Lớp học "tựa lưng" đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc

Hoàng Việt, Theo Trí Thức Trẻ 07:02 16/12/2016

Tại đảo Hòn Chuối bé nhỏ nơi đất mũi Cà Mau, có một lớp học vô cùng đặc biệt, ở đó các học sinh tựa lưng vào nhau để học. Trong một phòng học lại cùng lúc có tới bốn lớp khác nhau do cùng một thầy giáo đảm đương.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 1.

Đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chỉ rộng khoảng 7km2, cao 170m so với mực nước biển. Bao phủ hầu hết hòn đảo là những vách đá dựng đứng và cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Hòn Chuối cách đất liền khoảng 35km, nhưng khá biệt lập vì tàu bè rất khó khăn khi muốn cập đảo. Ngoài lực lượng bộ đội biên phòng, bộ đội trạm radar, còn có khoảng 50 hộ ngư dân sinh sống ở đảo.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 2.

Người dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề thả lưới, giăng câu, cuộc sống quá khó khăn nên không có điều kiện chăm lo việc học hành cho con cái.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 3.

Lũ trẻ cứ thế lớn lên như cây cỏ dưới cái nắng cháy da và mùi biển mặn chát. Lao động từ bé nên đứa nào đứa nấy đen nhẻm và rắn rỏi như nhau.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 4.

Trong ảnh là gia đình bé Hào bị bố bỏ rơi từ lúc mới đẻ. Mẹ bé mất năm 22 tuổi nên giờ ở với bà ngoại. Hai bà cháu ở đảo nên nước ngọt rất hiếm, bé đang chạy chơi cạnh thùng nước ngọt mang tên mình. Mỗi gia đình đều có một hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đều có một điểm chung là lũ trẻ con hầu như chẳng đứa nào được đi học.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 5.

Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 2010 khi có sự xuất hiện của một người chiến sĩ bộ đội. Ngay ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, người chiến sĩ ấy đã thấy xót xa khi bắt gặp lũ trẻ nheo nhóc. Ban ngày cha mẹ ra biển đánh cá, "thả" những đứa trẻ trên đảo, đứa lớn trông đứa bé. Bọn trẻ phải tự tìm cách thích nghi trong điều kiện thiếu thốn, hoang sơ đó. "Tôi thấy không ổn chút nào. Bọn trẻ lớn lên mà không được dạy dỗ, mù chữ, chửi thề loạn cả lên. Tôi không thể khoanh tay nhìn cảnh đó". Với tấm bằng cử nhân xã hội học trong tay, dù chưa được đào tạo nghiệp vụ sư phạm nhưng anh tin mình có thể làm thầy bọn trẻ.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 6.

Với niềm tin ấy, anh xin phép cấp trên để mình được làm "nhiệm vụ đặc biệt". Cùng với sự ủng hộ của anh em chiến sĩ, anh gây dựng lớp học, ban đầu chỉ là một chỗ che nắng che mưa, trong lớp là cái bảng đen tự chế cùng hai bàn học xin được.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 7.

Người chiến sĩ ấy là Thượng úy Trần Bình Phục (1972) sinh ra tại Trà Vinh, hiện anh đang công tác tại Đồn biên phòng Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Và lớp học này được anh coi là thành quả lớn nhất của cuộc đời mình.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 8.

Nhớ lại những ngày đầu đi vận động học sinh đến lớp, Thượng úy, thầy giáo Trần Bình Phục kể: "Trước đây, cư dân trên đảo nghèo lắm, giờ thì đã đỡ hơn nhiều. Xa đất liền nên nhận thức của một số bà con có phần hạn chế. Nhiều phụ huynh cho con đi học là "tiếc" mất một công lao động của gia đình, thế nên, để bà con thay đổi nhận thức thì quả là điều không dễ. Anh em trong đơn vị họp bàn với nhau và đi đến thống nhất, không còn cách nào khác phải chia nhau ra, mỗi người phụ trách vài nhà, trực tiếp đến từng nhà để làm công tác tư tưởng, vận động bà con tạo điều kiện cho con tới lớp".

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 9.

Việc tổ chức ra lớp học và vận động được phụ huynh các em cho đi học đã khó thì việc dạy dỗ các em từ những buổi đầu lại còn khó hơn. Ban đầu, học sinh rất háo hức, nhưng khi học được vài hôm thì lại không muốn đi học nữa, chỉ muốn nghỉ để đi câu, phụ giúp bố, mẹ… Thầy giáo phải dùng đủ mọi cách từ thưởng quà đến mắng dọa để lũ trẻ chịu lên lớp.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 10.

Trường thì ở giữa lưng chừng núi, không an tâm vì đám học trò quá hiếu động, mỗi khi tan học nắng mưa gì thầy cũng đều đặn đưa tụi nhỏ xuống tận gành rồi trở ngược lên qua bên kia con dốc xuống đơn vị.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 11.

Ngày nào cũng hai lần đều đặn, 6 giờ sáng và 11 giờ trưa, thầy giáo lại cõng những em học sinh bé nhỏ lên lớp và về nhà an toàn mới tiếp tục về đồn hoàn thành nhiệm vụ.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 12.

Thầy và trò đang nghỉ ngơi trên những bậc thang đến trường.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 13.

Điều đặc biệt nhất ở lớp học này, đó là các học sinh tựa lưng vào nhau chia thành hai hướng, với hai tấm bảng đen hai đầu lớp.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 14.

Đặc biệt hơn đó là tấm bảng đen lại ngăn đôi và ghi từng lớp khác nhau. Thượng úy Trần Bình Phục vui vẻ cho biết: "Ai đến đây cũng đều ngạc nhiên vì trong một lớp mà có nhiều em ở độ tuổi khác nhau cùng học. Sở dĩ như vậy là do con em của người dân sống trên đảo ít, lại không cùng độ tuổi; lớp học cũng chỉ có duy nhất một phòng học, nên việc dạy dỗ các em ở đây không thể phân theo độ tuổi, cấp học, mà phải tập trung thành một lớp".

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 15.

Thời gian đầu, lớp học thiếu đủ thứ, từ đồ dùng, dụng cụ học tập đến giáo án, sách, vở… Thầy Phục phải góp nhặt từng viên phấn đến cái giẻ lau. Cho tới nay, trang thiết bị cũng đã đủ hơn, nhưng sách mới vẫn luôn là điều khan hiếm.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 16.

Trước khi được đi học, lũ trẻ lớn lên mà chẳng có sự dạy dỗ của cha mẹ vì quá bận bịu mưu sinh, đứa nào cũng hay nói bậy nói tục. Thầy Phục tâm sự: "Trước khi học con chữ, phải học làm con người". Với quan điểm đó, thầy áp dụng một mẹo là mỗi học sinh nói bậy sẽ bị cả lớp chứng kiến tự tát nhẹ lên má, và từ đó, lũ trẻ dần biết vâng dạ, cảm ơn, xin lỗi, và chẳng còn nghe mấy tiếng nói tục chửi bậy.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 17.

Thầy Phục cho biết, lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối có 22 học sinh với 6 lớp ghép. Lớp 1 có 5 em nhỏ, trong đó có 2 em khuyết tật; lớp 2 có 5 em; lớp 3 có 7 em; 2 em học lớp 4; và lớp 5, lớp 6 mỗi lớp có một em. Học kỳ vừa rồi thầy Phục và cư dân đảo vui mừng khi các cháu đều nhận được giấy khen.

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 18.

Khi được hỏi lí do tại sao lại dành từng ấy thời gian và tâm huyết cho lũ trẻ, người thầy giáo chỉ im lặng rồi nói: "Có lẽ đó chỉ là vì hai chữ tình thương mà thôi. Nhìn lũ trẻ như cây cỏ, chẳng ai uốn nắn, nên tôi muốn làm cái giàn cây cho lũ trẻ lớn lên thật thẳng".

Lớp học tựa lưng đặc biệt nơi hòn đảo địa đầu Tổ quốc - Ảnh 19.

Khi được hỏi, thầy có tủi thân khi đứng lớp hàng ngày nhưng lại không có ngày tri ân nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy Phục nở nụ cười hiền từ rồi tâm sự: "Tôi đứng lớp dạy thế này nhưng chưa bao giờ nghĩ mình là người thầy. Lớp học này là của các em".

WeChoice Awards 2016 đã chính thức giương buồm ra khơi. Từ ngày 10/12/2016 đến ngày 12/01/2017 hãy truy cập vào http://wechoice.vn/ để đánh thức sự lựa chọn của bạn ở tất cả các hạng mục giải thưởng.

WeTalk - 1 hoạt động nằm trong khuôn khổ WeChoice Awards đã trở lại. Từ ngày 16 - 19/12/2016 sẽ diễn ra triển lãm và talkshow tại TP.HCM. Theo dõi thông tin chi tiết tại Fanpage We Choice.

Đón chờ đêm Gala vinh danh diễn ra vào ngày 12/01/2017 tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM. Theo dõi mọi thông tin chi tiết về hành trình WeChoice Awards 2016 tại http://wechoice.vn/.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày