Knowledge - kiến thức: kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm.

"Từ kinh nghiệm của tôi, 70-80% sự thành công trong phỏng vấn hay sự nghiệp phụ thuộc vào kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng giao tiếp ở đây khá rộng. Tuy nhiên, trong phỏng vấn thì khả năng lắng nghe, trả lời 1 cách logic rõ ràng, khả năng đặt lại câu hỏi làm rõ và phản hồi sẽ thể hiện được khả năng giao tiếp tốt của ứng viên. Vì vậy, các ứng viên hãy dành nhiều thời gian trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Như vậy, mình tin rằng khả năng thành công của các bạn sẽ rất cao", chị Linh khẳng định.

Ảnh: NVCC