Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương "Bành Vu Yến"

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 21:12 15/07/2017

Đừng xem Ngộ Không Truyện như một phiên bản nào đó của Tây Du Ký, bởi nó chỉ là một chương của tuổi trẻ và sự nổi loạn của những kẻ thiếu niên được lấy cảm hứng từ câu chuyện gốc.

Được chuyển thể điện ảnh dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kim Hà Tại, Ngộ Không Truyện chính xác là một tác phẩm độc lập được phóng tác từ đại danh tác Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, lấy nhân vật Tôn Ngộ Không làm trọng tâm và không còn xoay quanh câu chuyện đến Tây Thiên thỉnh kinh của 4 thầy trò.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 1.

Điều đầu tiên mà tất cả những người xem phim nên làm rõ, đó chính là bạn không vào rạp để xem một phiên bản nào đó của Tây Du Ký. Vì bộ phim này chỉ dùng những dữ liệu nền tảng của Tây Du Ký, những chiêm nghiệm về xã hội được Ngô Thừa Ân thiết lập trong nguyên tác để kể câu chuyện về những kẻ "mắc kẹt" giữa số phận qua một góc nhìn khác. Nếu thoả hiệp được điều này, bạn sẽ tiếp nhận bộ phim dễ dàng hơn.

Vì kể một câu chuyện xoay quanh Ngộ Không, nên tất nhiên khởi đầu tập trung thẳng vào việc giải thích về sự đối lập giữa Thiên Cung và Ma Giới - một vấn đề muôn thuở trong nguyên tác Tây Du Ký, từng được nhắc lại trong rất nhiều bản phim. Nữ Oa vì đội đá vá trời, chữa lành vũ trụ sau những trận giao chiến trường kì giữa Thiên Cung và những kẻ khổng lồ từ ma giới mà đã để lại các mảnh thiên thạch ở nhân gian, trong đó có Mỹ Hầu Vương (Bành Vu Yến).

Như một số phận được sắp đặt, Hầu Vương được Bồ Đề Lão Tổ đặt tên là Ngộ Không, cai quản Hoa Quả Sơn và có sức mạnh phi thường. Nhưng trong tận cùng tâm khảm, hắn luôn cô đơn và bất tuân mệnh trời.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 2.

Ngộ Không có nhiều suy tư

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 3.

Vì có sức mạnh hơn cả những thiên binh thiên tướng nên Ngộ Không được nhà trời đặc cách thu nạp làm đệ tử, dưới trướng Thượng Tôn Đại Nhân. Khổ nỗi, với bản tính kiêu căng phách lối ỷ mình có sức mạnh trời cho, hắn chẳng coi ai ra gì. Duy chỉ có Tử Hà Tiên Tử (Nghê Ni) dù hay gây sự với Ngộ Không, nhưng cô luôn len lén nhìn mỗi khi hắn ngồi ngắm hoàng hôn.

Một ngày nọ, vì Ngộ Không xích mích với Dương Tiễn (Dư Văn Lạc) và Thiên Bồng Nguyên Soái (Âu Hào), phạm phải thiên quy nên cả bọn bị đày xuống trần gian, kể cả Tử Hà và Quyển Liêm, mất hết tiên lực và trở thành những kẻ bình thường. Từ đó, những thử thách mới dành cho họ bắt đầu. Những bài học, chiêm nghiệm và những sự thay đổi cực kì lớn trong thế giới của Tây Du Ký cũng từ đây mà thành.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 4.

Thiên Cung chỉ đẹp khi được nhuộm trong hoàng hôn tím, còn lại sẽ luôn nhuốm màu u ám

Nếu như không có sẵn trong đầu một số nhận định về thế giới quan của Tây Du Ký, về cách mà Ngô Thừa Ân đã miêu tả về Thiên Cung lẫn các nhân vật thì sẽ hơi "lao đao" ở phần đầu phim, dù bản thân Ngộ Không Truyện là một câu chuyện khá độc lập. Nó giống như Đông Tà Tây Độc của Vương Gia Vệ vậy. Nếu bạn không biết trước về những nhân vật của Kim Dung thì khi xem Đông Tà Tây Độc, bạn sẽ khó lòng cảm thấu hết những tâm tư được kể lể.

Ngộ Không Truyện dù có cái vỏ là thần thoại, cùng những chiêm nghiệm khá vĩ mô về mệnh trời, số phận nhưng thực chất nó rất hiện đại và khá đơn giản. Để miêu tả ngắn gọn thì đây chính là một phim drama học đường của lứa tuổi nổi loạn dựa trên các nhân vật của Tây Du Ký. Bởi vì hai thứ trọng tâm ở phim là tình yêu và sự không tuân phục, những yếu tố đặc thù của tuổi mới lớn.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 5.

Ngộ Không, Tử Hà, Thiên Bồng, Dương Tiễn, Quyển Liêm dù có số tuổi đo bằng hàng trăm năm nhưng thực chất họ chỉ là những đứa trẻ hừng hực sức sống và luôn đặt những câu hỏi về bản thân. Ngộ Không luôn đau đáu nỗi oán hận về sự điêu tàn của Hoa Quả Sơn, về bản thân mình là ai giữa vạn vật. Dương Tiễn cũng khắc khoải về thân phận, về người mẹ tội lỗi mình chưa từng gặp mặt bị giam ở Đào Sơn.

Thiên Bồng đường đường là nguyên soái, nhất nhất tuân mệnh trời nhưng chẳng thứ gì trong lòng anh quan trọng hơn A Nguyệt - nàng Hằng Nga đã bị đày xuống dương gian và chẳng còn ký ức về chàng. Tử Hà dù có phần ngây thơ hơn nhưng tận trong tâm hồn cô luôn có một sự tranh đấu cho tự do.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 6.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 7.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 8.

Tất cả đều mang trong lòng sự bất tuân theo nhiều cách. Và đến khi ngưỡng chịu đựng bị đẩy đến cực hạn, họ sẽ tranh đấu bằng tất cả sức bình sinh mà dù thắng hay bại cũng sẽ trở thành những con người khác. Nó giống như khi chúng ta bị cha mẹ cấm cản yêu một ai đó, hay ép mình phải sống theo cách mình chả bao giờ muốn. Có người sẽ tuân theo, cũng có người tranh đấu để làm chủ cuộc đời, và dù kết cục có ra sao thì vẫn sẽ trải qua một giai đoạn quan trọng mang tên "trưởng thành".

Ngộ Không Truyện chính là như thế. Là quá trình tranh đấu, nổi loạn, chấp nhận, buông bỏ, thay đổi của những nhân vật trong Tây Du Ký. Ai chẳng biết Tôn Ngộ Không chính là Tề Thiên Đại Thánh, là đại đệ tử của Đường Tam Tạng! Ai chẳng biết Dương Tiễn chính là Nhị Lang Thần nức tiếng Thiên Cung, là đối thủ truyền kiếp của Ngộ Không! Ai chẳng biết Thiên Bồng vì si tình Hằng Nga mà bị đày thành Trư Bát Giới! Nhưng, những giai thoại về họ sẽ rất khác biệt qua cách nhìn của Kim Hà Tại.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 9.

Bạn sẽ bất ngờ và có phần phấn khích khi xem Ngộ Không, Dương Tiễn, Thiên Bồng, Quyển Liêm (Sa Tăng sau này) và Tử Hà hợp sức chống lại yêu quái Mây đang hoành hành ở Hoa Quả Sơn. Giống như những trận chiến đầy hơi thở tuổi trẻ của những nhóm bạn hay khắc khẩu nhưng lại na ná nhau ở nỗi đau chứ không còn là các chư thần, tiên Phật trong Tây Du Ký. Họ, ở một góc độ nào đấy, cũng chính là nhóm thầy trò đưa nhau đi đến Thiên Trúc để đón nhận kết cục của mình.

Phim có phần bối cảnh và kĩ xảo được dàn dựng rất ấn tượng. Quang cảnh Hoa Quả Sơn hay Thiên Cung sẽ hoàn toàn khác với những gì có trong tâm trí khán giả. Nó khiến cho bộ phim mang một màu sắc khác hẳn so với chất phiêu lưu trong Tây Du Ký và điều này có thể sẽ khiến nhiều khán giả quen thuộc bị dội.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 10.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 11.

Cũng vì lẽ đó mà Ngộ Không Truyện lại tập trung được nhiều vào những phân cảnh gây hào hứng như đoạn cả nhóm dựng lên "hoàng hôn giả" để giăng bẫy Mây Yêu. Hay như những cảnh diễm tình lung linh giữa Thiên Bồng và A Nguyệt. Khối tình lặng lẽ khó nói nhưng rất đáng yêu của Ngộ Không và Tử Hà. Tình thân cảm động của Dương Tiễn và bà lão, của Quyển Liêm và cậu bé ngây thơ. Những chi tiết này đã thổi một làn gió rất khác vào câu chuyện thần thoại kinh điển mà không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận được.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 12.

Bạn có tin anh chàng đẹp trai này là Trư Bát Giới!?

Tương tự chính là vấn đề hình tượng nhân vật. Ngộ Không của Bành Vu Yến hoàn toàn không có chất khỉ. Có lẽ anh và đạo diễn cố tình thể hiện Ngộ Không này theo một cách gần gũi hơn, tạo hình thậm chí còn chẳng có nhiều lông, đôi lúc lại ngây ngô y hệt như Son Goku trong Dragon Ball. Ngay cả khi bộc phát sức mạnh và hoá thành Hầu Vương, Ngộ Không của Bành Vu Yến vẫn giống một siêu anh hùng thiếu niên hơn là một đại thánh. Tương tự với hình tượng được tân trang của Thiên Bồng hay Dương Tiễn cũng có điểm bất lợi chính là gây ra sự xa lạ.

Nhưng nếu đã chấp nhận được hướng mà bộ phim đang triển khai thì bạn sẽ tiếp thu nó thoải mái hơn. Có những cảnh thực sự gây ra xúc động mạnh với người viết, đơn cử như cảnh Tử Hà đội chiếc vòng kim cô của Ngộ Không lên đầu rồi thả chiếc khăn choàng của gã xuống hạ giới. Hình tượng Tử Hà lạc quan, nhìn mọi thứ theo cách tươi sáng (như việc cô nhất định cho rằng chú chó Hao Thiên có màu trắng rồi đặt tên là Tiểu Bạch) bị huỷ hoại bởi sự nghiệt ngã của hai chữ "số mệnh" đã khiến cho nhân vật này có một điểm nhấn cực kì quan trọng.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 13.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 14.

Nghê Ni thực sự là một nữ diễn viên vừa có sắc vừa có lực của điện ảnh Trung Quốc, cô có thể hoá thân thành công ở nhiều loại vai, biểu cảm trọn vẹn ở rất nhiều phân đoạn và luôn có sức hút mỗi khi xuất hiện.

Nhạc phim cũng là một điểm cộng rất lớn của Ngộ Không Truyện. Phim sử dụng các ca khúc sáng tác mới đa thể loại như rock, ballad, đến cả đồng dao và nhạc Hồ Quảng khiến cho phần âm nhạc của phim vừa đa dạng vừa nhiều cảm xúc. Giây phút Ngộ Không trở lại Thiên Cung trong nền nhạc Hồ Quảng réo rắt thực sự đẩy bộ phim lên một tầng không rất khác trước đó.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 15.

Ngộ Không Truyện - Tuổi trẻ nổi loạn và bi thống của Mỹ Hầu Vương Bành Vu Yến - Ảnh 16.

Hiện tại, cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc đều đang có nhiều luồng ý kiến xoay quanh Ngộ Không Truyện. Hầu hết không phải ở chất lượng phim mà là ở cách người ta tiếp nhận nó, một bài toán thực sự nan giải với tất cả các phiên bản Tây Du Ký. Ngộ Không Truyện còn chịu áp lực gấp đôi khi mà chuyện tình của Ngộ Không và Tử Hà không để lại day dứt nhiều như phiên bản của Châu Tinh Trì.

Nhưng như đã nói, Ngộ Không Truyện là một bộ phim về sự nổi loạn của tuổi trẻ, những tranh đấu để trưởng thành và thay đổi. Nếu bạn muốn tìm lại hương vị phiêu lưu của quãng đường thỉnh kinh với thầy trò Đường Tăng hay dư âm nồng nàn của mối tình Ngộ Không - Tử Hà thì bạn sẽ không tìm thấy ở bộ phim này. Bởi Ngộ Không Truyện là một liên khúc tuổi trẻ mang đầy sự nhiệt huyết và bi thống, như chính những bài hát đa sắc màu của phim.

Ngộ Không Truyện chính thức công chiếu tại hệ thống rạp Việt Nam từ ngày 14/07/2017.