Nghệ thuật từ vảy cá - startup độc lạ của sinh viên HUTECH

A.D, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 13/07/2018
Chia sẻ

Khởi nghiệp ngay từ trên giảng đường, ý tưởng táo bạo, nhãn quan thực tế và nỗ lực không ngừng nghỉ, đó là những ấn tượng đầu tiên và cũng là “điểm cộng” đầy khác biệt của những bức tranh nghệ thuật từ... vảy cá - startup độc đáo của nhóm sinh viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

“Cha đẻ” của ý tưởng và cũng là trưởng nhóm làm tranh vảy cá là Lê Ngọc Biết - sinh viên năm 3 ngành Marketing HUTECH. Với những “đồng nghiệp” của mình, Ngọc Biết đã mang bức tranh độc đáo đến với nhiều sân chơi khởi nghiệp sinh viên và giành nhiều giải thưởng như giải Ba cuộc thi “Tôi, khởi nghiệp 2017” (ĐH Ngân hàng), giải Ba “Ý tưởng sáng tạo du lịch 2017” (HUTECH phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM tổ chức)...

Dùng vảy cá làm tranh - ý tưởng “lấp lánh” của chàng trai xứ biển

Sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, trưởng nhóm Lê Ngọc Biết quen thuộc với tất cả những gì thuộc về biển. Cậu sinh viên HUTECH chia sẻ: “Ý tưởng bắt đầu khi em tình cờ quan sát những con cá biển to và chắc, lớp vảy bóng loáng dưới ánh mặt trời. Em nghĩ mông lung là tại sao những thứ đẹp đến thế mà lại bị vứt đi lãng phí như vậy. Và kể từ đó, câu hỏi luôn thôi thúc em: Tại sao không kết hợp vảy cá với tranh nhỉ, đó sẽ là một sự kết hợp độc đáo!”.

Nghệ thuật từ vảy cá - startup độc lạ của sinh viên HUTECH - Ảnh 1.

Lê Ngọc Biết (áo trắng) và bạn trình bày ý tưởng “Tranh vảy cá” cho giám khảo cuộc thi Tourism Ideal 2018

Tìm kiếm nguồn vảy cá làm tranh không khó bởi đây vốn là loại phế phẩm không phân hủy, vẫn thường được vứt bỏ tràn lan ở các chợ cá, nhà hàng hải sản... Với sự nhanh nhạy, năng động và kiến thức về xu hướng thị trường của một sinh viên ngành Marketing, Ngọc Biết hiểu rằng việc “tái sinh” những mảnh vảy cá không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Dự định khởi nghiệp từ những bức tranh vảy cá dần nhen nhóm rồi bùng lên mạnh mẽ.

“Đổ mồ hôi” biến phế phẩm thành tranh nghệ thuật

Ngọc Biết chia sẻ: “Để làm một bức tranh vảy cá, nhóm đã phải nghiên cứu rất nhiều từ chất liệu vải in tranh nền, enzym làm sạch chất bẩn và khử mùi tanh trên vảy cá, tìm hiểu chất nhuộm màu an toàn, mày mò hướng ốp vảy cá lên tranh sao cho đẹp và “thật” nhất, sống động nhất...”. Sự tỉ mỉ cùng những công đoạn thủ công tinh xảo đã thật sự khiến người ta phải nể phục nhóm sinh viên dám mở rộng ý tưởng kinh doanh này.

Nghệ thuật từ vảy cá - startup độc lạ của sinh viên HUTECH - Ảnh 2.
Nghệ thuật từ vảy cá - startup độc lạ của sinh viên HUTECH - Ảnh 3.

Công đoạn thực hiện và một tác phẩm hoàn chỉnh của nhóm Lê Ngọc Biết

Theo nhận xét của các giám khảo, tranh vảy cá của nhóm sinh viên HUTECH độc đáo ở chỗ dùng chính những chiếc vảy cá để ghép thành những bộ phận vảy đặc biệt khác như vảy cá, vảy rồng... hay những cấu trúc hình vảy cá trong tranh (mái ngói, áo giáp, mặt biển, tán cây...) khiến hình ảnh không bị vỡ, tranh được đính từ chính vảy cá thật có hồn và thêm sống động. Từ vảy cá, Ngọc Biết cùng nhóm bạn bắt đầu mày mò vận dụng thêm một số phế phẩm khác như xương cá, râu tôm, vỏ cua... để dần đưa chúng vào nghệ thuật. Vừa đem lại lợi nhuận, vừa bảo vệ môi trường, tranh vảy cá của Ngọc Biết không chỉ giành giải thưởng cao mà bắt đầu được các doanh nghiệp chú ý đầu tư, quảng bá.

Tranh vảy cá - khát vọng vươn xa của chàng sinh viên HUTECH

Cùng với những đơn hàng ngày càng nhiều hơn từ các doanh nghiệp, Ngọc Biết còn nhận được nguồn hỗ trợ giá trị từ HUTECH - nơi bạn đang theo học - để có thêm khả năng phát triển dự án của mình. “Cùng với kiến thức chuyên môn, em còn được trang bị nền tảng về khởi nghiệp trong quá trình học tập tại HUTECH. Nhà trường, thầy cô luôn đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên thực hiện ý tưởng của mình”. Vượt khỏi giới hạn của các sân chơi, dự án “Tranh vảy cá VAVA” của Ngọc Biết đang dần tiến ra thị trường. Còn chàng sinh viên ngành Marketing HUTECH vẫn giữ vững thành tích học tập xuất sắc, bởi với bạn, mỗi khoảnh khắc trên giảng đường đều là những hành trang giá trị để trau dồi và phát triển thêm dự án của mình.

Nghệ thuật từ vảy cá - startup độc lạ của sinh viên HUTECH - Ảnh 4.

Lê Ngọc Biết nhận giải Ba cuộc thi Tourism Ideas 2018

Được biết, Lê Ngọc Biết là một trong số những gương mặt khởi nghiệp nổi bật từ HUTECH trong thời gian qua. Cùng với Ngọc Biết, HUTECH còn được biết đến với nhiều câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng như nhà thiết kế Trị Lý (thương hiệu thời trang M.O.P), nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn (thương hiệu MINHTUANnguyen Bridal), Huỳnh Vũ Hoài Nhân (giải Nhất Thanh niên khởi nghiệp Việt - Hàn 2017, co-founder ColorME), Võ Thị Ngọc Huyền (chủ nhân thương hiệu mỹ phẩm Huyền Cò)... Từ môi trường đại học năng động, tinh thần đào tạo và học tập thực tiễn, “vườn ươm khởi nghiệp” tại HUTECH ngày càng phát huy giá trị, trở thành khởi đầu đáng tin cậy của các thế hệ sinh viên bản lĩnh xây dựng cơ ngơi của riêng mình.


Năm 2018, HUTECH tuyển sinh ngành Marketing với 04 tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh) theo 2 phương thức:

1. Xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia.

2. Xét tuyển học bạ lớp 12: Tốt nghiệp THPT và có tổng điểm TB 03 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 trở lên. Nhận hồ sơ đến 20/7.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày