"Người Bình Phàm": Không được khiêm tốn như cái tên

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 16:59 06/06/2018

"Người Bình Phàm" của đạo diễn Kim Bong Han có thể được xếp vào bộ sưu tập những phim "lẽ ra phải hay hơn thế" của điện ảnh Hàn những năm gần đây, chủ yếu do mắc phải lỗi cố hữu - tập trung quá nhiều vào tính biểu tượng và câu kéo cảm xúc quá đà.

Những năm gần đây, điện ảnh Hàn Quốc chứng kiến một làn sóng các phim đề tài chính trị ồ ạt ra rạp. Các nhà làm phim liên tục tìm đến những đề tài mà trước đây có lẽ họ khó có thể làm được. Một trong những "điểm nóng" mà các đạo diễn Hàn Quốc xoáy vào gần đây nhất chính là sự kiện dân chủ hoá vào năm 1987, một năm khó quên đối với mọi người dân Hàn Quốc sinh sống vào thời điểm đó. Bộ phim Ordinary Person (Người Bình Phàm/Người Thường) ra mắt hồi tháng 3/2017 của đạo diễn Kim Bong Han cũng lấy bối cảnh vào năm đáng nhớ này, nhưng không phải tập trung vào cuộc thảm sát Gwangju như nhiều bộ phim khác mà hướng vào quyết định tu chính án của Tổng thống Chun Doo Hwan, vị tổng thống mà cho đến ngày nay vẫn gây cho người dân rất nhiều cảm xúc tiêu cực.

Người Bình Phàm: Không được khiêm tốn như cái tên - Ảnh 1.

Nhân vật chính của phim là thanh tra Seong Jin (Son Hyun Joo). Cuộc sống của anh ta ở cả công việc lẫn gia đình đều không tốt. Trong khi Seong Jin đang phải quần quật ngoài đường đuổi bắt với bọn tội phạm thì cấp trên chỉ việc ngồi mát ăn bát vàng, đợi thuộc cấp xong việc rồi cướp công. Ở nhà, anh phải chăm sóc cho người vợ bị câm không có khả năng lao động và đứa con trai đang sắp có nguy cơ bị bại liệt. Với đồng lương cảnh sát ít ỏi, Seong Jin trăn trở về việc có nên ra khỏi ngành để làm kinh tế bên ngoài hay không. Seong Jin tâm sự điều này với Cho Jae Jin (Kim Sang Ho), cây bút uy tín của một tờ báo và cũng là bạn tri kỷ của anh.

Một ngày, Seong Jin vô tình bắt được Tae Sung (Jo Dal Hwan), người bị tình nghi là kẻ đứng sau vụ giết người hàng loạt. Dưới áp lực của dư luận, cấp trên ép buộc đơn vị của Seong Jin phải khiến cho một trong những kẻ tình nghi ra mặt nhận tội. Việc này khiến cho vị thanh tra bị kéo vào một âm mưu do công tố viên Kyu Nam (Jang Hyuk) đứng đầu.

Người Bình Phàm: Không được khiêm tốn như cái tên - Ảnh 2.

Lời tựa đề quảng bá của bộ phim là: "Chính tại một thời kỳ không bình thường, câu chuyện về những con người bình thường muốn sống một cuộc sống bình thường đã bắt đầu". Không giống như những lời trên, thực sự thì Ordinary Person còn rất lâu mới chạm được đến từ "khiêm tốn", ít nhất là ở trong cách biểu đạt thông điệp. Ở 30 phút đầu, bộ phim giống như thuộc thể loại political thriller (điều tra chính trị), giai đoạn sau đó thì trở thành phim chính luận còn 30 phút cuối thì giống như phim lịch sử với một sự kiện có thật mang tính chất của một dấu mốc quan trọng.

Bộ phim sử dụng rất nhiều hình ảnh và chi tiết mang tính câu kéo cảm xúc của khán giả như cô nhà báo chụp ảnh xác đồng nghiệp, người biểu tình cài hoa lên ngực áo lực lượng chấn áp. Mặc dù diễn biến tâm lý của nhân vật theo thời gian khá logic và chấp nhận được nhưng vẫn còn quá yếu để có thể bổ trợ cho những chi tiết nặng về cảm xúc mà đạo diễn đã cài vào trong phim. Nhiều tình huống buộc nhân vật chính phải chất vấn lương tâm của mình được đưa ra nhưng xây dựng tuyến truyện bổ trợ chưa đủ mạnh.

