Một trang sử hào hùng đã khép lại ở Leicester

Dương Quảng, Theo Trí Thức Trẻ 10:10 20/10/2017

Hai năm sau khi viết nên câu chuyện thần tiên ở Premier League 2015/16, Leicester đã quay trở lại vị trí họ vốn thuộc về: Một đội trung bình với mục tiêu chống xuống hạng hàng năm. Nhưng có những giá trị còn lớn lao hơn cả danh hiệu và những vật chất tầm thường.

Leicester là một nơi đặc biệt. Đây là thành phố đầu tiên ở Anh mà người da trắng ít hơn dân vãng lai. Các cửa tiệm ở Narborough, tuyến đường chính được điều hành bởi những doanh nghiệp từ 23 quốc gia khác nhau trên thế giới. Có hẳn những khu Ả-rập hay phố ẩm thực Nam Á, quang cảnh tưởng chỉ bắt gặp ở những nước lấy du lịch làm trọng điểm kinh tế.

Gọi Anh là xứ sở mặt trời không bao giờ lặn vì vương quốc này có quá khứ đô hộ lâu dài. Và bối cảnh lịch sử ấy không cho phép nhóm thiểu số bản địa hòa tan vào thứ văn hóa ô hợp ở Leicester. 4 năm trước, làn sóng phản đối dòng người di cư ở Leicester bị đẩy lên cao trào. Nhưng chính quyền thành phố cần cái gì đó mới mẻ để thúc đẩy kinh tế và đa dạng hóa sinh thái. Tất nhiên là nhóm thiểu số chẳng thể chống lại đám đông.

Họ chấp nhận sống cùng những nền văn minh khác, nhưng không tan chảy theo tảng băng trôi mà chỉ là những miếng dăm bông thái nhỏ trộn cùng lát khoai tây trong đĩa salad.

Một trang sử hào hùng đã khép lại ở Leicester - Ảnh 1.

Dân nhập cư chung suy nghĩ, vì chẳng ai muốn sinh sự hoặc gây chú ý nơi đất khách quê người, ảnh hưởng xấu tới lợi ích kinh tế. Cuối cùng, tất cả chọn phong cách sống như những con robot.

Leicester thoạt nhìn tưởng đa màu sắc, nhưng thực ra lại chẳng có chút sức sống nào. Ở đó, không tồn tại khái niệm "đoàn kết" hay "bản sắc", không phải vì quá nhiều phổ quát văn hóa trộn chung mà bởi con người tại đấy không có nhu cầu, ham muốn giao thoa văn hóa.

Gần 40 năm qua, tính từ thập niên 80, thời điểm dòng người nhập cư từ Pakistan và Ấn Độ tăng cao, Leicester đã sống trong khung cảnh này. Nhưng xuyên suốt quãng thời gian đó, bóng đá luôn nổi lên như công cụ khuấy động, kích động, xích con người ta lại gần nhau hơn.

Một trang sử hào hùng đã khép lại ở Leicester - Ảnh 2.

Riaz Khan, giáo viên 50 tuổi gốc Pakistan nhớ lại những ngày tháng hào hùng, khi bóng đá thực sự là đấng cứu thế của một thực thể xã hội. Ông gia nhập các nhóm hooligan, bẻ cong luận điệu cổ hủ của dư luận.

Ngày xưa, quãng những năm 83-84, thành phố Leicester hệt như bây giờ. Việc ai nấy làm nên vô tình sức sáng tạo bị bóp nghẹt. Hiếm khi nào người ta bắt gặp một xu thế mới mẻ bên ngoài lãnh địa Leicester trên đường phố hay cuộc sống thường ngày.

Các CĐV quá khích bèn cách tân trang phục của các hooligan. "Thay vì cởi trần, cạo trọc đầu và đi giày bốt cao, tại sao chúng ta không thay đổi", Khan nói. Dù bị gán mác "đầu đường xó chợ", "thành phần bất hảo" nhưng không quá lời khi bảo rằng, phần nhiều những gì mới mẻ nhất của thế giới bên ngoài du nhập vào Leicester đều nhờ các hooligan mà ra: Áo choàng đỏ Pringle, vòng cổ Lyle & Scott, quần bò mài, giày hộp Adidas trắng, giày bát-kết Burberry.

Một trang sử hào hùng đã khép lại ở Leicester - Ảnh 3.

Những người này di chuyển dọc tổ quốc, tới London gây gổ CĐV Tottenham và Arsenal, sang Manchester tuyên chiến với các manucian, ngược về Đông Bắc đánh lộn với nhóm người cổ vũ Newcastle trước khi quay lại Leicester bảo vệ Filbert Street, sân bóng cũ của Leicester.

