Loving Vincent - Kiệt tác hình ảnh không thể bỏ qua

Splendid River, Theo Trí Thức Trẻ 18:00 29/09/2017

Tác phẩm hoạt hình "Loving Vincent" sắp được ra mắt là một kiệt tác hình ảnh về cuộc đời của cố họa sĩ nổi tiếng Vincent Van Gogh.

65.000 bức tranh sơn dầu được thực hiện bởi hơn 100 họa sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, đó chính là những con số đã làm nên Loving Vincent, tác phẩm hoạt hình đầu tiên trong lịch sử được thực hiện hoàn toàn bằng chất liệu sơn dầu trên toan. Không chỉ là một kiệt tác nghệ thuật về mặt kỹ thuật và chất liệu thể hiện, mà còn là một sự cống hiến không kể xiết cho cuộc đời của một trong số những họa sĩ có ảnh hưởng lớn nhất tới hội họa đương đại thế giới.

Loving Vincent - Kiệt tác hình ảnh không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Lấy bối cảnh năm 1891, một năm sau cái chết vì tự sát của Vincent Van Gogh, một trong số những nhân vật trong tranh của ông - Armand Roulin - đã lên đường điều tra về cái chết của người họa sĩ tài năng nhưng bất hạnh này. Đạo diễn Dorota Kobiela đã tạo nên một bộ phim đậm chất trinh thám, cùng lúc truyền tải tới khán giả câu chuyện về người đàn ông Hà Lan kỳ lạ trên những cánh đồng nước Pháp.

Vincent Van Gogh trong phim là bức chân dung về một người đàn ông quằn quại với tâm hồn đầy phức tạp và nhiều chiều của mình, được vẽ nên bởi những câu chuyện và góc nhìn cũng đa chiều và mâu thuẫn không kém mà những người xung quanh dành cho ông.

Cũng thật hợp lý khi những con người này bước ra từ chính những bức chân dung nổi tiếng nhất của ông, bao gồm cả những nhân vật có thật, cũng như những nhân vật mà bộ phim thêu dệt thêm cho câu chuyện. Chính ông đã từng vẽ họ vào tranh của mình, và giờ họ "vẽ" lại ông. Mặc dù được kể như một câu chuyện thám tử theo phong cách Agathe Christie, nhưng hành trình tìm kiếm Van Gogh của người đàn ông áo vàng lại mang tới cho bản thân anh và khán giả một câu chuyện hoàn toàn khác: Chủ thể chính của phim không phải bản thân Van Gogh, cũng không phải những kiệt tác bất hủ mà ông để lại cho đời, mà là chính những con người ông đã gặp, những cuộc đời ông đã chạm tới. Một trái tim rực lửa, một tâm hồn nhiệt huyết, và một tình yêu không biên giới cùng vẻ đẹp của tạo hóa trong người Vincent đã để lại cho nhân loại những di sản vô giá.

Loving Vincent - Kiệt tác hình ảnh không thể bỏ qua - Ảnh 2.

Theo đạo diễn Dorota, bà đã đưa vào phim những khung hình lấy cảm hứng từ khoảng 130 bức họa nổi tiếng của Van Gogh trong kho tàng 800 bức còn lưu giữ được mà ông từng vẽ trong suốt cuộc đời hội họa ngắn ngủi của mình. Rất nhiều trong số đó được tái hiện gần giống với tranh gốc, nhưng cũng có những chỉnh sửa đôi chút để khớp với chuyện phim cũng như kích thước khung hình của bộ phim.

Loving Vincent đã được nữ đạo diễn ấp ủ từ khi bà và nhóm của mình thực hiện 1 đoạn phim ngắn để kêu gọi gây quỹ cộng đồng trên trang web kickstarter vào năm 2012, nhưng không đạt được mức đầu tư như mong muốn. Chỉ đến lần thứ hai quay trở lại với kickstarter, dự án đồ sộ mang nhiều tính cách mạng này mới thực sự được các tổ chức độc lập, người yêu nghệ thuật, và cộng đồng điện ảnh cũng như hoạt hình ra sức ủng hộ.

Loving Vincent - Kiệt tác hình ảnh không thể bỏ qua - Ảnh 3.

Khác với phim ngắn Ông Già và Biển Cả vào năm 1999 của đạo diễn người Nga Aleksandr Petrov, vốn được thực hiện với kỹ thuật sơn dầu trên kính nhiều lớp, Loving Vincent sử dụng chất liệu sơn dầu truyền thống hoàn toàn trên toan vải. Không có các lớp kính để giữ gìn sự thống nhất trong những cảnh phim có cảnh vật phức tạp, nhóm của Dorota phải cạo màu đi vẽ lại từng khung hình một ngay trên toan để đạt được chuyển động hoạt hình cho phim.

Đau đầu nhất có lẽ chính là những đoạn phim có sử dụng chuyển động của máy quay khi toàn bộ bức tranh sẽ phải bị vẽ lại từ đầu hoặc vẽ đè lên sau mỗi lần chụp ảnh. Trường phái hội họa Ấn tượng mà Van Gogh theo đuổi, cộng thêm việc ông không được đào tạo bài bản khi trở thành họa sĩ cũng gây ra khá nhiều khó khăn cho đoàn làm phim trong việc đưa vào phim những bức tranh mà cảnh vật, đồ đạc không có phối cảnh và mảng khối rõ ràng.

