Hoàng Tử Bé - Khi tuổi thơ mãi mãi là điều kì diệu

Hiếu Chấy, Theo Trí Thức Trẻ 15:06 10/01/2016

Đẹp đẽ đến rùng mình và sâu sắc đến kì diệu, "Hoàng Tử Bé" (The Little Prince) thực sự là một tác phẩm nổi bật của năm 2015 mà bạn không nên bỏ lỡ.

Xuất hiện khá lặng lẽ giữa một kỉ nguyên phim hoạt hình rộn rã của Disney, Pixar hay Dreamworks, lại còn gánh lên vai rất nhiều sự kì vọng do là một phiên bản chuyển thể của cuốn sách dành cho trẻ em vốn được yêu thích qua nhiều thế hệ, việc nhiều người lo ngại The Little Prince sẽ trở thành một nỗi thất vọng là hoàn toàn có cơ sở. Ấy thế nhưng, bộ phim hoạt hình lộng lẫy này đã trở thành một làn gió mới của năm 2015, làm sống dậy những trang sách ngộ nghĩnh về câu chuyện của tuổi thơ một thời. Không chạy theo phong trào “kéo dài nội dung” lố bịch như những bộ phim chuyển thể đi trước, The Little Prince của đạo diễn Mark Osborne là một tập hợp những khung hình tuyệt mĩ được dựng lên từ một tập kịch bản được đầu tư chỉn chu, là một lời tri ân chân thành đến tác giả Antoine de Saint-Exupery.

Hoàng Tử Bé - Khi tuổi thơ mãi mãi là điều kì diệu - Ảnh 1.

Được xuất bản một năm trước khi Saint-Exupery mất tích trong chiếc Lockheed P-38 của ông ở Corsica, The Little Prince đã được ông sáng tác khi nhớ lại một tai nạn máy bay của bản thân khi đang cố đánh bại kỉ lục trong một cuộc đua Paris – Sài Gòn và rơi xuống ở sa mạc Sahara. Từ đó, dưới ngòi bút sắc sảo và đầy nét dí dỏm của mình, Saint-Exupery đã vẽ lên câu truyện của một phi công gặp nạn bỗng nhiên chạm mặt với một cậu bé tóc vàng nơi sa mạc hoang vu. Cậu bé tự nhận là một cư dân ở một hành tinh nhỏ (#B-612), sau những chuyến hành trình bất tận của mình đã đặt chân xuống Trái Đất.

Hoàng Tử Bé - Khi tuổi thơ mãi mãi là điều kì diệu - Ảnh 2.

Tác giả Antoine de Saint-Exupery.

Cuốn sách The Little Prince thuật lại những chuyến phiêu lưu “vượt hành tinh” của chàng hoàng tử nhỏ, kể lại những câu chuyện mà cậu chứng kiến, những gương mặt mà cậu làm quen, cũng như chứa đựng những nội dung triết lý sâu xa được sắp đặt một cách rất ngộ nghĩnh.

Hoàng Tử Bé - Khi tuổi thơ mãi mãi là điều kì diệu - Ảnh 3.

Tuy nhiên, từng đó vẫn chưa đủ để có thể dựng lên một bộ phim hoàn chỉnh dài gần 2 tiếng đồng hồ. Vào năm 1974, nhà sản xuất Stanley Donen cũng đã cố gắng đưa cuốn truyện lên màn ảnh nhưng cuối cùng, nó chỉ là một tác phẩm nhạt nhòa với những màn ca hát kéo dài từ đầu chí cuối. May mắn thay, trong phiên bản lần này, The Little Prince đã được đạo diễn tài ba Mark Osborne (Kung Fu Panda) và biên kịch Irena Brignull (The Boxtrolls) cũng như Bob Persichetti khéo léo lồng ghép trong một câu chuyện được đặt giữa xã hội hiện đại ngày nay.

Hoàng Tử Bé - Khi tuổi thơ mãi mãi là điều kì diệu - Ảnh 4.

Chúng ta được làm quen với một cô bé tối ngày chỉ biết cúi đầu trước sách vở, sống cùng một người mẹ cũng nghiêm ngặt không kém trong việc chuẩn bị cho con gái mình một vị trí ở một trường học danh giá, nơi sẽ rèn đúc bộ não của những đứa trẻ thành những hình khối góc cạnh, và biến chúng thành những người lớn xám màu của một xã hội xám màu. Mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi cô bé làm quen với một ông già phi công lập dị ở nhà bên, và từ đó khám phá dần những trang sách rời rạc về một chàng Hoàng Tử Bé được ông ghi lại.

Hoàng Tử Bé - Khi tuổi thơ mãi mãi là điều kì diệu - Ảnh 5.

 Ông Vua trị vì trên một hành tinh không người ở

Những nhân vật đặc biệt của cuốn truyện cũng đã được giới thiệu đầy đủ trong bộ phim như bông hồng trơ trọi của cậu chàng Hoàng Tử hay những con người cậu gặp trên chuyến hành trình: Người Đàn Ông Tự Cao luôn mong muốn nhận được sự tung hê; Ông Vua trị vì trên một hành tinh không người ở; Người Doanh Nhân luôn muốn chiếm lấy tất cả những vì sao trên trời; con rắn sa mạc và cả chú cáo hoang mong muốn được thuộc về.

Hoàng Tử Bé - Khi tuổi thơ mãi mãi là điều kì diệu - Ảnh 6.

The Little Prince là một câu chuyện về những đứa trẻ phía bên trong tâm hồn của mỗi người lớn. Bộ phim không chỉ dừng lại ở những trang giấy của tác giả Antoine de Saint-Exupery mà còn khai thác nó sâu hơn nữa, thiết lập nên một cái kén vững chắc để thêm một lần tạc lại những điều mà cuốn sách gửi gắm: ai cũng phải lớn lên và già đi, nhưng họ không bao giờ biến mất mà sẽ mãi mãi ở bên trong trái tim những người quan tâm đến họ. Sẽ có lúc con người bị cuốn đi bởi guồng quay của cuộc sống tấp nập, bộn bề và dường như họ đã đánh mất một phần con người của mình, nhưng họ luôn luôn có thể tìm lại. Cuộc hành trình của cô bé không tên có đưa người xem vào những cảm xúc thân thuộc nhưng tựa như mới nguyên, khi thực khi ảo hòa trộn lẫn nhau.

Hoàng Tử Bé - Khi tuổi thơ mãi mãi là điều kì diệu - Ảnh 7.

Nhiều người có thể ví von The Little Prince là một bữa đại tiệc về mặt hình ảnh. Người xem được tận hưởng những thước phim 3D được thực hiện sống động, sắc nét và cũng bị hớp hồn bởi những phút giây khi đạo diễn đưa chúng ta về những khung cảnh stop-motion được nặn bằng tay độc đáo. Những gì đạo diễn đã làm khi miêu tả câu chuyện về Hoàng Tử Bé dường như là một sự tôn trọng và tri ân bản gốc của tác giả, tôn trọng những gì nhà văn đại tài Antoine de Saint-Exupery đã từng tưởng tượng khi lần đầu tiên chắp bút vẽ lên những trang truyện. Vẻ đẹp của bộ phim không nằm ở việc được đầu tư kĩ xảo quá công phu mà nó nằm ở sự thơ mộng, ấm áp được thể hiện độc đáo, được đầu tư cực kì nghiêm túc bởi những bộ não và những trái tim tâm huyết.

Hoàng Tử Bé - Khi tuổi thơ mãi mãi là điều kì diệu - Ảnh 8.

Kịch bản của bộ phim có vẻ như hơi dễ đoán, nhưng khi nói đến một tác phẩm chuyển thể như thế này, người xem không thật sự mong chờ một “cú sốc” hay một sự thay đổi lớn trong mạch truyện. Tất cả những gì họ cần, là được đắm mình trong không gian ảo diệu của một phần tuổi thơ, được sống lại những gì họ đã trải qua một thời, được tắm đã dưới thông điệp ngọt ngào mà cái tên The Little Prince muốn đem lại. Và theo một cách nào đó, bộ phim đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.

Hoàng Tử Bé - Khi tuổi thơ mãi mãi là điều kì diệu - Ảnh 9.

Con cáo và Hoàng tử bé