Mặc Yakult bán đắt như tôm tươi, người Nhật vẫn quyết giữ mẫu hộp bé tí “kém xinh” này là vì sao?

Trà My, Theo Nhịp Sống Việt 14:17 14/10/2019

Đừng bực bội khi phải sử dụng sữa chua Yakult với kích cỡ “tí hon”. Mục đích hoàn toàn vì sức khỏe người tiêu dùng thôi!

Sữa chua Yakult không còn xa lạ gì với chúng ta. Thuở bé, đây là món ưa thích của cả con nít lẫn phụ huynh, với tâm lý ăn bao nhiêu cũng được, càng ăn càng bổ. Nó nổi tiếng với việc không chứa chất bảo quản, chứa hàng tá lợi khuẩn, mang "trọng trách" là nguồn hy vọng giúp mọi người mạnh khỏe hơn - như lời tuyên bố của cha đẻ Yakult - bác sĩ người Nhật Shirota.

Mặc Yakult bán đắt như tôm tươi, người Nhật vẫn quyết giữ mẫu hộp bé tí “kém xinh” này là vì sao? - Ảnh 1.

Kể cả khi lớp trẻ con ngày ấy lớn lên, Yakult vẫn bền vững tồn tại với độ yêu thích chỉ có hơn chứ không có nhất. Ngoài lợi ích sức khỏe, vị Yakult còn thanh nhẹ, thơm tự nhiên nên rất được ưa chuộng trong công nghiệp đồ uống. Từ đầu năm nay, Yakult đã là ngôi sao mới nổi trong làng trà sữa, khi các công thức với sữa chua lần lượt ra đời, được săn đón hơn hẳn khi người ta đã quá ngán ngấy vị béo, ngọt của trà sữa thông thường.

Mặc Yakult bán đắt như tôm tươi, người Nhật vẫn quyết giữ mẫu hộp bé tí “kém xinh” này là vì sao? - Ảnh 2.

Vậy nhưng đây - bí ẩn lớn nhất của thời đại - tại sao đắt hàng như vậy mà sữa chua Yakult chỉ bán trong hộp bé tí, uống chẳng "đã" chút nào? Bạn chỉ có thể mua Yakult theo lốc, với các hộp dung tích 100ml, nhỏ bằng một nửa các loại sữa thông thường. Các hàng trà sữa muốn pha Yakult cũng phải… bóc từng lọ nhỏ một, chứ không có chuyện mua sỉ.

Mặc Yakult bán đắt như tôm tươi, người Nhật vẫn quyết giữ mẫu hộp bé tí “kém xinh” này là vì sao? - Ảnh 3.

Khoan "buộc tội" nhà sản xuất kém tâm lý nhé! Kì thực, đây đã là truyền thống suốt 70 năm qua của Yakult, và mục đích của nó hoàn toàn hướng về lợi ích khách hàng. Vì là sữa chua lên men tự nhiên, không chất bảo quản, nên Yakult không thể tiếp xúc lâu với không khí. Nếu không, các lợi khuẩn sẽ biến chất và gây hại hệ tiêu hóa.

Do đó, hãng quyết định chỉ làm lọ 100ml, với hai mục đích: Nhỏ vừa đủ để uống hết một lần, không bỏ dở gây biến đổi dinh dưỡng bên trong. Ngoài ra, đây là lượng hoàn hảo cho cơ thể người mỗi ngày, uống lọ to hơn lại thành dư thừa.

Mặc Yakult bán đắt như tôm tươi, người Nhật vẫn quyết giữ mẫu hộp bé tí “kém xinh” này là vì sao? - Ảnh 4.

Rõ ràng, Yakult hoàn toàn có thể sản xuất lọ to và bán được nhiều sản phẩm hơn, nhưng phương châm của hãng lại không ưu tiên lợi nhuận. Khi xây dựng Yakult, bác sĩ Shirota chỉ mong muốn đem lại phương thức tiêu hóa hữu hiệu cho người lao động Nhật Bản, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng trăm "Yakult Lady" (những người nhận nhiệm vụ giao sữa chua đến các nhà máy, trường học ở Nhật). Những hộp sữa chua tí hon vừa giúp đảm bảo sức khỏe cho người dân, vừa khiến việc giao hàng của nhân viên nhẹ nhàng hơn – đây mới là giá trị cộng đồng mà Yakult hướng tới.

Nguồn: Goody Feed, Net News