Người Bình Phàm: Không được khiêm tốn như cái tên - Ảnh 3.

Seong Jin là một thanh tra cảnh sát điển hình trong các phim Hàn Quốc. Với ngoại hình xấu trai, không được ưa nhìn nhưng lại thật thà và giàu nội tâm, suy nghĩ đơn giản nhưng cương trực, không khoan nhượng, cộng thêm vào đó là một chút thiên hướng bạo lực – dạng nhân vật mà khán giả đã nhìn thấy quá nhiều kể từ thời của Memories of Murder. Khi Seong Jin của Son Hyeon Joo xuất hiện, ngay lập tức khán giả nhận dạng được kiểu nhân vật này và đoán được anh ta sẽ gặp phải những điều gì sắp tới.

Chúng ta biết Seong Jin là một cảnh sát có lương tâm và là một người chồng có trách nghiệm. Khi phải làm việc xấu để chữa trị cho con trai, khán giả hiểu được sự tha hoá của anh ta. Tuy nhiên, quá trình thức tỉnh từ một gã cảnh sát bạo lực và tàn nhẫn trở thành một công dân có ý thức mạnh mẽ về tư tưởng chính trị thì chưa được xử lý một cách thuyết phục lắm. Một vài bữa rượu nói chuyện gia đình là chưa đủ để người xem tin vào tình bạn giữa Seong Jin và Jae Jin. Nhân vật phản diện của Jang Hyuk thì hoàn toàn bị vai chính nuốt chửng. Diễn xuất của Jang Hyuk khiến cho anh ta có vẻ khá đáng sợ nhưng vai trò của Kyu Nam trong kịch bản không cho thấy được vẻ mưu mô hay tàn nhẫn của một vai mà đáng ra phải thu hút hết sự căm ghét của người xem, qua đó cũng không thúc đẩy được động cơ của nhân vật chính.

Người Bình Phàm: Không được khiêm tốn như cái tên - Ảnh 4.

Với tất cả những điều trên, Ordinary Person là một ví dụ điển hình cho việc chất liệu tốt chưa chắc đã làm nên một bộ phim tốt. Sau hàng loạt những hình ảnh đáng giá, các chi tiết nhấn nhá và một cái kết tạo suy ngẫm, người xem vẫn bị trượt ra khỏi dòng cảm xúc một cách lãng phí. Tác phẩm của đạo diễn Kim Bong Han có thể được xếp vào bộ sưu tập những phim "nhẽ ra phải hay hơn thế" của điện ảnh Hàn những năm gần đây, chủ yếu do mắc phải lỗi cố hữu - tập trung quá nhiều vào tính biểu tượng và câu kéo cảm xúc quá đà.

Người Bình Phàm: Không được khiêm tốn như cái tên - Ảnh 5.

Bộ ba chủ chốt của phim - đạo diễn Kim Bong Han, nam diễn viên Son Hyun Joo và Kim Sang Ho - đều đang ở độ tuổi trên dưới 50. Vào thời điểm năm 1987, họ là những con người trẻ có đầy đủ nhận thức về xã hội và rất có thể đã tham gia vào những cuộc biểu tình đòi dân chủ trong phim. Cả hai người đều rất thuyết phục trong phạm vi vai diễn của họ. Duy chỉ có Jang Hyuk là sinh năm 1976, khi sự kiện lịch sử này diễn ra thì anh vẫn còn quá trẻ. Trong phim, nhân vật phản diện của Jang Hyuk cũng vẫn còn sống và tiếp tục tội ác cho đến thời điểm hiện tại. Có lẽ với một cái kết cường điệu như vậy, đạo diễn muốn biểu hiện một thông điệp rằng những vấn đề của năm 1987 đã quay trở lại hoàn toàn vào năm 2017, một ý nghĩ được nhiều người ủng hộ trên trang đánh giá phim Naver. Đây có lẽ cũng là lý do cho cơn khát phim chính trị đang diễn ra hiện nay ở Hàn Quốc.