Một thập kỉ chia cắt, hôm nay biển đỏ vẫn gọi 4 tiếng “Dong Bang Shin Ki”

Chamie, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 25/01/2019

2009 đối với báo giới là một vụ kiện mang tầm vóc lịch sử để đem ra mổ xẻ, thì đối với người hâm mộ, đó là năm biển đỏ sáng rực rỡ nhất. Và ánh sáng đó kéo dài đến tận bây giờ.

Ra mắt vào năm 2003 với cú nổ mang tên “Hug”, 5 chàng trai được tuyển chọn từ những thực tập sinh xuất sắc nhất của SM Entertainment lúc bấy giờ đã vực dậy nền âm nhạc thần tượng Hàn Quốc đang trong trạng thái “ngủ đông” một thời gian dài. Nếu như 2008 được nhắc đến như thời kì đỉnh cao của DBSK tại Hàn Quốc với sự trở lại bùng nổ cùng “Mirotic”, thì 2009 lại khiến người hâm mộ nhớ đến hai thái cực trái ngược nhau trong sự nghiệp của nhóm nhạc huyền thoại này.

10 năm vụ kiện lịch sử chấn động cả Kpop

Cuối tháng 7/2009, ba thành viên Jaejoong, Yoochun và Junsu chính thức gửi đơn kiện SM Entertainment lên tòa án Seoul với yêu cầu chấm dứt “Hợp động độc quyền” của họ với công ty. Theo điều khoản trong hợp đồng, nếu đơn phương hủy bỏ hoạt động trước thời hạn sẽ phải đền bù gấp 3 lần số lợi nhuận công ty dự kiến thu được từ nhóm trong phần còn lại của hợp đồng. Đồng nghĩa với việc Jaejoong, Yoochun và Junsu sẽ phải đền bù hơn 100 tỉ won nếu thua kiện - một số tiền mà họ hoàn toàn không có khả năng trả được vào thời điểm đó.

Một thập kỉ chia cắt, hôm nay biển đỏ vẫn gọi 4 tiếng “Dong Bang Shin Ki” - Ảnh 1.

Đang trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, DBSK phải đối mặt với nguy cơ chia cắt vĩnh viễn

Ngay sau khi vụ kiện được công bố, cổ phiếu của SM Entertainment lập tức tuột dốc không phanh xuống 30%. Tháng 8/2009, fansite lớn nhất tại Hàn của DBSK đã phát động chiến dịch “Tẩy chay SM”, kêu gọi fan trên toàn thế giới không mua tất cả các sản phẩm do SM sản xuất. Ngay sau đó, hơn 120 000 chữ kí ủng hộ 3 thành viên được gửi đến phiên tòa, đồng thời Cassiopeia (fanclub chính thức của DBSK) đâm đơn kiện SM vì đơn phương hoãn “SM Town Live 09” mà không suy xét đến người hâm mộ.

Toàn châu Á đều hướng mắt về vụ kiện, những viễn cảnh đen tối liên tiếp mở ra với 5 chàng trai, những tin đồn thất thiệt không ngừng gây bất an và tuyệt vọng đối với người hâm mộ. Vụ kiện không chỉ tiết lộ sự thật gây sốc về những bản hợp đồng nô lệ, lật tẩy những mặt tối tăm phía sau nền công nghiệp Kpop, mà còn ngăn chặn và chấm dứt những bất công đằng sau sân khấu giữa công ty quản lí và người nghệ sĩ.

Một thập kỉ chia cắt, hôm nay biển đỏ vẫn gọi 4 tiếng “Dong Bang Shin Ki” - Ảnh 2.

Sau một thập kỉ, vụ kiện vẫn luôn được nhắc đến như một trong những sự kiện chấn động nhất lịch sử Kpop, vì những ảnh hưởng khủng khiếp mà nó đem lại cho ngành công nghiệp hào nhoáng này.

Nhưng 2009, biển đỏ vẫn sáng rực bên cạnh 5 chàng trai

Sau vụ kiện gây chia cắt vào tháng 12/2009 trở thành năm cuối cùng người hâm mộ được chứng kiến DBSK với đầy đủ 5 người đứng trên cùng một sân khấu. Mặc dù chứa đựng khoảng thời gian đen tối nhất trong sự nghiệp của mình, nhưng 2009 cũng chính là thời hoàng kim của DBSK tại Nhật Bản khi nhóm liên tiếp thiết lập được những kỉ lục chưa từng có nghệ sĩ Kpop nào làm được.

Với concert tour “The 4th Live Tour 2009 - The Secret Code”, DBSK đã thu hút hơn 500000 người hâm mộ với hơn 20 đêm diễn đi qua 11 thành phố lớn ở Nhật. Đặc biệt, với 2 đêm cuối cùng kết thúc tour diễn, DBSK còn trở thành nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên được biểu diễn tại “thánh đường” Tokyo Dome - địa điểm tổ chức concert lớn nhất Nhật Bản với hơn 55000 chỗ ngồi và vẫn luôn là địa điểm mơ ước của các idol Hàn khi Nhật tiến.

Một thập kỉ chia cắt, hôm nay biển đỏ vẫn gọi 4 tiếng “Dong Bang Shin Ki” - Ảnh 3.

"Thánh đường" Tokyo Dome rực sáng trong năm DBSK tổ chức concert lần đầu tiên tại đây

Bên cạnh đó, single tiếng Nhật thứ 25 của DBSK mang tên “Bolero/Kiss The Baby Sky/Wasurenaide” ra mắt vào tháng 01/2009 đã chiếm vị trí thứ 1 trên BXH tuần Oricon. Điều này đã giúp DBSK trở thành nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên có đến 5 ca khúc đạt No.1 trên BXH này. Còn đối với Cassiopeia, “Bolero” không chỉ là ca khúc khẳng định vị thế của DBSK tại thị trường âm nhạc lớn thứ 2 thế giới, mà còn là bản “thánh ca” hòa âm hoàn hảo nhất của 5 chàng trai trên sân khấu Tokyo Dome năm nào.

"Bolero" - DBSK (The Secret Code - Tokyo Dome)

Mặc dù vướng vào vụ kiện từ tháng 7 và không có nhiều hoạt động cuối năm, nhưng 2009 vẫn là năm DBSK đạt được những cột mốc doanh thu không tưởng. Chỉ riêng ở Nhật, nhóm đã kiếm được khoảng 76 triệu USD (đứng thứ 3 về doanh thu, chỉ xếp sau 2 ban nhạc hàng đầu Nhật Bản là Arashi và Exile). Tính cả thị trường châu Á, DBSK đã mang về cho SM khoảng 110 triệu USD, trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc có doanh thu cao nhất 2009, gấp đôi vị thứ thứ 2 là Bi Rain với khoảng 57 triệu USD.

Từ 2009 đến 2019, trong suốt một thập kỉ công chúng không ngừng hoài nghi về hai tiếng “huyền thoại” có còn xứng với DBSK, thì họ và Cassiopeia vẫn tiếp tục vẽ ra những kỉ lục mới trên bản đồ Kpop. 2009 đối với báo giới là một vụ kiện mang tầm vóc lịch sử đáng đem ra mổ xẻ, thì đối với người hâm mộ, đó là năm biển đỏ sáng rực rỡ nhất. Và ánh sáng đó kéo dài đến tận bây giờ.

Một thập kỉ chia cắt, hôm nay biển đỏ vẫn gọi 4 tiếng “Dong Bang Shin Ki” - Ảnh 5.

Một thập kỉ trôi qua, hình ảnh DBSK 5 người đứng chung một sân khấu vẫn là kí ức đẹp nhất trong lòng người hâm mộ