Kỷ nguyên mới đã bắt đầu trên đất nước Nhật Bản. Chính xác là ngày mùng 1 tháng Năm vừa rồi, cựu Nhật hoàng là Akihito thoái vị, để lại Ngai Hoa cúc cho hoàng tử kế vị là Naruhito. Hành động này đánh dấu chấm hết cho kỷ nguyên Heisei, mở ra một chặng đường mới - một kỷ nguyên mới có tên Reiwa.
Cái tên Heisei có nghĩa là “cố gắng đạt được hòa bình”, được chọn vào ngày phụ thân của Akihito, ông Hirohito - một Nhật hoàng thời chiến, qua đời. Theo các học giả địa phương, cái tên “Heisei” có rất nhiều nghĩa, bao gồm “trật tự và hòa bình”, “cuộc sống hài hòa đầy hứa hẹn” hay “hòa hợp trong hân hoan”.
Nhưng khi Ngai Hoa cúc có chủ mới, không chỉ tên kỷ nguyên khác đi, một loạt thay đổi bất ngờ khác đã khiến nước Nhật lâm cảnh éo le: mất dữ liệu, email biến vào hư không, thiết bị không kết nối được tới server mạng. Người dân nước Nhật loay hoay cập nhật phần mềm, duyệt lại những văn bản tối quan trọng, tiến hành in lịch để chuẩn bị cho ngày chuyển giao trọng đại, mùng 1 tháng Năm.
Với đa số vùng trên thế giới, thời khắc đồng hồ điểm nửa đêm thì vẫn là ngày đầu tiên của tháng Năm, nhưng đây là thời khắc đất nước với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới bước vào kỷ nguyên mới. Người Nhật sử dụng lịch cũ để vinh danh Nhật hoàng mới thoái vị, thế nên mùng 1 tháng Năm của họ sẽ là ngày đầu tiên trong năm đầu tiên của kỷ nguyên Reiwa.
Các chuyên gia không ngần ngại so sánh thời khắc lịch sử này với sự kiện Y2K đình đám, bởi chúng có điểm tương đồng: khi kỷ nguyên mới bắt đầu, toàn bộ bộ máy hành chính sẽ phải vặn đồng hồ ngược về thời điểm Năm 1, tương đương với thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ diễn ra hồi năm 2000 với đại họa Y2K.
“Tên kỷ nguyên đổi khác cũng sẽ khiến những tập đoàn lớn với hệ thống vận hành phức tạp gặp khó khăn”, Gaku Moriya, giám đốc mảng cách tân công nghệ thông tin của Bộ Kinh tế Nhật Bản (METI) cho hay.
Công ty lớn với những cơ chế vận hành hiện đại sẽ tự tin đương đầu với thử thách đầu tiên kỷ nguyên mới mang lại, nhưng kết quả thì chưa rõ, bởi có những thay đổi vô cùng tốn kém. Ví dụ: mọi văn bản chính phủ, bao gồm văn bản hoàn thuế và giấy đăng ký kết hôn, vẫn sử dụng lịch của kỷ nguyên cũ, thay đổi sẽ tìm tới mọi loại giấy tờ và bắt người mang chúng phải sửa lại cho hợp lý.
Công việc giấy tờ đã bắt đầu chất đống. Tại thành phố Nagoya, trung tâm công nghiệp của Nhật Bản, chuyên gia ước tính việc thay đổi sẽ tiêu tốn khoảng 4,3 triệu USD. Tại Koga, trong lúc chuẩn bị cho kỷ nguyên Reiwa tươi đẹp, nhân viên đã lỡ tay xóa mất 1.650 hóa đơn tiền nước. Đây đó, những kẻ bất lương bắt đầu gửi giấy tờ giả mạo cho người có tuổi, yêu cầu họ điền thông tin tài khoản ngân hàng, hòng chiếm đoạt tài sản.
Với những doanh nghiệp không thể hoàn thiện giấy tờ đúng hạn, METI đưa lời khuyên: hãy làm một cách thủ công, lấy những con dấu cao su khắc ký tự “Reiwa” để mà đóng dấu văn bản.
Ngoại ô Tokyo, ba ngày sau khi kỷ nguyên mới có tên gọi chính thức, ông Osamu Takiguchi và một nhóm thợ 20 người làm việc ngày đêm để kịp cung cấp những con dấu đáng giá.
Khó khăn trước thềm kỷ nguyên Reiwa khiến Nhật Bản phải đặt ra câu hỏi: liệu đã đến lúc người dân toàn quốc chuyển sang dùng Công lịch, hệ thống cả thế giới vẫn đang dùng? Thời điểm hiện tại, Nhật Bản vẫn dùng Công lịch khi giao thương với nước ngoài, khi tổ chức những sự kiện tầm cỡ thế giới (như Olympics 2020), đa số người dân đã tìm tới sự tiện lợi của Công lịch, thay thế cách tính ngày cũ.
