Người đàn ông bị sốt xuất huyết ''hành'' đến chảy máu dạ dày

NHƯ LOAN / VTC News, Theo VTC News 16:50 28/11/2023

Ông Tiến nhập viện sau 5 ngày sốt cao, tiểu cầu của ông chưa giảm nhưng có tình trạng xuất huyết tiêu hoá, chảy máu dạ dày.

Đầu tháng 11, bà Nguyễn Thị Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) bị sốt xuất huyết, dấu hiệu nhẹ, mệt mỏi vài ngày sau đó tự hết. Hai ngày sau khi bà Hiền khỏi bệnh, ông Nguyễn Duy Tiến (chồng bà Hiền) sốt cao, uống nhiều thuốc nhưng không thuyên giảm.

Ông Tiến được đưa vào viện ở ngày thứ 5 sau khởi phát sốt xuất huyết. Tiểu cầu của người bệnh chưa giảm nhưng có tình trạng xuất huyết tiêu hoá, chảy máu dạ dày.

Người đàn ông bị sốt xuất huyết hành đến chảy máu dạ dày - Ảnh 1.

Bệnh nhân Tiến điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Ảnh: Ngô Nhung)

Tiếp nhận người bệnh, bên cạnh áp dụng phác đồ điều trị sốt xuất huyết, các bác sĩ cũng nội soi cầm máu dạ dày, đồng thời truyền 2 khối hồng cầu. Sau một tuần điều trị, sức khoẻ ông Tiến cải thiện, song vẫn cần theo dõi thêm.

''Tôi không nghĩ bị sốt xuất huyết nặng như vậy, giờ vẫn còn ám ảnh. Trước đây tôi không uống rượu bia, không sử dụng chất kích cũng chưa từng bị chảy máu dạ dày thế này bao giờ'', ông Tiến nói.

Cũng xuất hiện triệu chứng sốt cao, mỏi mệt, bà Tạ Thị Hồng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được gia đình đưa đến theo dõi tại một phòng khám tư gần nhà nhưng không khỏi. Bà đến viện thăm khám và bất ngờ khi bác sĩ kết luận sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm còn 8G/L, tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi.

Để tiện cho việc theo dõi sức khoẻ mẹ già, chị Trần Thị Lan Phương và em gái phân công một người trông ban ngày, người con lại chăm buổi đêm. ''Hai chị em tôi luôn thay phiên túc trực, theo sát sức khoẻ của bà. Khi phát hiện bất thường phải báo bác sĩ để xử trí kịp thời'', chị Phương nói.

Người đàn ông bị sốt xuất huyết hành đến chảy máu dạ dày - Ảnh 2.

Nhân viên y tế quay cuồng với công việc điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Ngô Nhung)

Theo ThS.BSCKII, Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), hiện số bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết xu hướng giảm rất nhiều so với tuần trước. Tuần trước có thể mỗi ngày tiếp nhận và điều trị khoảng 40 ca, hiện còn khoảng 20-25 ca/ngày.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm, chảy máu niêm mạc, mũi, chân răng, xuất huyết âm đạo, cá biệt có trường hợp loét dạ dày, chảy máu nặng, cô đặc máu, tràn dịch đa màng.

Từ tháng 11, lượng người bị sốt xuất huyết giảm đi rõ rệt nhưng lại xuất hiện bệnh nhân đồng mắc như sốt xuất hiện kèm theo cúm, sốt xuất huyết kèm COVID-19, cũng có trường hợp cùng lúc vừa sốt xuất huyết, vừa cúm và COVID-19.

Theo bác sĩ Hường, trường hợp đơn vị tiếp nhận cùng lúc nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết, khoa sẽ dựa vào tình trạng sức khoẻ người bệnh để phân loại. Bệnh nhân nặng được tập trung điều trị tại khoa truyền nhiễm, còn trường hợp nhẹ có thể theo dõi tại các chuyên khoa khác.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 17 đến 24/11), thành phố ghi nhận 2.237 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã (giảm 239 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 35.726 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 4 ca tử vong. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (14.445).

Về số ổ dịch, trong tuần ghi nhận 49 ổ dịch tại 14 quận, huyện, thị xã, giảm 20 ổ dịch so với tuần trước. Tổng số ổ dịch cộng dồn từ đầu năm đến nay là 1.878 ổ dịch, hiện còn 116 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện, thị xã.