Luật trên quy định về nguyên tắc thời gian làm việc ngoài giờ của người lao động chỉ được tối đa 45 giờ một tháng và 360 giờ một năm. Các công ty có thể điều chỉnh tăng mức giới hạn từng tháng trong những tháng cao điểm và được phép điều chỉnh tối đa 6 tháng/năm, tuy nhiên phải đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 100 giờ một tháng và 720 giờ một năm.
Hiện tại luật trên chỉ áp dụng với các công ty lớn. Những công ty vi phạm sẽ bị phạt tiền, mức phạt có thể lên tới 300.000 yen (tương đương 2.700 USD).
Người dân di chuyển trên đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Luật trên được ban hành trong bối cảnh tình trạng thiếu lao động trầm trọng xảy ra ở tất cả các ngành nghề của Nhật Bản do dân số già hóa trong khi tỷ lệ sinh liên tục giảm, theo đó nhiều doanh nghiệp "đói" lao động.
Trong nỗ lực khắc phục tình trạng trên, Chính phủ Nhật Bản đã có động thái thay đổi chính sách quan trọng là mở cửa thu hút thêm lao động nước ngoài. Theo đó, cũng trong ngày 1/4, một hệ thống cấp thị thực mới bắt đầu được áp dụng.
Theo hệ thống thị thực mới, lao động nước ngoài từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực. Loại số 1 đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm nhất định, trong khi loại số 2 dành cho nhóm có kỹ năng làm việc cao hơn. Để được cấp thị thực loại 1, có hiệu lực tới 5 năm, người lao động phải chứng minh có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nhật thông qua các bài kiểm tra tiếng Nhật. Những người đã trải qua chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật kéo dài hơn 3 năm có thể đăng ký xin thị thực loại này mà không cần phải thực hiện các bài kiểm tra. Tuy nhiên, những người lao động trong nhóm này sẽ không được phép đưa gia đình tới Nhật Bản. Trong khi đó, loại 2 có khung yêu cầu cao hơn, theo đó người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, những người này được phép đưa gia đình đi cùng, số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế, từ đó mở ra cơ hội định cư tại Nhật Bản.
Lao động cật lực đã trở nên phổ biến trong xã hội công nghiệp Nhật Bản. Năm 2015, dư luận Nhật Bản rúng động trước vụ tự sát của một nữ nhân viên làm việc tại công ty quảng cáo Denstsu Inc. mà nguyên nhân chính được xác nhận 1 năm sau đó là do làm việc quá tải. Trong năm tài chính 2017, Nhật Bản ghi nhận có 190 ca tử vong trên cả nước do làm việc quá tải, trong đó có các vụ tự sát.
Ngoài điều khoản quy định về số giờ làm thêm, luật cải cách lao động của Nhật Bản cũng bao gồm điều khoản đảm bảo trả lương tương xứng với công sức của người lao động, dự kiến có hiệu lực từ tháng 4/2020.