Ngắm nghía gia tài tác phẩm đồ sộ được chuyển thể thành phim của nhà văn Kim Dung

AB, Theo Trí Thức Trẻ 23:37 30/10/2018
Chia sẻ

Tối ngày 30/10/2018, cả Trung Hoa Đại Lục và những người mến mộ thót tim nghe tin cha đẻ của hàng loạt tác phẩm chuyển thể thành phim đã làm nên lịch sử phim Châu Á - nhà văn Kim Dung - qua đời, để lại cho công chúng một kho di sản điện ảnh khổng lồ và triệu lời tiếc thương.

Tối ngày 30/10, truyền thông Đại Lục bàng hoàng trước tin nhà văn Kim Dung đã qua đời. Ông được đánh giá "là đại hiệp của các đại hiệp", là người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực văn học Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung suốt nửa sau thế kỉ 20 và gần như bất tử với một gia tài tác phẩm được chuyển thể thành phim đã từng gây sốt hết lần này đến lần khác.

Cùng nhìn lại những tác phẩm để đời đã được chuyển thể thành phim của người kể chuyện bậc thầy này nhé!

1. Anh Hùng Xạ Điêu

Kim Dung - Gia tài tác phẩm đồ sộ được chuyển thể thành phim
Kim Dung - Gia tài tác phẩm đồ sộ được chuyển thể thành phim - ảnh 1

Anh Hùng Xạ Điêu bản phim năm 1983

Anh Hùng Xạ Điêu lần đầu tiên ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ tại Hong Kong vào năm 1983, do TVB sản xuất và chia làm 3 phần: Thiết Huyết Đan Tâm, Đông Tà Tây Độc và Hoa Sơn Luận Kiếm. Đến 2017, tác phẩm được làm lại đến lần thứ 12 trong và ngoài Đại Lục. Tuy nhiên những gì công chúng nhớ mãi suốt 30 năm sau là tượng đài Quách Tĩnh – Hoàng Dung do Huỳnh Nhật Hoa và Ông Mỹ Linh thủ vai. Điều đáng buồn đối với công chúng mến mộ cặp đôi này là vào năm 1985, nữ chính Ông Mỹ Linh được xác nhận tự sát và qua đời ở thời điểm sự nghiệp đang nở rộ. Mãi sau đó, đến bản phim năm 2002-2003, Châu Tấn - Lý Á Bằng được xem là cặp đôi đáng ngưỡng mộ, gây ấn tượng tốt trong lòng khán giả.

Kim Dung - Gia tài tác phẩm đồ sộ được chuyển thể thành phim - Ảnh 2.

Châu Tấn - Lý Á Bằng trong Anh Hùng Xạ Điêu 2002-2003

2. Tiếu Ngạo Giang Hồ

Kim Dung - Gia tài tác phẩm đồ sộ được chuyển thể thành phim - ảnh

"Tiếu Ngạo Giang Hồ" bản chuyển thể năm 1996 của Kim Dung

Tiếu Ngạo Giang Hồ xoay quanh tình thầy trò, tình yêu, tình bạn của chàng Lệnh Hồ Xung bộc trực, tài trí, ưa sống lãng tử, thích ngao du nay đây mai đó giữa trời tự do. Xuất thân là một đệ tử của Nhạc Bất Quần, chàng trai trẻ trải qua nhiều biến cố và trở thành một hiệp khách vang danh lẫy lừng. Từ đó, chàng quyết bảo vệ chính mình và người yêu khỏi vòng xoáy tranh quyền đoạt vị. Tính đến 2018, tập truyện này được chuyển thể lên phim 15 lần.

Tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng bởi hai gương mặt kinh điển là Đông Phương Bất Bại của Lâm Thanh Hà ở bản điện ảnh và chàng Lệnh Hồ Xung của Lữ Tụng Hiền trong phim truyền hình năm 1996. Sau đó, vai Đông Phương Bất Bại của Trần Kiều Ân ở Tiếu Ngạo Giang Hồ bản truyền hình năm 2012 mang về cho cô thành tựu không nhỏ. Gần đây nhất là Tân Tiếu Ngạo Giang Hồ phát sóng tại Trung Quốc hồi tháng 3/2018 và nhận nhiều chỉ trích vì cách kể chuyện bị cho là biến tướng của đạo diễn Kim Sâm.

3. Lộc Đỉnh Ký

Có thể nói bản phim Lộc Đỉnh Ký do TVB Hong Kong sản xuất năm 1984 là bản bám sát nguyên tác của nhà văn Kim Dung nhất. Phim ở thời điểm này được đầu tư sản xuất khá thô sơ, thậm chí trang phục, hóa trang không thể so với các phiên bản hiện đại hơn nhưng đây là phần phim được yêu mến và là bệ phóng ấn tượng của bộ đôi mỹ nam Lương Triều VỹLưu Đức Hoa thời bấy giờ. Sau đó, phim được làm lại tổng cộng 5 lần vào các mốc thời gian 1992, 1998, 2000, 2008, 2014.

Lộc Đỉnh Ký mang đến một Vi Tiểu Bảo có tốt có xấu, thiện ác lẫn lộn, nhưng trọng tình, giàu chí, đôi khi lắm mưu mẹo, thủ đoạn, tóm lại, đây là một nhân vật rất người, rất đời.

Kim Dung - Gia tài tác phẩm đồ sộ được chuyển thể thành phim - Ảnh 4.

Lộc Đỉnh Ký năm 1984 là bệ phóng sự nghiệp cho Lương Triều Vỹ - Lưu Đức Hoa

Sau đó, lần lượt các Vi Tiểu Bảo khác cũng để lại nhiều ấn tượng đặc sắc, có người gây tranh cãi, có người chinh phục được khán giả. Vi Tiểu Bảo của Trần Tiểu Xuân (Lộc Đỉnh Ký 1998) có gương mặt lanh lợi, mắt láo liên, ngoại hình tầm thường và diễn xuất linh hoạt. Trong khi đó, Vi Tiểu Bảo bản năm 2000 của Trương Vệ Kiện lại nhận đầy gạch đá vì bị cho là cải biên sai lệch nhiều so với nguyên tác. Đến năm 2008, vì quá đẹp trai nên chàng Vi Tiểu Bảo của Huỳnh Hiểu Minh cũng nhận vô số lời chỉ trích vì "quá khác người mà Kim Dung mô tả". Mới đây nhất, ở Tân Lộc Đỉnh Ký năm 2014, Hàn Đống được nhận xét là phù hợp với nhân vật nhờ không quá đẹp trai.

Từ trái sang: Ba chàng Vi Tiểu Bảo các phiên bản của Trần Tiểu Xuân, Trương Vệ Kiện, Huỳnh Hiểu Minh

4. Thần Điêu Đại Hiệp

Kể từ phiên bản chuyển thể được ra mắt năm 1959, cốt truyện chính luôn tập trung vào tình yêu giữa hai nhân vật Dương Quá và Tiểu Long Nữ, kể lại những cuộc đụng độ gay cấn của họ giữa chốn giang hồ lẫn chiến trường. Chỉ riêng đài TVB, tác phẩm đã được mạnh tay chuyển thể vào 1976 và một lần nữa vào 1983. Với bản phim 1983, tác phẩm được liệt kê và một bộ phim truyền hình kinh điển, đưa tên tuổi Lưu Đức Hoa và Trần Ngọc Liên vụt sáng thành tên tuổi hạng A.

Kim Dung - Gia tài tác phẩm đồ sộ được chuyển thể thành phim - Ảnh 6.

Những tưởng sẽ khó ai vượt quá được "cái bóng" này, vậy mà đến năm 1995, khán giả đã bị bộ đôi Lý Nhược Đồng - Cổ Thiên Lạc hớp hồn vì nhan sắc thần tiên và độ đẹp đôi giữa hai người họ. Sau đó, một cặp Dương Quá - Cô Cô khác cũng nổi tiếng không kém là Lý Minh Thuận và Phạm Văn Phương ở bản phim truyền hình Singapore năm 1998.

Sang thế kỉ 21, đến lượt Huỳnh Hiểu Minh - Lưu Diệc Phi (bản 2006), Trần Hiểu - Trần Nghiên Hy năm 2014 cũng ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả nhờ nhan sắc thu hút và độ xứng đôi.

Trong diễn biến gần nhất, phiên bản Tân Thần Điêu Đại Hiệp được Trung Quốc rục rịch sản xuất cũng đang được dư luận nóng lòng chờ đợi sau khi vừa tung tạo hình Tiểu Long Nữ xinh đẹp của Mao Hiểu Huệ. Thần Điêu Đại Hiệp cho đến nay đã được chuyển thể 9 lần (1976, 1983, 1984, 1995, 1998, 1999, 2006, 2014, 2018). Ở 3 lần gần nhất, tác phẩm chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

Kim Dung - Gia tài tác phẩm đồ sộ được chuyển thể thành phim - Ảnh 9.

Tạo hình được khen ngợi là tỏa ra tiên khí của Mao Hiểu Huệ, nhiều khán giả nhận xét nữ diễn viên có nét hao hao Lưu Diệc Phi và Trần Đô Linh.

5. Thiên Long Bát Bộ

Dàn nam chính của Thiên Long Bát Bộ bản TVB sản xuất 1996 đến giờ vẫn được nhận xét là sự phát hiện vô cùng xuất sắc, nhất là nhân vật chính Kiều Phong (Huỳnh Nhật Hoa) đầy oai phong và khí chất hơn người. Hình tượng nhân vật ấy sau này đã trở thành tiêu chuẩn "ăn theo" cho hàng loạt nhân vật truyện và game.

Cũng chính lúc tham gia Thiên Long Bát Bộ 1996, Trần Hạo Dân khi ấy đang là chàng diễn viên trẻ sở hữu nét diễn xuất đầy hồn nhiên, chính sự mới mẻ đó của anh đã mang lại cho khán giả một Đoàn Dự vô cùng dễ thương, tếu táo. Ta hoàn toàn có thể cảm nhận được sự "điên tình" đến ngờ nghệch của anh. Đồng thời, cũng chính bản Thiên Long Bát Bộ này, công chúng lại lần nữa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp siêu thực của Lý Nhược Đồng trong vai "tiên nữ nhân gian" Vương Ngữ Yên sau khi nữ diễn viên này ghi dấu ấn mạnh mẽ với vai Tiểu Long Nữ trong Thần Điêu Đại Hiệp phiên bản 1995 bên cạnh Cổ Thiên Lạc.

Kim Dung - Gia tài tác phẩm đồ sộ được chuyển thể thành phim - ảnh 10

Tạm kết

Với việc xây dựng nên hàng loạt hình tượng anh hùng giang hồ quân tử, nghĩa hiệp, Kim Dung được mệnh danh là đại hiệp của các đại hiệp. Ông là một trong số ít tác giả châu Á có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, hơn nữa được chuyển thể nhiều lần trong suốt nửa thế kỷ qua.

Kim Dung - Gia tài tác phẩm đồ sộ được chuyển thể thành phim - Ảnh 11.

Là một cây bút có sức ảnh hưởng mang tầm cỡ quốc tế như Kim Dung, công chúng chẳng thể gói gọn tác phẩm của ông trong những áng văn chương võ hiệp nữa, mà là một thế giới trượng nghĩa, độc đáo, đậm bản sắc và những thước phim đầy triết lý nhân sinh. Bên trên chỉ là những tác phẩm tiêu biểu mà thường xuyên được mang ra khoác lại những chiếc áo mới. Tuy nhiên, nhiêu đó cũng đủ thấy tầm ảnh hưởng của vị tác gia tài ba này đối với các hậu thế ra sao. Với lượng di sản tinh thần, văn hóa đồ sộ mà ông đã để lại, mong rằng những bộ phim chuyển thể từ các áng văn võ hiệp của ông sẽ tiếp tục giữ được những thành tố cốt lõi, sâu sắc và khiến ngài hài lòng ở thế giới trên kia.

Một lần nữa, xin cảm ơn và mong ông yên nghỉ, nhà văn đại tài Kim Dung!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày