Nghiên cứu cho thấy hội cú đêm có thể đang bị hiệu ứng "say máy bay" mỗi ngày

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 18:45 19/02/2019

"Say máy bay" hay còn gọi "jet lag", là sự xáo trộn nhịp sinh học sau một chuyến bay dài, và nghiên cứu có thấy việc thức khuya cũng có thể gây ra hiệu ứng tương tự cho sức khoẻ!

Mới đây, một nghiên cứu từ đại học Birmingham (Anh Quốc) đã cho thấy quy luật hoạt động trong não bộ của hội "cú đêm" có sự khác biệt so với những người thức sớm và ngủ sớm. Nghiên cứu này sau đó đã đặt vấn đề rằng sự khác biệt này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ cũng như năng suất làm việc, học tập của những người thức khuya và dậy trễ.

Trong thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, có những người tuy sinh hoạt điều độ nhưng vẫn thức khuya và dậy trễ do họ chỉ buồn ngủ vào những khung giờ nhất định. Các nhà khoa học khẳng định điều này là bình thường vì đó là nhịp sinh học riêng của mỗi người. Tuy nhiên trong xã hội với thời khoá biểu chung cho toàn nhân loại thì hội cú đêm đang gặp những bất lợi về sức khoẻ lẫn tinh thần.

Nghiên cứu cho thấy hội cú đêm có thể đang bị hiệu ứng say máy bay mỗi ngày - Ảnh 1.

"Rất nhiều người phải cố gắng để mang lại thành quả tốt nhất trong học tập và công việc mỗi ngày vào khung giờ mà họ cảm thấy mệt mỏi nhất", theo trưởng đoàn nghiên cứu, giáo sư Elise Facer-Childs của đại học Birbingham và Trung tâm thần kinh và nhận thức lâm sàng Monash ở Melbourne (Úc). Bà cũng cho rằng: "Chúng ta cần phải nghiên cứu về vấn đề này để giảm thiểu những hiểm nguy về sức khoẻ cho tất cả mọi người, cũng như gia tăng hiệu suất làm việc".

Trong nghiên cứu này, có một số người tình nguyện đã được quét MRI (chụp cộng hưởng từ), sau đó được kiểm tra hoạt động của não bộ bằng cách thực hiện một số nhiệm vụ được giao. Những nhiệm vụ này bao gồm các hoạt động ở các khung giờ khác nhau trong ngày mà những người tình nguyện bình thường vẫn hay làm.

Thông qua chuyện này, đội nghiên cứu đã phát hiện sự khác biệt giữa hoạt động não của nhóm người dậy sớm và nhóm người dậy muộn. Cụ thể, những người thức khuya có dấu hiệu nghỉ ngơi thấp ở một số vùng não bộ có liên đới với việc duy trì sự tỉnh táo. Điều này đã dẫn đến sự mất tập trung cũng như phản ứng chậm và năng lượng thấp. Mặt khác, những người dậy sớm thực hiện nhiệm vụ được giao tốt hơn và có phản ứng nhanh hơn cho các công việc vào buổi sáng. Thậm chí, ngay cả khi trong trạng thái tốt nhất thì hội cú đêm vẫn không thể thực hiện công việc tốt bằng những người dậy sớm.

Nghiên cứu cho thấy hội cú đêm có thể đang bị hiệu ứng say máy bay mỗi ngày - Ảnh 2.

Hội cú đêm lúc nào cũng bị "jet lag".

Nghiên cứu này đã cho thấy khoảng thời gian từ 8h sáng đến 8h tối, những vùng thiếu nghỉ ngơi trong não bộ của hội cú đêm đã có ảnh hưởng nặng nề đến hiệu suất làm việc. Đây là một biểu hiện tương tự với việc say máy bay.

Say máy bay, hay còn gọi là "jet lag", là hiện tượng nhịp sinh học bị lệch sau một chuyến bay dài. Cụ thể, những người bị jet lag thường cảm thấy mệt mỏi và bối rối bởi vì cơ thể họ "tin" rằng nó vẫn đang ở trong một trạng thái khác với hiện thực. Nói cách khác, khi cả thế giới đang đi theo đúng như thời khoá biểu thì cơ thể của bạn cho rằng nó vẫn còn đang trong trạng thái nghỉ ngơi, vì thế mà dẫn đến tình trạng chậm chạp, mệt mỏi, thậm chí mang đến những hệ luỵ tệ hơn về trao đổi chất, mất cân bằng hormone, bệnh tiểu đường...

Nghiên cứu cho thấy hội cú đêm có thể đang bị hiệu ứng say máy bay mỗi ngày - Ảnh 3.

Lệch nhịp sinh học thường xuyên có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ nguy hiểm cho sức khoẻ.

Trong tình huống mà xã hội còn chưa thể linh hoạt hơn trong việc phân bố công việc cho nhiều cá nhân với nhịp sinh học khác nhau thì hội cú đêm nên cố gắng điều chỉnh và uốn nắn lại nhịp sinh học tự nhiên của mình để tránh những bất cập cũng như ảnh hưởng sức khoẻ lâu dài.

Nguồn: Medical News Today.