Có ý kiến cho rằng thứ lịch thiêng liên với nhiều người hoàn toàn không cần thiết. Luật sư Jiro Yamane đâm đơn kiện … chính phủ bởi những thay đổi về lịch họ đưa ra; luật sư Yamane cho rằng ép người dân đo đạc tháng ngày dựa trên thời gian tại vị của Nhật hoàng đã vi phạm quyền phẩm giá cá nhân mỗi người, một quyền đã được Hiến pháp đảm bảo.
“Chỉ nước Nhật mới đang sinh sống trong chiều không gian và thời gian này”, luật sư cho hay, “nó không phù hợp với guồng quay của xã hội quốc tế”. Dự tính cuối tháng Năm này, Jiro Yamane sẽ đứng trước tòa để bảo vệ luận điểm của mình.
Rất khó để xoay chuyển tâm tính những con người Nhật Bản đầy tự hào và giàu truyền thống. Với nhiều người, kỷ nguyên mới là dấu ấn của một khởi đầu mới. Chính phủ dự kiến sẽ rất nhiều cặp uyên ương đăng ký kết hôn vào ngày đầu tiên của kỷ nguyên Reiwa, một hành động đẹp và đầy ý nghĩa, diễn ra vào thời khắc chuyển giao của hai thời kỳ lịch sử.
Người Nhật đã bắt đầu sử dụng Công lịch hồi thế kỷ thứ bảy, và kể từ thập niên 70, chính phủ Nhật đã yêu cầu nhân viên sử dụng lịch hiện đại. Nước Nhật chưa phải đối diện với công việc đổi lịch suốt một thế hệ người, và lần cuối cùng sự kiện này diễn ra, máy tính vẫn còn chưa nhanh như bây giờ.
Năm 1989, khi người Nhật đổi từ lịch kỷ nguyên Showa sang lịch kỷ nguyên Heisei, toàn bộ giấy tờ đã được cập nhật thủ công.
Lần này, thời khắc chuyển giao ít nhiều quy củ hơn trước. Ngày thoái vị của Nhật hoàng Akihito đã được công bố hồi cuối năm 2017, cho phép các cơ quan có cơ hội chuẩn bị cho ngày trọng đại. Thế mà kế hoạch không diễn ra như ý muốn.
Tháng Ba, METI tiến hành khảo sát 2.700 công ty thì nhận thấy 20% trong số đó chưa tiến hành bất kỳ bước nào để chuẩn bị cho ngày đổi lịch. Các quan chức chính phủ lại còn khiến vấn đề thêm phức tạp hơn, khi quyết định giữ kín tên của kỷ nguyên mới cho tới ngày mùng 1 tháng Tư, chỉ một tháng trước khi Nhật hoàng mới lên ngôi.
Theo nhận định của ông Moriya, nhiều cơ quan chính phủ và các cơ quan tài chính nội địa, đa số vẫn sử dụng các hệ thống máy tính già nua, sẽ gặp vấn đề lớn. “Một số công ty tư không hiểu tầm quan trọng của vấn đề, và sẽ không biết được họ sẽ đương đầu với vấn đề gì”. Hiện tại, METI đã và đang tổ chức các buổi hội nghị chuyên đề, giáo dục cho các doanh nghiệp nhỏ tầm quan trọng và những khó khăn của thời khắc chuyển giao lịch sử.
Microsoft, chủ sở hữu hệ điều hành được dùng nhiều nhất thế giới, công bố sẽ cập nhật phần mềm cho tất cả máy tính thông qua hệ thống đám mây của mình. Họ cảnh báo những cỗ máy sử dụng hệ điều hành Windows cũ hay không chịu cập nhật sẽ gặp rủi ro bảo mật lớn.
Trong một số trường hợp, quản trị hệ thống sẽ phải tự tay cập nhật những hệ điều hành cũ từ thời Heisei. Giai đoạn chuyển biến sẽ phức tạp, nhiêu khê và tốn kém lắm, nhưng theo ông Moriya nhận định, đây là bước thiết yếu nên sẽ ép đa số công ty phải bắt kịp với thời đại.
“Một số công ty Nhật Bản vẫn đang dùng hệ thống cũ được hai hay ba thập kỷ”, ông Moriya nói. “Linh kiện bên trong hệ thống chắc phải đen đặc lại hết rồi”.
Còn tại nhà máy làm con dấu tọa ở ngoại ô Tokyo, ông Takiguchi giãi bày về việc một bên thứ ba đang cập nhật phần mềm trong hệ thống máy tính toàn công ty. “Tôi nghe đồn họ đang chuyển hết hệ thống sang lịch phương Tây”.
Ông cũng nghe họ cằn nhằn về tương lai xa, khi toàn nước Nhật lại một lần nữa bước sang kỷ nguyên mới. Dù vui sướng với những thay đổi hiện đại hơn, ông Takiguchi vẫn thừa nhận những khó khăn ông đang phải đối mặt.
“Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu họ cho chúng tôi biết tên kỷ nguyên mới từ hè năm ngoái”.
Tham khảo NY Times