"Nếu chuyển xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, chúng tôi có nguy cơ phá sản"

Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 16:56 31/12/2016

Trong cuộc đối thoại với đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chiều 31/12, nhiều doanh nghiệp cho biết, việc điều chuyển các chuyến hành khách liên tỉnh sẽ khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thay vào đó nên xử lý xe dù, bến cóc.

Chiều 31/12, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có buổi đối thoại với đại diện các doanh nghiệp vận tải liên quan đến phương án sắp xếp việc điều chuyển các chuyến hành khách liên tỉnh. Trước đó, theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải, từ 2/1/2017 các tuyến xe ở bến trung tâm và ngoại thành sẽ được luân chuyển để tránh ùn tắc.

Tại buổi đối thoại, ông Trần Quảng, Doanh nghiệp vận tải ở Thanh Hóa chia sẻ, doanh nghiệp cũng đã được mời đến Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm việc nhiều lần nhưng chưa giải quyết được vấn đề.

Nếu chuyển xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, chúng tôi có nguy cơ phá sản - Ảnh 1.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Ông Quảng cho hay, trong nhiều giải pháp chống ùn tắc ở thành phố Hà Nội, có nhiều giải pháp khác (như xử lý các loại xe dù, bến cóc,...), không ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân thay vì điều chuyển hành khách liên tỉnh.

"Thực tế trong nội đô Hà Nội không có xe khách hoạt động vẫn bị ùn tắc giao thông. Vì thế việc ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân như do cơ sở hạ tầng, ý thức người tham gia giao thông... Vì thế ùn tắc là điều tất yếu.

Việc ùn tắc không thể tránh được vì mật độ phân bố dân cư quá cao. Các khu chung cư xây dựng trong nội thành quá nhiều, bệnh viện, trường học dày đặc, không thể đổ cho xe khách làm ách tắc giao thông được", ông Quảng nói.

Ông Quảng chia sẻ vào năm 2004 doanh nghiệp của ông đã chuyển từ bến Giáp Bát về bến Mỹ Đình theo sự kêu gọi của các cơ quan ban ngành. "Nhiều năm liền chúng tôi phải hoạt động chịu lỗ. Ai thấu hiểu cho doanh nghiệp, đến bây giờ chúng tôi vừa ổn định được thương hiệu cũng như có khách thì lại đẩy chúng tôi đi về bến xe Nước Ngầm".

Nếu chuyển xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, chúng tôi có nguy cơ phá sản - Ảnh 2.

Ông Quảng, giám đốc doanh nghiệp vận tải Thanh Hóa.

Ông Quảng cho rằng, việc điều chuyển xe khách phải xuất phát từ nhu cầu đi lại của nhân dân. "Nơi có mật độ khách đi lại cao mà lại đẩy chúng tôi về bến xe Nước Ngầm không có khách. Khoảng cách từ bến Giáp Bát và bến Nước Ngầm chưa đầy 2km thì người dân họ sẽ lựa chọn bến xe gần trung tâm nhất, sẽ không ai về bến Nước Ngầm. Ngoài ra giá dịch vụ ở bến xe Nước Ngầm đắt gấp 5, 6 lần mà lại không có khách. Việc quy hoạch bến xe phải phù hợp với điều kiện đi lại của dân, khách không có, đường xá ở Pháp Vân rất chật chội nếu làm thế chúng tôi chỉ còn nước phá sản".

Chung quan điểm với ông Quảng, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2004 nhiều doanh nghiệp vận tải ở Ninh Bình được đưa vào bến Mỹ Đình hoạt động, đến khi ổn định thì lại điều chuyển đi. Bà tỏ ra lo ngại rằng, bến xe Nước Ngầm hiện đang thuê của tư nhân. Nếu sau này bến xe này bị doanh nghiệp tư nhân thu hồi lại thì các doanh nghiệp lại sẽ đi về đâu.

Bà Hồ Thị Hoàng (Giám đốc doanh nghiệp Hoàng Phương Thanh Hóa) cho biết, suốt nhiều ngày nay không chỉ doanh nghiệp của bà mà nhiều doanh nghiệp vận tải khác phải chạy đôn chạy đáo lo lắng về việc điều chuyển hành khách.

Nếu chuyển xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, chúng tôi có nguy cơ phá sản - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Ninh Bình.

Bà cho rằng nếu điều chuyển về bến Nước Ngầm sẽ khiến doanh nghiệp của bà và nhiều doanh nghiệp khác phải phá sản. "Có lần chúng tôi vào bến Nước Ngầm sau phải rút lui vì khách họ chỉ vào bến xe Giáp Bát. Doanh nghiệp chúng tôi là doanh nghiệp tiên phong đi đường mòn Hồ Chí Minh. Việc điều chuyển xuống Yên Nghĩa, Nước Ngầm là phá sản vì khu Mỹ Đình là khu trung tâm tập trung đông dân cư, nếu chúng tôi bị đẩy đi thì người dân họ sẽ không chọn chúng tôi nữa".

Bà Phương cũng cho biết, tuyến đường vận chuyển khách của doanh nghiệp bà đi trên tuyến Đại lộ Thăng Long rộng thênh thang không có người đi, sau đi đường mòn Hồ Chí Minh giờ chuyển đi về bến xe Yên Nghĩa thì khách ở trung tâm phải đi xe buýt, xe ôm đến bến xe.

Liên quan đến những vấn đề trên, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực và sự phát triển của doanh nghiệp vận tải đã vượt qua những khó khăn, phát triển phục vụ việc đi lại an toàn của người dân giữa Hà Nội với các tỉnh.

Nếu chuyển xe khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, chúng tôi có nguy cơ phá sản - Ảnh 4.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

"Về vấn đề các doanh nghiệp nói tại sao từ 2003, 2004 bến xe Mỹ Đình rất thưa thớt giờ lại phải điều chuyển. Bến xe Mỹ Đình giờ nằm ở trung tâm Hà Nội, các tuyến đường vành đai thành tuyến nội đô, các phương tiện gia tăng rất nhanh khiến các tuyến đường ùn tắc kéo dài. Phương tiện giao thông tăng nhanh gây ùn tắc giao thông, đây là vấn đề cần được giải quyết", ông Viện nói.

Ông Viện cho rằng, nếu không có giải pháp đồng bộ giải quyết giao thông thì đến lúc nào đó phải trả giá về những hệ quả do ùn tắc gây ra.

"Vì thế phải tổ chức giao thông hợp lý khoa học, trong đó tổ chức phân luồng tuyến vận tải để giảm lượng tối đa để đảm bảo việc lưu thông thông suốt. Hiện tại việc ùn tắc trên đường vành đai 3 hết sức đáng báo động. Từ nút giao Big C ùn tắc kéo dài. Trong dịp Tết có lượng ùn tắc giao thông lớn nên phải thực hiện phương án điều chuyển sắp xếp nhưng đây cũng là cơ hội để giảm được ùn tắc. Đây là việc làm khó khăn nhưng cần thiết phải làm", ông Viện nói thêm.