Trong nhiều trường hợp ta có thể thấy rõ sự cố gắng hết sức khéo léo của các họa sĩ khi xử lý để đưa vào phim đúng tinh thần trong tranh của ông, mà vẫn không ảnh hưởng tới những nguyên tắc cơ bản khác của điện ảnh. Chất liệu sơn dầu cũng là một thử thách không nhỏ cho các họa sĩ hoạt hình, vì họ không chỉ dựa dẫm vào những đoạn phim người đóng đã được quay sẵn, mà vẫn phải có những xử lý của riêng mình, sử dụng những nguyên tắc và kỹ năng khác về hoạt họa để hòa quyện điện ảnh và hội họa thông qua chuyển động. Cách làm "thủ công" nặng nề này không khỏi khiến người hâm mộ liên tưởng tới phim hoạt hình kinh điển "Gertie the Dinosaur" (1914) của "cha đẻ" hoạt hình Winsor McKay, vì ông cũng phải tẩy xóa từng khung hình và vẽ lại những đoạn bị che khuất để tạo nên chuyển động cho phim.

Loving Vincent - Kiệt tác hình ảnh không thể bỏ qua - Ảnh 4.

Hơn 100 họa sĩ cùng dốc sức làm việc không ngừng nghỉ trong suốt 4 năm trời ròng rã để truyền đạt một cách trung thành nhất phong cách đặc trưng của Van Gogh vào phim. Nhưng không chỉ vậy, họ còn phải tìm kiếm một phong cách hoàn toàn khác cho những phân đoạn khác nhau trong phim.

Với những đoạn phim "flashback" về quá khứ của ông, phim giữ một phong cách vẽ mang nhiều tính tả thực, với tông đen trắng lấy cảm hứng từ những bức ảnh cũ. Đây là phương án mà đoàn làm phim lựa chọn khi phải miêu tả những hình ảnh và cảm xúc khó có thể tìm thấy trong kho tàng tranh của ông, hoặc những câu chuyện ít người biết đến.

Loving Vincent - Kiệt tác hình ảnh không thể bỏ qua - Ảnh 5.

Trong khi đó, những bức tranh của Van Gogh ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời ông đều có sự khác biệt nhất định về phong cách, khiến cho nhân vật chính Armand mỗi khi bước vào một bối cảnh mới sẽ lại được hòa mình vào phong cách riêng của khung cảnh quanh mình. Tất cả những điều này cho thấy rằng Loving Vincent không chỉ là một kiệt tác của sự "chăm chỉ", "tỉ mẩn" của rất nhiều những người "dở hơi" tự chuốc vất vả vào mình, mà còn là sự tinh tế và sâu sắc trong việc xây dựng một bộ phim điện ảnh có tính nghệ thuật cao như vậy.

Loving Vincent - Kiệt tác hình ảnh không thể bỏ qua - Ảnh 6.

Tuy nhiên, từ trước khi có bất cứ người họa sĩ nào đặt bút vẽ những nét vẽ đầu tiên, Loving Vincent đã được hoàn thiện như một bộ phim truyền thống với diễn viên người đóng, kỹ xảo máy tính 3D, và rất nhiều những kỹ thuật làm phim khác.

Nói cách khác, không có lớp sơn dầu trên bề mặt, bản thân phim đã được thực hiện chỉn chu, thú vị, kịch tính, thấm đẫm những cung bậc cảm xúc dạt dào. Riêng về mặt quay phim, khán giả có thể thấy sự đầu tư về thiết kế ánh sáng hết sức kỹ lưỡng và có nhiều ý đồ nghệ thuật rõ ràng.

Có lúc ánh sáng được sử dụng để thể hiện sự mờ ảo lung linh của ký ức, có lúc nó phản ánh một trong số những niềm ám ảnh tột bậc của bản thân Van Gogh khi vẽ tranh, lại có lúc ánh sáng chỉ đơn giản khiến cho từng khung hình của phim trở nên đẹp nao lòng. Có những góc máy được bố trí và xử lý gây ra ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ với bố cục gần như hoàn hảo cả về sắc độ lẫn màu sắc, càng cho thấy giá trị kinh điển trong những tác phẩm mà Vincent Van Gogh đã để lại cho nhân loại.

Loving Vincent - Kiệt tác hình ảnh không thể bỏ qua - Ảnh 7.

Loving Vincent của đạo diễn Dorota Kobiela và nhà sản xuất Hugh Welchman không chỉ là một kiệt tác vì sự kỳ công trong phương pháp thể hiện độc đáo của mình, mà còn là một bức thư ngập tràn trong tình yêu của hàng trăm họa sĩ và nhà làm phim dành tặng riêng cho một tâm hồn dằn vặt.

Từng chi tiết trong phim, trong cách dựng phim, cách xử lý chất liệu và kỹ thuật, đều phản ánh những nhiệt huyết rực cháy trong huyết quản của từng con người đã tham gia làm phim, và còn là tư duy nghệ thuật cực kỳ tinh tế và sâu sắc của họ. Bộ phim thực sự là một thành công không tưởng để cống hiến cho một tượng đài, nhưng cũng là một con người với một trái tim cuộn chảy giống như chính những bức tranh mà ông từng vẽ.