Ly hôn sau khi chồng chết: Phụ nữ Nhật Bản thật sự tuyệt tình hay để giảm bớt gánh nặng trên vai người vợ

Yu, Theo Helino 02:31 20/12/2019

Sau cái chết của người chồng, mối quan hệ hôn nhân cũng chấm dứt. Đằng sau sự việc này là những cái thở dài bất lực vô tận.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều trường hợp “ly hôn sau khi chết” xảy ra ở Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ tư pháp Nhật Bản, từ năm 2005 đến năm 2015, số lượng đơn xin “ly hôn sau khi chết” đã tăng 1,5 lần trong 10 năm. Đây là sự gia tăng đáng kể và hầu hết đều xuất phát từ phái nữ.

“Ly hôn sau khi chết” đề cập đến việc chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp sau cái chết của người chồng, hoặc người vợ. Việc ly hôn vốn dĩ cần chữ ký của cả hai vợ chồng nhưng vì người phối ngẫu đã chết, trên thực tế mối quan hệ với bố mẹ, anh chị em của đối phương sẽ bị cắt đứt. Luật dân sự Nhật Bản quy định, khi người phối ngẫu qua đời, họ có thể đơn phương nộp đơn xin chấm dứt quan hệ hôn nhân và kết thúc mối quan hệ với gia đình bên kia.

Như chúng ta đã biết, Nhật Bản là một quốc gia lâu đời, tuổi thọ trung bình của người Nhật năm 2017 là 81,09 tuổi với nam giới và 87,26 đối với nữ giới. Dù các người vợ thường trẻ hơn chồng nhưng người chồng có xu hướng qua đời trước. Sau cái chết của chồng, nếu bố mẹ chồng lẫn bố mẹ ruột đều vẫn còn sống thì áp lực lo lắng cho họ rất cao. Không chỉ vậy, người phụ nữ còn phải duy trì mối quan hệ với họ hàng nhà chồng. Điều này vẫn ổn với những người vợ có mối quan hệ tốt với gia đình chồng nhưng với nhiều người khác, việc này thật sự tồi tệ.

Ly hôn sau khi chồng chết: Phụ nữ Nhật Bản thật sự tuyệt tình hay để giảm bớt gánh nặng trên vai người vợ - Ảnh 1.

Ly hôn sau khi chồng chết có thể giảm bớt một phần gánh nặng tinh thần lẫn vật chất trên vai người phụ nữ.

Theo trang Asahi Shimbun của Nhật Bản, một người phụ nữ 43 tuổi sống ở tỉnh Mie, đã nộp đơn xin ly hôn sau khi chồng mất được 3 năm. Năm ngoái, khi bố chồng vừa qua đời, cảnh sát xác định chồng cô là con trai duy nhất nên sẽ phải tổ chức tang lễ cho bố, và vì chồng đã qua đời 3 năm trước, cô phải thực hiện nghĩa vụ này thay chồng.

Dù cô rất hợp tính và thương mẹ chồng nhưng đối mặt với áp lực với tang lễ của bố chồng và họ hàng bố chồng, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt đứt mối quan hệ hôn nhân, giảm bớt một phần gánh nặng tinh thần cho bản thân.

Trong một trường hợp khác, Aiko Kogenm 59 tuổi cũng đề nghị được “ly hôn sau khi chết”. Vì người ngoại tình là chồng, cô không có cách nào chấp nhận nổi nhưng không thể ly hôn khi chồng còn sống.

Năm 2011, khi người chồng nhập viện vì ung thư, cô đã bỏ qua những hoài nghi trước đây và chăm sóc chồng thật tốt. Nhưng ngay khoảnh khắc chồng qua đời, cô lại quyết định từ bỏ cuộc sống của một người vợ. Sau khi lên mạng tìm kiếm thông tin, cô biết được mình vẫn có thể “ly hôn sau khi chết”. Cô lập tức nộp đơn mà không có chút do dự nào.

Ly hôn sau khi chồng chết: Phụ nữ Nhật Bản thật sự tuyệt tình hay để giảm bớt gánh nặng trên vai người vợ - Ảnh 2.

Sau khi chồng qua đời, gánh nặng chăm sóc gia đình đè nặng lên vai những người vợ.

Yoko Suzuki, 58 tuổi, gần đây cũng có mong muốn “ly hôn sau khi chết”. Cô lấy chồng đã 28 năm và 15 năm trong khoảng thời gian đó cô đã dành cho mẹ chồng. Hai vợ chồng đều có công việc đàng hoàng nhưng vì chồng nghiện game, tiền lương hàng tháng không đủ chi tiêu cho thú vui của anh ta. Chi phí sinh hoạt của cả gia đình đè nặng lên Yoko.

Ba năm trước, mẹ chồng cô bị nhồi máu não đột ngột, để lại di chứng liệt nửa người. Yoko đối mặt với tình trạng phải vừa chăm sóc con cái, vừa chăm sóc mẹ chồng. Điều tồi tệ hơn là, người chồng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và chết ngay sau đó. Người chồng không để lại tài sản gì cả và mọi chi phí điều trị cho mẹ chồng đều do Yoko thanh toán.

Biết chồng vẫn còn một đứa em trai, Yoko đã quyết định “ly hôn sau khi chết”, cắt đứt quan hệ với gia đình chồng và giao nghĩa vụ chăm sóc mẹ chồng cho em trai chồng.

Thủ tục “ly hôn sau khi chết” rất đơn giản, không cần sự đồng ý hay cho phép của bất kỳ ai, không giới hạn thời gian, miễn là chồng hoặc vợ đã chết, thì người còn lại có thể nộp đơn bất kỳ lúc nào. Người thân không có quyền từ chối cũng như không được thông báo.

Theo luật pháp Nhật trước đây, ngay cả khi chồng qua đời, người vợ không thể ly hôn, tái hôn hay rời khỏi ngôi nhà chung mà không có sự đồng ý của chủ hộ. Năm 1947, luật pháp được sửa đổi, chế độ “ly hôn sau khi chết” được thiết lập. Vào thời điểm đó, khi người chồng mất, quan hệ hôn nhân tự động chấm dứt nhưng vẫn có thể giúp đỡ bố mẹ chồng.

Ly hôn sau khi chồng chết: Phụ nữ Nhật Bản thật sự tuyệt tình hay để giảm bớt gánh nặng trên vai người vợ - Ảnh 3.

Theo luật pháp Nhật trước đây, ngay cả khi chồng qua đời, người vợ không thể ly hôn, tái hôn hay rời khỏi ngôi nhà chung mà không có sự đồng ý của chủ hộ.

Lợi ích lớn nhất của "ly hôn sau khi chết" là mối quan hệ với gia đình của người kia bị cắt đứt. Nếu bố mẹ hoặc người thân của người kia cần hỗ trợ, họ có thể được giảm nhẹ trách nhiệm và nghĩa vụ một cách hợp lý. Hoặc nếu người thân của gia đình bên kia phạm pháp hoặc gây nợ, “ly hôn sau khi chết” có thể giúp tránh những rủi ro tiềm ẩn.

Tiếp theo là việc chôn cất sau khi chết. Với những người không thể hòa hợp với gia đình đối phương, khi quan hệ hôn nhân được xóa bỏ, họ sẽ không chôn cất cùng nhau và còn thoát khỏi nghĩa vụ chăm nom nghĩa trang gia đình.

Và sau cuối, “ly hôn sau khi chết” không ảnh hưởng đến việc thừa kế tài sản. Ví dụ, nếu người chồng chết và vợ đề nghị chấm dứt quan hệ hôn nhân thì đó chỉ là vài dòng ghi chép trong hộ khẩu, hoàn toàn không xóa bỏ tên người vợ khỏi hộ khẩu. Điều này có nghĩa là người vợ vẫn còn quyền thừa kế tiền bạc của chồng.

Ly hôn sau khi chồng chết: Phụ nữ Nhật Bản thật sự tuyệt tình hay để giảm bớt gánh nặng trên vai người vợ - Ảnh 4.

Thủ tục "ly hôn sau khi chết" cũng rất đơn giản.

Mặt khác, “ly hôn sau khi chết” cũng mang đến nhiều vấn đề. Chế độ này chỉ là “đường một chiều”, nghĩa là một khi các thủ tục được gửi đi thì sẽ không thể đảo ngược, không thể khôi phục quan hệ hôn nhân. Về mặt lý thuyết, mặc dù có thể khôi phục mối quan hệ với các thành viên gia đình người kia nhưng thực tế thì không.

Hơn nữa, sau khi quan hệ hôn nhân bị chấm dứt, không những không thể tham gia một số hoạt động kỷ niệm của gia đình bên kia, mà còn rất bất tiện khi tiếp xúc thân cận với họ.

Vì gánh nặng của cuộc sống, người dân nước Nhật không thể không dùng đến cách thức “ly hôn sau khi chết”. Hiện tại, ở Nhật Bản không có nhiều phản đối việc “ly hôn sau khi chết”. Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý là nuôi dưỡng người cao tuổi, nhưng nếu hệ thống chăm sóc công hiện đại và vận hành tốt thì đây cũng không phải là gánh nặng.

Nguồn: Sohu