Người thầy 21 năm chiến đấu với bạo bệnh để đứng trên bục giảng: "Dù điều gì xảy ra, quan trọng nhất là không được sợ hãi"

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 14/08/2017

Phát hiện bệnh hiểm nghèo vào đúng lúc xuân xanh, đã có lúc tưởng như mọi cánh cửa tương lai đều đóng sập lại nhưng bằng một cách nào đó, thầy Hải vẫn vươn lên, trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện và được nhiều học sinh mến mộ.

Vào lúc xuân xanh khỏe mạnh, chẳng ai nghĩ được hơn nửa cuộc đời về sau của mình sẽ gắn liền với bệnh tật. Thầy Hoàng Văn Hải (SN 1977, hiện đang là giáo viên trường THCS Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội) chính là một người như thế. Cách đây 21 năm, thầy từng là chàng thanh niên sống vô tư, nhiệt huyết... nhưng rồi, căn bệnh rối loạn đông máu (hemophilia) đã thay đổi tất cả.

Cú chết điếng năm 19 tuổi khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo

Năm 19 tuổi, khi đang là sinh viên ĐH Sư phạm Thái Nguyên, trong một lần tập thể thao, bị va đập mạnh, vùng bụng của thầy Hải bất ngờ bị căng phồng giống như phụ nữ mang thai, đau nhức dữ dội, đôi chân tê liệt, không đi lại được. Khi đến Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên điều trị, thầy được bác sĩ chọc hút dịch thăm dò và nhận được kết quả bàng hoàng khi toàn bộ ổ bụng chứa đầy máu.

Người thầy 21 năm chiến đấu với bạo bệnh để đứng trên bục giảng: Dù điều gì xảy ra, quan trọng nhất là không được sợ hãi - Ảnh 1.

Thầy Hải kể lại những ngày đầu phát hiện bị bệnh rối loạn đông máu.

Quá sốc trước biểu hiện của căn bệnh hiếm gặp nhưng rồi thầy Hải cũng vượt qua. Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của thầy dần thuyên giảm nhưng cứ hễ vận động nhiều, máu lại chảy xuống bụng, tình trạng cũ lặp lại. Sau 1 tháng, sức khỏe của thầy trở nên nguy kịch, cân nặng sụt giảm từ 65kg xuống còn 40kg, thường xuyên bị những cơn đau hành hạ tới nỗi gia đình phải vay mượn, mua mooc-phin cho thầy uống để giảm đau.

Năm 1996, khi chuyển về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm khám, thầy Hải bất ngờ được bác sĩ kết luận mắc bệnh rối loạn đông máu do gen di truyền (hemophilia). 19 tuổi, đang độ xuân xanh khỏe mạnh, bỗng chốc biết mình mắc bệnh nan y, không thể chữa trị tận gốc mà phải chung sống với nó suốt đời... Đó có lẽ là một điều tồi tệ mà không ai muốn vướng phải. Đối với thầy Hải, cảm giác choáng váng khi nhận tin dữ từ bác sĩ, đến giờ, thầy vẫn không thể quên.

Những đơn thuốc đắt tiền của thầy Hải. Vợ thầy, chị Hoàng Thị Thu (SN 1980) làm lao động tự do, gia đình còn 3 con nhỏ nên kinh tế rất khó khăn.

"Nó kinh khủng hơn nhiều so với những cơn đau phải dùng mooc-phin để xoa dịu bởi vì tôi biết, đó là bệnh không thể chữa khỏi". Khi bị bệnh, động lực lớn nhất của chúng ta chính là việc nghĩ đến ngày mai khỏe mạnh nhưng đối với thầy Hải, ngay cả niềm tin để bấu víu ấy cũng không có. "Căn bệnh không thể chữa chạy tận gốc từng làm tôi buồn vô cùng, động lực chạy chữa cũng tiêu tán hết".

Vì trị bệnh cho thầy, bố mẹ thầy Hải phải bán hết đất đai, trâu bò, gia cảnh khó khăn càng thêm kiệt quệ. Có nhiều lúc ngồi nghĩ về số phận mình, thầy Hải chỉ muốn buông bỏ để bố mẹ bớt đi gánh nặng... nhưng rồi, động lực nào đó từ bên trong đã thôi thúc người đàn ông ấy tiếp tục sống và cố gắng vươn lên.

Cho dù điều gì xảy ra, điều quan trọng nhất là bạn không được sợ hãi

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thái Nguyên, vượt qua 4 năm thử thách dạy hợp đồng đầy khó khăn, cuối cùng thầy Hải cũng trở thành giáo viên chính thức của trường THCS Vân Hòa. 19 năm đứng trên bục giảng cũng là 19 năm thầy không ngừng cố gắng gấp 2, gấp 3 lần người bình thường.

"Những ngày đi dạy hợp đồng, lương của tôi chỉ có 180.000 đồng/ tháng". Với khoản tiền ấy, thầy vừa phải lo trang trải sinh hoạt hàng ngày, vừa lo chi phí điều trị bệnh tình. Cuối cùng, giai đoạn khó khăn ấy cũng qua đi.

Người thầy 21 năm chiến đấu với bạo bệnh để đứng trên bục giảng: Dù điều gì xảy ra, quan trọng nhất là không được sợ hãi - Ảnh 3.

Xương chân bên phải của thầy Hải bị ăn mòn.

Người thầy 21 năm chiến đấu với bạo bệnh để đứng trên bục giảng: Dù điều gì xảy ra, quan trọng nhất là không được sợ hãi - Ảnh 4.

Đôi dép cũng phải lót thêm nệm để phù hợp với chân thấp, chân cao.

Nhưng rồi cơ đùi bên phải của thầy bị chảy máu. Vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, không điều trị tận gốc nên dẫn đến ăn mòn xương, phải làm phẫu thuật 2 lần. Một lần đóng đinh và mới đây là cấy ghép xương tự thân.

Chân đau, bị bệnh nặng, không ít lần đang giảng bài, thầy Hải phải dừng lại, gục xuống bàn giáo viên để giấu đi gương mặt đau đớn. Biết bao đêm ở nhà soạn giáo án, bệnh cũ tái phát khiến thầy đau đớn tê dại.

"Vợ thấy tôi đau quá thường lo lắng, giục tôi đi viện nhưng tôi không đi vì sợ tốn kém. Tôi thường bảo cô ấy mua thuốc, uống cho quên cơn đau và lại tiếp tục đi làm, chiến đấu với bệnh tật".

Người thầy 21 năm chiến đấu với bạo bệnh để đứng trên bục giảng: Dù điều gì xảy ra, quan trọng nhất là không được sợ hãi - Ảnh 5.

Thầy Hải hiện đang điều trị tại Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương.

Dù bị bệnh nặng, trong suốt thời gian công tác, với sự hỗ trợ từ phía nhà trường, thầy Hải vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 19 năm qua, thầy từng đạt nhiều danh hiệu như giáo viên dạy giỏi cấp huyện môn Vật Lý, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua xuất sắc cấp cơ sở và tham gia làm đề tài, sáng kiến kinh nghiệm đạt loại cao của huyện…

Ở trường THCS Vân Hòa, thầy Hải được biết đến là giáo viên nghiêm khắc nhưng rất tận tâm với nghề. Dù có lúc khó tính với học sinh nhưng các bạn đều biết rõ sức khỏe của thầy nên rất hiểu và cảm thông.

Có điều, bệnh tình của thầy Hải theo năm tháng dần nặng hơn. Bác sĩ nói, đùi phải sau 5 tháng phẫu thuật, nếu không liền xương, có nguy cơ phải cắt bỏ. Thầy Hải rất buồn khi nghĩ đến điều ấy, một phần lo cho bản thân, gia đình, một phần lo không thể đứng lớp, không thể tiếp tục công việc truyền dạy tri thức mà mình vẫn theo đuổi, đam mê.

Người thầy 21 năm chiến đấu với bạo bệnh để đứng trên bục giảng: Dù điều gì xảy ra, quan trọng nhất là không được sợ hãi - Ảnh 6.

"Có lúc nằm viện, tôi thấy rất buồn nhưng nhờ có vợ con, học sinh, đồng nghiệp động viên, tôi lại vượt qua".

21 năm qua, thầy Hải đã đấu tranh không ngừng nghỉ với căn bệnh rối loạn đông máu bẩm sinh. Bao lần nhập viện rồi ra viện, 2 lần làm phẫu thuật, biết bao đơn thuốc đã uống, bao liều giảm đau đã dùng... Tương lai không biết sẽ ra sao nhưng thầy vẫn luôn tin, dù có rơi vào tình huống nào, chỉ cần bản thân không sợ hãi thì vẫn có khả năng vượt qua.

"Nếu cứ sợ hãi, chắc tôi đã không thể tiếp tục sống đến bây giờ", thầy Hải chia sẻ. Điều gì diễn ra trong cuộc sống của bạn, cho dù nó có tồi tệ đến đâu, hãy luôn cố gắng đối diện và vượt qua vì không ai có thể làm điều đó thay bạn.

Thầy Hải nói, điều thầy mong muốn nhất là giữ được sức khỏe, tiếp tục công việc giảng dạy... Nhưng trước khi có được điều ấy, thầy luôn mong có thể giữ được tính cách mạnh mẽ, không sợ hãi dù có rơi vào tình huống khó khăn đến nhường nào.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày