Mới đây, Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia), đã có bài viết đề xuất bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi SGK Ngữ Văn lớp 11. Trong bài viết, tác giả Sóng Hiền đã nêu ra những lý do vì sao Chí Phèo là một tác phẩm không phù hợp với các bạn trẻ. Sóng Hiền đặt ra câu hỏi "Chí là người tốt hay người xấu?" và Chí có nên cưỡng hiếp Thị Nở?
Tác giả bài viết kết luận: Chí Phèo là kẻ xấu. Chúng ta phải kịch liệt phê phán và phản đối những hành vi lưu manh, thú tính của hắn. Và vì thế, tác phẩm này không nên có mặt trong SGK Ngữ Văn, tránh làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ.
Hình tượng của Chí Phèo đi vào văn học, điện ảnh.
Rất nhiều ý kiến của độc giả đã gửi đến phía dưới bài chia sẻ quan điểm. Đa số là phản đối cách nhìn của Sóng Hiền dành cho một tác phẩm văn học kinh điển.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên hệ với Sóng Hiền, người đưa ra đề xuất gây tranh cãi lớn trong cộng đồng những người yêu văn học Việt nói chung và cộng đồng mạng tiếp nhận ý kiến nói riêng... để lắng nghe thêm quan điểm của anh về vấn đề này.
Nguyễn Sóng Hiền
(Sinh năm 1980, tại Nghệ An)
Quản lý Trường dạy nghề thành phố Vinh.
Năm 2013, nhận học bổng tiến sĩ theo học chương trình nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục tại Đai học Newcastle Australia.
Giáo viên giỏi của tỉnh Nghệ An.
Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngoại ngữ Tin học thuộc trường dạy nghề TP. Vinh.
Từng nhận được giấy khen của Chủ tịch thành phố về những cống hiến của mình.
Chào anh Sóng Hiền, điều gì đã khiến anh nhìn vào những điểm tiêu cực của Chí Phèo - một tác phẩm văn học vốn đã rất nổi tiếng và nhận được rất nhiều lời khen từ xưa đến nay?
Chào bạn,
Chúng ta, đang hàng ngày chứng kiến biết bao cảnh thương tâm của bạo lực học đường, cướp bóc, cưỡng hiếp, giết người cướp của mà đa số những đối tượng gây ra nó là trẻ vị thành niên. Vậy điều này liên quan gì đến tác phẩm Chí Phèo?
Ở độ tuổi vị thành niên khi mà nhận thức các em chưa đầy đủ, giai đoạn mà các em có sự phát triển tâm lý khá phức tạp. Các em thích thể hiện mình, thích nổi loạn, thích khẳng định cái tôi. Những điều xấu rất dễ bị tiêm nhiễm và tiêm nhiễm nhanh hơn những điều tốt. Tôi cho rằng, tác phẩm Chí Phèo ít nhiều có những tác động tiêu cực tới nhận thức của các em.
Rõ ràng tôi không phủ nhận những giá trị về mặt nghệ thuật của tác phẩm, nhưng xét về khía cạnh giáo dục chúng ta nên cân nhắc một cách thấu đáo hơn đối với sự tác động của nó tới nhận thức của các em. Nếu chúng ta bảo vệ Chí, ca ngợi Chí khi Chí cưỡng bức Nở, khi Chí uống rượu say, chửi bới và khi cùng quẫn bí bách thì cầm dao giết người vô tình chúng ta đang tiêm nhiễm và gieo rắc vào các em những hành vi phạm pháp - cái mà ở độ tuổi này các em rất dễ bị hấp thụ.
Tôi chỉ góp một góc nhìn mới ở khía cạnh giáo dục chứ hoàn toàn không phủ nhận giá trị của tác phẩm, chỉ nên chăng đưa nó vào dạy ở bậc cao hơn hoặc làm tiểu luận tham khảo cho các em.
Bảo vệ Chí Phèo là dung dưỡng cho hành vi tội ác trong giới trẻ?
Mục đích của anh là gì khi đưa ra đề xuất này?
Tôi muốn nhắn nhủ một thông điệp tới các nhà quản lý giáo dục, các nhà biên soạn và thiết kế chương trình trước khi đưa bất kỳ nội dung chương trình hay tác phẩm nào vào giáo dục cho các em dù ở cấp học nào cần có cái nhìn thấu đáo và toàn diện về những tác động tiêu cực của nó đối tâm lý và nhận thức các em. Dù các tác phẩm có kinh điển đến bao nhiêu đi nữa mà thiếu tính giáo dục hoặc có những tác động không tốt, thì cũng không nên đưa vào.
Chúng ta không nên đưa cách nghĩ và cách tư duy của chúng ta áp đặt lên con trẻ. Giáo dục là cuộc sống. Tác phẩm Chí Phèo giúp gì cho bạn trong cuộc sống này?
Tác phẩm văn học phải giúp cho học sinh giải quyết được những vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Không nên đưa những tác phẩm hay nội dung quá cao siêu hay hàn lâm mà xa rời cuộc sống thực tế. Nếu vậy đó chỉ là một nền giáo dục kinh viện của những thế kỷ trước.
Tác phẩm Chí Phèo đã không còn hợp thời!
Vậy ngoài tác phẩm này, anh còn xếp tác phẩm nào nằm trong nhóm "nguy cơ cao"?
Tôi chưa có ý kiến về các tác phẩm khác.
Anh Sóng Hiền nghĩ gì về những ý kiến ném đá, cho rằng anh thích tạo sóng hoặc thiển cận?
Trong xã hội, nếu chúng ta chỉ tồn tại tư duy theo một chiều và tư duy theo đám đông thì tôi tin rằng xã hội đó sẻ rất chậm phát triển. Việc đón nhận những quan điểm trái chiều, những phản biện dựa trên các luận cứ xác đáng cần được phát huy.
Chúng ta cứ mãi quanh quẩn với những nếp nghĩ cũ, cách tư duy cũ, cái nhìn đơn chiều thì sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển. Tự do cá nhân trong khuôn phép pháp luật không đồng nghĩa với việc tôi không được đưa ra những quan điểm trái chiều với số đông.
Trước khi tác giả Sóng Hiền được mọi người biết đến nhiều hơn qua đề xuất "gây bão" này, anh là người làm việc ở lĩnh vực nào?
Tôi yêu văn học, giáo dục và dạy nghề. Quan điểm của tôi là quan điểm của một nhà giáo dục. Tôi viết không phải để mọi người chú ý, biết đến nhiều mà đó là trăn trở của một người với nghề. Tôi không cần tiếng tăm đâu vì bản thân tôi hiểu được giá trị của mình. Tôi chỉ muốn thổi một luồng gió mới và cách nhìn mới thôi.
Tác giả Sóng Hiền lập luận:
Chí Phèo chẳng đại diện cho ai cả. Anh ta chỉ đơn giản là một đứa trẻ không được giáo dục, bị lưu manh hóa. Nếu nói rằng Chí đại diện cho tầng lớp nông dân bị áp bức thì thật là "tội nghiệp" cho nông dân mình quá.
Trong thời gian làm thuê cho Bá Kiến, Chí vẫn được xem là con người trong xã hội ấy, người ta vẫn nhận nuôi Chí, cho ăn, cho công việc. Sau khi bị Bá Kiến đẩy đi tù vì ghen, Chí mới tha hóa. Khi Chí say, Chí chửi người đẻ ra Chí chứ đâu chửi xã hội. Sống trong xã hội hiện đại, một đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh ấy, chưa chắc đã có cách xử sự khác hoặc cuộc đời khá khẩm hơn. Đó là một thực tế đau lòng phải chấp nhận.
Chí Phèo phải bị phê phán vì hành vi cưỡng bức Thị Nở. Nở là người bị hại, bị Chí lợi dụng lúc ngủ say để cưỡng bức. Vậy thì tại sao chúng ta có thể ghép đôi cho một kẻ lưu manh với cô gái vô tội? Chưa kể sau này, Nở lại mang bầu và lại ôm thêm nỗi khổ vào thân. Dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu.