Năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn sinh vật biển

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 27/11/2018
Chia sẻ

Rác thải nhựa đang “tấn công” con người và nếu không có hành động ngăn chặn ngay từ bây giờ thì chỉ 30 năm nữa, biển sẽ ngập trong rác nhiều hơn cả sinh vật biển. Còn tại Việt Nam, rác thải nhựa cũng là một vấn đề hết sức nhức nhối của cả Chính phủ và người dân.

Năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn sinh vật biển - Ảnh 1.

Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái Đất. Riêng tại Việt Nam, mức tiêu thụ nhựa trung bình của người dân đã đạt 41 kg/người/năm. Với khả năng tái chế nhựa thải chỉ đạt mức chưa tới 10%. Ước tính Việt Nam thải ra môi trường 3,7 triệu tấn rác thải nhựa một năm.

Qua các thống kê, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Còn theo đánh giá của Đại học Georgia, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không hành động ngay bây giờ thì đến năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn là sinh vật biển. Với hàng triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương đang gây ra những tác động tiêu cực đến chuỗi thức ăn, sức khỏe hệ sinh thái và sinh kế của cộng đồng ven biển.

Năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn sinh vật biển - Ảnh 2.

Việc hạn chế rác thải nhựa đòi hỏi cần có chính sách quy định rõ ràng đồng thời cần nhiều hơn nữa các chiến dịch thay đổi nhận thức của người dân. Bởi trên thực tế, việc sử dụng đồ nhựa một lần và túi ni lông đã trở thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày.

Việc xả thải bừa bãi ra môi trường, thậm chí dù chất thải nhựa có được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, chất thải nhựa cũng là nguồn tài nguyên, nên cần có phương án thu gom, phân loại và tái chế sử dụng.

Cũng trong tháng 11 này, chính quyền địa phương cũng có những động thái vào cuộc, UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Kể từ ngày 24/11/2018, các hộ dân phải phân rác thành 3 loại (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại) và chuyển giao đúng nhóm.

Năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn sinh vật biển - Ảnh 3.

Theo đó tại khoản 4 điều 20 quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phạt tiền 15-20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Mục tiêu không phải xử phạt để lấy tiền, mà cũng nhắm nâng cao ý thức của người dân, trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn sinh vật biển - Ảnh 4.

Trước đó, nhiều hoạt động vì môi trường đã được phát động tổ chức trên khắp cả nước. Ngày môi trường thế giới thường niên do Liên Hợp Quốc phát động năm 2018 mang chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khoẻ của chúng ta.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ban ngành liên quan tổ chức các chuỗi sự kiện như “Tháng hành động vì môi trường” trung tuần tháng 6 hay “Phong trào chống rác thải nhựa” trung tuần tháng 10 vừa qua.

Trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, việc nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Bên cạnh đó, những công việc như tiến hành thu gom phân loại rác thải, làm sạch môi trường biển và xử phạt những cá nhân, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm cũng cần được tiến hành nghiêm túc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày