Mẹ chồng: Nhân vật "muôn màu muôn vẻ" trên màn ảnh thế giới

Nguyễn Vân, Theo Trí Thức Trẻ 19:03 29/06/2017

Dù cách thức thể hiện có khác nhau, nhưng hình ảnh "người mẹ chồng" trong văn hóa phim ảnh của nhiều nước vẫn có điểm chung: mối quan hệ nhiều bất ổn với con dâu.

Mẹ chồng - nàng dâu luôn là một trong những mối quan hệ được ví von, bàn luận nhiều nhất trong sơ đồ quan hệ cơ bản của con người. Thường thì trong trường hợp này, mẹ chồng vẫn là người được cho là "kẻ phản diện" gây ra nỗi khổ cho các cô con dâu.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 1.

Mẹ chồng đã bị gán với định kiến là "kẻ thù" của con dâu trên màn ảnh

Trong các bộ phim về mẹ chồng – nàng dâu được sản xuất ở các nước trên thế giới, từ đông cho tới tây, từ châu Á cho đến châu Âu, người mẹ đặc biệt này vẫn giữ vững hình tượng là "kẻ xấu". Chỉ có khác chăng, là tùy thuộc vào đặc trưng văn hóa xã hội ở mỗi quốc gia mà cách xây dựng độ "tinh quái" của nhân vật được gia giảm nặng nhẹ khác nhau.

Mỹ: những bà mẹ chồng tinh quái, đáo để và máu lạnh

Nổi tiếng với tư tưởng tự do, phóng khoáng là thế. Nhưng trong văn hóa Âu Mỹ, mẹ chồng vẫn là một nhân vật khá phức tạp. Cụm từ "mother-in-law" (mẹ chồng trong tiếng Anh) thậm chí đã được chơi chữ thành "monster-in-law" (Quái vật nhà chồng) trong bộ phim cùng tên. Thế mới biết, các cô con dâu phương Tây cũng vất vả và khổ sở không kém gì những người chị em của mình bên kia bán cầu.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 2.

Phim Monster in Law (2005)

Trong loạt phim truyền hình Son of Anarchy, nhân vật Gemma – mẹ của nhân vật chính Jax cũng có nhiều mâu thuẫn với cô con dâu của mình. Xung đột đến mức cho đến mùa phim thứ 7, Gemma đã nhẫn tâm giết chết đứa con dâu và ngang nhiên trở thành nhân vật chính.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 3.

Bà mẹ giang hồ của Son of Anarchy

Hay đến cả phim truyền hình giả tưởng như Game of Thrones cũng "tranh thủ" tạo ra một bà mẹ chồng nổi tiếng không kém. Cersei Lannister không chỉ chứng tỏ bản thân là một bà hoàng tàn bạo mà còn là một bà mẹ chồng cay nghiệt không kém. Lần lượt cả hai cô con dâu, Sansa Stark và đặc biệt là nàng Margaery xinh đẹp, đều trải qua những "bất hạnh" khi về làm dâu nhà Lannister.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 4.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 5.

Thông minh như nàng Margaery cũng không thể "đối phó" được với mẹ chồng Cersei

Bình dị và gần gũi hơn, là trong những năm 1967 – 1969, Mỹ đã sản xuất cả một phim truyền hình có tên The Mother-in-law. Phim khắc họa những tình huống xảy ra giữa hai nhà hàng xóm bỗng trở thành thông gia của nhau. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng – con dâu được tập trung khai thác với vai trò vừa là yếu tố gây cười vừa là tác nhân gây ra những điều tréo ngoe.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 6.

Phim truyền hình "Sống chung với mẹ chồng" kiểu Mỹ

So với các nước khác, hình tượng mẹ chồng trong các phim Hollywood thường được khắc họa theo hai xu hướng chính. Một là, họ sẽ được "phóng đại" với các hành động quái chiêu, gàn dở để gây cười cho người xem. Hai là, họ sẽ từ những "bà mẹ" bình thường dần dần lột xác, trở thành những kẻ sát nhân. Và nạn nhân đầu tiên, không ai khác chính là con dâu.