Toàn hành động ngổ ngáo, nhưng hãy nghĩ theo hướng tích cực rằng va chạm là đặc tính cho sự phát triển của các nền văn minh. Cái tên Leicester dần thu hút sự chú ý của mọi người, và chẳng phải tự thân những cá thể bên trong Leicester phải thay đổi nhằm đáp ứng thời cuộc hay sao? Quá trình giao lưu, trao đổi diễn ra như một hệ quả tất yếu – đó là những ký ức của Khan về thập niên 80. "Thời ấy, ra đường nhìn ai cũng đặc biệt, cũng có những nét riêng chứ không như bây giờ", Khan chia sẻ.

Đầu thập niên 90, nguồn tiền chảy vào các đài truyền hình vệ tinh hay những đơn vị kinh doanh thể thao chuyên nghiệp. Chính phủ không còn sẵn lòng dọn dẹp đám tàn dư của những thảm họa bóng đá gây ra bởi hooligan. Những người đứng đầu quốc gia cần Premier League và mọi giải đấu khác tại Anh hiện lên với vẻ ngoại thật tinh khôi, nói cách khác là "đẹp không tì vết" nhằm mục đích quảng bá.

Một trang sử hào hùng đã khép lại ở Leicester - Ảnh 4.

Văn hóa hooligan biến mất, đưa bức tranh xã hội ở Leicester quay về thời nguyên thủy. Nhịp sống hối hả trở lại, và mỗi người tự tâm niệm rằng hãy sống vì bản thân. Khan chỉ là một trong nhiều hooligan "cải tà quy chính", phần vì không muốn tạo ra bi kịch, phần vì lý tưởng "làm đầu gấu" không còn phát huy tác dụng hợp nhất hóa dân chúng Leicester dưới mái nhà chung.

Khi Leicester làm nên lịch sử bằng chiến công hiển hách mùa 2015/16, Khan cùng người bạn tên Dave, để lộ ngực trần chi chít hình xăm dẫn đầu đoàn người hội tụ đủ 3 chủng tộc da trắng, da vàng, da đen. Từ Saffron Lane xuống Braunstone rồi kết thúc ở cổng Gallowtree, họ đồng thanh hô vang "Leicester".

Ông muốn tất cả hiểu rằng, chiến công của Leicester không phải của để dành cho riêng gì tầng lớp trung lưu da trắng hay thượng lưu da vàng, hai nhóm khán giả chủ đạo của Leicester. Không bao giờ thiếu cách thưởng thức, chỉ sợ không có trái tim rộng mở và tình yêu thuần khiết.

Một trang sử hào hùng đã khép lại ở Leicester - Ảnh 5.

Với những người yêu mến Leicester, danh hiệu không phải là tất cả. Thước phim lịch sử kia chỉ có ý nghĩa khi bóng đá làm tròn trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của nó từ lúc khai sinh, là chạm đến cuộc sống.

Craig Shakespeare không phải một tên tuổi trong làng huấn luyện. Nhưng ông đã gắn bó với Leicester trong 8 năm trên vai trò trợ lý, chứng kiến CLB này từ lúc ngấp nghé phá sản tới khi hồi sinh dưới sự đầu tư của chủ Thái, rồi sau đó là chuyến phiêu lưu 3 năm thăng 3 hạng rồi vô địch Premier League. Khi Ranieri ra đi, Craig Shakespeare lên tạm quyền, viết thêm một câu chuyện cổ tích khác khi giúp Leicester vào tứ kết Champions League và trụ hạng. Lần đầu tiên, Shakespeare được tiến cử làm HLV trưởng, dù ông đã có bằng huấn luyện từ 17 năm trước.

Nhưng rốt cuộc, số phận của kẻ đóng thế cũng chẳng khá khẩm hơn diễn viên chính là bao. Sau 8 vòng, Leicester chôn chân ở nhóm 3 đội bét bảng. "Lên đường" là bản án Shakespeare phải nhận.

Một trang sử hào hùng đã khép lại ở Leicester - Ảnh 6.

Một kết cục được báo trước và không tránh khỏi. Nhưng thời điểm trát sa thải Shakespeare phát ra, đó là lúc người ta biết rằng một trang sử của đội bóng đã khép lại. Ông là người cuối cùng của thế hệ những người cầm lái, đưa con tàu Leicester tới bến bờ hôm nay.