Nếu đang muốn thử chế độ ăn kiêng Ketogenic, hãy cân nhắc về những tác dụng phụ này

Minh Hiền, Theo Helino 12:03 28/04/2018

Từ cảm giác mệt mỏi cho đến hiện tượng đau nhức, hãy tìm hiểu kỹ những vấn đề có thể xảy ra trước khi áp dụng chế độ ăn uống này.

Chế độ ăn Keto (Ketogenic Diet) là một trong những từ khóa về dinh dưỡng được tìm kiếm nhiều nhất năm 2016 và vẫn đang là trào lưu được ưa chuộng trên thế giới. Đây là chế độ ăn low-carb triệt để với mục tiêu là thay thế nguồn cung cấp calories hàng ngày từ chất béo, thay vì các thực phẩm chứa carbohydrate, nạp một lượng tương đối protein, và giới hạn lượng carbs mỗi ngày dưới khoảng 20gr – tương đương với một quả táo mỗi ngày. Nói một cách khác, bạn phải tránh bất cứ các loại thức ăn nào chứa nhiều đường, thậm chí là các loại hoa quả hay các loại sốt và tương.

Nhiều người đã đạt được thành quả giảm cân đáng kinh ngạc từ chế độ ăn này. Khi nguồn cung carbs bị cắt giảm, cơ thể sẽ chuyển sang đốt cháy lượng carbs được dự trữ trong các cơ và rồi dần dần chuyển sang đốt cháy đến chất béo để lấy năng lượng, dẫn đến sự giảm cân rất nhanh chóng. Tuy vậy, việc cơ chế chuyển hóa năng lượng của cơ thể bị thay đổi có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mấy dễ chịu. Dưới đây là những vấn đề bạn có thể gặp phải khi áp dụng chế độ ăn kiêng này.

Nếu đang muốn thử chế độ ăn kiêng Ketogenic, hãy cân nhắc về những tác dụng phụ này - Ảnh 1.

Giảm sự phát triển của cơ bắp

Khi cơ thể đốt cháy phần carb dự trữ, các cơ bắp của bạn sẽ khó phát triển nở nang hơn bởi carb đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo cơ. Nhiều người cho rằng chỉ cần bổ sung protein là đủ để hồi phục và phát triển cơ bắp, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc bổ sung carbs kèm với protein sau các buổi tập sẽ giúp đạt kết quả tốt hơn rất nhiều.

Thêm nữa, vì carbs được dự trữ dưới dạng glycogen trong cơ bắp, nên khi lượng carbs sụt giảm, cơ thể bạn sẽ đốt cháy glycogen trong cơ, khiến cơ bắp cũng nhỏ đi, giảm trọng lượng và khó phát triển nảy nở.

Nếu đang muốn thử chế độ ăn kiêng Ketogenic, hãy cân nhắc về những tác dụng phụ này - Ảnh 2.

Cảm giác mệt mỏi

Khi cơ thể bạn điều chỉnh sang một chế độ sử dụng năng lượng mới, bạn sẽ có cảm giác thiếu hụt năng lượng hoạt động và luôn luôn mỏi mệt. Tuy vậy, hiện tượng này sẽ chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian đầu và sẽ dần dần cải thiện khi cơ thể đã thích nghi với việc sử dụng nguồn năng lượng đến từ chất béo.

Một tình trạng khác liên quan đến chế độ ăn keto có thể khiến bạn mỏi mệt là các triệu chứng giống như bị cảm cúm, thường xuất hiện trong vài tuần đầu tiên. Bạn có thể sẽ gặp phải tình trạng đau đầu, gặp khó khăn khi tập trung tinh thần, hay có cảm giác nôn nao và có thể gặp phải chứng khó ngủ.

Để giảm thiểu những triệu chứng khó chịu này, hãy giúp cơ thể bạn thích ứng bằng cách giảm từ từ lượng carbs với một chế độ ăn low-carb trong vài tuần đầu trước khi thực hiện chế độ ăn keto.

Rối loạn tiêu hóa

Một tác dụng phụ không mong muốn của chế độ keto là các vấn đề với đường tiêu hóa của bạn như tình trạng đầy hơi hay táo bón. Lý do là bởi bạn phải tránh ăn cả những loại rau củ nên cơ thể bị thiếu chất xơ.

Để giải quyết vấn đề này, hãy kết hợp cả việc tập luyện và điều chỉnh ăn uống. Bạn nên bổ sung nhiều nước và có thể là các loại thực phẩm chức năng giàu chất xơ để thay thế.

Nếu đang muốn thử chế độ ăn kiêng Ketogenic, hãy cân nhắc về những tác dụng phụ này - Ảnh 3.

Co rút chân và đau cơ bắp

Hormone insulin kích thích thận của bạn dự trữ khoáng chất. Khi bạn thực hiện chế độ ăn keto và cắt giảm lượng carbs nạp vào cơ thể, lượng insulin của bạn cũng sẽ giảm thấp. Việc này dẫn đến hậu quả là những cơn co rút, đau mỏi cơ bắp, đặc biệt là ở vùng bắp chân. Đồng thời, bạn cũng phải hạn chế ăn nhiều loại rau củ và hoa quả, làm mất đi một nguồn cung lớn các loại chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, magie, kali và nhiều loại vitamin.

Nếu đang muốn thử chế độ ăn kiêng Ketogenic, hãy cân nhắc về những tác dụng phụ này - Ảnh 4.

Tin vui là cơ thể bạn sẽ dần dần tự điều chỉnh được về trạng thái cân bằng. Song bạn vẫn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng và bổ sung các loại thực phẩm chức năng hay viên uống để thay thế nguồn dinh dưỡng đã cắt giảm.

Nguồn: Women’s Health