Hàn Quốc: Mẹ chồng khó tính và nói nhiều

Thường thì sau giai đoạn quen biết và trải qua thăng trầm lúc yêu đương, mặn nồng chưa được bao lâu thì hai nam nữ chính thanh tú của chúng ta sẽ sớm bước vào thử thách "có thể chia rẽ họ mãi mãi". Và kẻ gây ra điều đó, không ai khác chính là: mẹ của các nam chính.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 7.

Mẹ của nam chính - một "biến thể" của mẹ chồng trong các phim Hàn với chiêu thức "năn nỉ" các cô gái bỏ con trai mình

Gả vào nhà giàu sung sướng, chỉ khổ vì mẹ chồng với Làm dâu nhà giàu (2015). Nữ chính bước chân vào danh gia vọng tộc, không chỉ phiền hà vì quan hệ với chồng mà còn gặp rắc rối vì mẹ chồng. Đây cũng là mô típ khá quen thuộc trong các bộ phim có yếu tố "hôn nhân ép buộc".

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 8.

Khi nâng cấp thành mẹ chồng, thì mọi chuyện còn kinh khủng hơn

Gần gũi, bình dị với công chúng hơn thì có những loạt phim như Những nàng công chúa nổi tiếng, Chuyện nàng dâu… Nội dung phim thường khắc họa những xung đột, mâu thuẫn thường nhật giữa những người phụ nữ thuộc nhiều thế hệ trong một gia đình. Một bên là những mẹ chồng truyền thống, còn một bên là những cô con dâu hiện đại.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 9.

Tuy nhiên, xung đột trong mối quan hệ này vẫn được xây dựng khá nhân văn trong nhiều phim

Trong phim Hàn, hình tượng mẹ chồng được xây dựng là những người phụ nữ lớn tuổi, luôn muốn giữ gìn quan niệm và cách sống xưa cũ. Xung đột quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong phim Hàn như là lời ngụ ý cho khoảng cách thế hệ, một ví dụ trong một gia đình nhưng ám chỉ cho cả xã hội.

Nhật Bản: mẹ chồng nghiêm nghị, nói ít hiểu nhiều

Dù không phải là chủ đề ưa chuộng nhưng vấn đề mẹ chồng - nàng dâu cũng từng xuất hiện trong vài tác phẩm phim ảnh của xứ sở hoa anh đào. Đài truyền hình Fuji Television Network từng sản xuất bộ phim Mẹ chồng nàng dâu và đã phát sóng ở Việt Nam năm 2014.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 10.

Mẹ chồng giỏi giang, con dâu tháo vát là điển hình của phim Nhật

Nội dung phim là câu chuyện trong nội bộ một gia đình làm nghề kinh doanh quán trọ với truyền thống lâu đời. Cuộc chiến của mẹ chồng và nàng dâu trong lữ quán Nhật truyền thống vẫn tiếp diễn với những mâu thuẫn gần như không gì có thể dung hòa được giữa hai người phụ nữ: mẹ chồng - người nữ chủ nhân lữ quán lâu đời và cô con dâu - một phụ nữ công việc, hiện đại luôn muốn trở thành nữ chủ nhân quán trọ của gia đình chồng.

Cũng giống như phim Hàn, mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu vẫn là ngụ ý cho sự khác biệt giữa hai thế hệ. Và khi đặt vào bối cảnh giữa hai con người không máu mủ, được kết nối với nhau thông qua hôn nhân, thì mâu thuẫn ấy mới có cơ hội nảy sinh, bùng cháy dữ dội.

Hồng Kông: mẹ chồng khó ưa nhưng biết thay đổi

Màn ảnh xứ Cảng Thơm cũng đã có rất nhiều bộ phim nói về quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Hình tượng mẹ chồng trong phim TVB cũng rất "khó ưa" với tính tình khắc nghiệt, xét nét và chuyên tìm cách phá bĩnh quan hệ giữa con trai với con dâu. Tuy nhiên, các bà mẹ chồng này không phải "sinh ra đã ác". Họ chỉ xung đột, tranh chấp với con dâu vì sự bất đồng giữa hai người phụ nữ chưa có dịp tiếp xúc nhiều với nhau.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 11.

Mẹ chồng khó tính (2005)

Bạn có thể tìm xem: Mẹ chồng khó tính (2005), Công Chúa giá đáo (2010), Sức mạnh tình thân… để trải qua những hành trình đầy thăng trầm trong việc hiểu và tìm ra tiếng nói chung giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 12.

Công chúa giá đáo (2010) với Xa Thi Mạn đóng chính

Trung Quốc: Mẹ chồng với truyền thống "tàn ác"

Ở Trung Hoa, mẹ chồng đã có riêng cho mình một lịch sử "khét tiếng" lâu đời. Bạn có thể tìm xem các bộ phim về cung đấu để thấy rõ nét nhất quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn đã chất chứa nhiều vấn đề ngay từ thời xa xưa. Mẹ chồng – mẹ của vua và lúc này đã mang danh hiệu Thái hậu mới được xem là bà chủ quyền lực nhất của hậu cung. Trong khi các con dâu của bà, từ hoàng hậu cho tới các phi tần, dù có căm hận ra sao thì cũng đều phải "nể mặt dè chừng".

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 13.

Mẹ chồng Độc Cô Thái Hậu (Đới Xuân Vinh) và con dâu Mã Phức Nhã (Lâm Tâm Như) trong "Khuynh thế hoàng phi"

Ấn Độ: Đặc sản truyền kỳ mang tên "mẹ chồng"

Phim Ấn Độ, đặc biệt là phim truyền hình có hai đặc điểm lớn nhất: dài hàng nghìn tập và mẹ chồng thì xuất hiện gần như chẳng sót tập nào. Thậm chí, cây bút Alessandra Stanley của tờ Nytimes đã khẳng định: "Trên các phim dài tập ở Ấn Độ, khi một cô gái nói ‘Đồng ý’ tức là có nghĩa cô ấy đã chấp nhận vinh danh và nghe lời mẹ chồng".

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 14.

Saas – mẹ chồng trong tiếng Ấn là "đặc sản" không thể thiếu trong các phim truyền hình ngàn tập của quốc gia này

Những bộ phim dài kỳ, dù tên gọi có khác nhau, chuyện tình yêu của nam nữ chính có thay đổi thế nào, thì mẹ chồng vẫn là điều "bất di bất dịch". Thậm chí, ở Ấn Độ, "mẹ chồng" còn được xếp hẳn vào mục Những kẻ phản diện ghê gớm nhất trên phim.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 15.

Thậm chí, họ có nhiều mẹ chồng tới mức phải lập ra danh sách Những mẹ chồng nổi tiếng nhất để phân loại. Và đây là 6 bà mẹ trong số đó

Ở Ấn Độ, phim về mẹ chồng không chỉ đơn thuần là nét văn hóa mà còn là hình ảnh phản ánh thực trạng xã hội. Các gia đình nhiều thế hệ vẫn chiếm tỉ lệ cao trong xã hội Ấn hơn là những gia đình hạt nhân chỉ gồm cha mẹ - con cái. Phụ nữ Ấn, từ nội trợ cho tới công chức, tri thức đều thích xem phim dài tập và họ thích những bộ phim có "các nhân vật thể hiện tâm trạng giống với họ, đặc biệt nhất là mẹ chồng con dâu". Ở trong xã hội còn trọng nam nhiều như Ấn Độ, phim ảnh trở thành công cụ giải tỏa tâm sự, khát vọng và ước ao của chính những người phụ nữ.

Mẹ chồng: Nhân vật muôn màu muôn vẻ trên màn ảnh thế giới - Ảnh 16.

Đây là Lalitha Pawar – nữ diễn viên được mệnh danh là "bà mẹ chồng ác quỷ" trên màn ảnh Ấn Độ. Bà đã đóng rất nhiều vai mẹ chồng trong suốt 20 năm, khi ở độ tuổi từ 50 đến 70

Vợ tôi là cảnh sát, Bí mật gia đình họ Khan, Mẹ chồng hắc ám, Nhà có 7 mẹ chồng, Cô dâu 8 tuổi… đều đặt quan hệ mẹ chồng – nàng dâu làm trọng tâm chính. Ở Ấn Độ, mẹ chồng không phải là trò đùa trên truyền hình. Mà mẹ chồng chính là luật.

Tuy nhiên, khi ngày xưa Saas (mẹ chồng) là kẻ thù của Bahu (con dâu). Thì nay, phim Ấn đã thay đổi, chuyển mối quan hệ của họ trở thành những người bạn, chị em thân thiết nhiều hơn.