Loki: Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành trò đùa

Hieuthuba | Design: Huyền Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 23/07/2021

Câu chuyện của Loki, dường như là một phép ẩn dụ cho chính MCU, xoay quanh sự tranh đấu của 2 thái cực: trật tự vs. hỗn loạn.

Loki xuất hiện lần đầu năm 2011 trong bom tấn Thor, và sau đó tham gia rải rác trong loạt bom tấn Marvel, luôn là kẻ làm nên với một chút xảo quyệt, một chút hài hước, một chút dễ mến cho đến khi chết tức tưởi dưới tay Thanos. 10 năm kể từ lần đầu gia nhập MCU, Tom Hiddleston mới thực sự có một tác phẩm của anh đóng chính - và nó là một tác phẩm xuất sắc.

Đập nát hình tượng ác nhân Loki một cách thuyết phục

Marvel biết cách để mở rộng một câu chuyện, khai thác một nhân vật của mình. Đã hơn một thập kỷ kể từ khi vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) xuất phát, giờ đây khán giả không còn quá hào hứng hay phấn khích bởi những màn crossover (nhân vật này xuất hiện ở phim về nhân vật kia) hay easter egg trong phim. Sự bành trướng của MCU với hàng trăm nhân vật, siêu anh hùng lớn nhỏ (và vẫn đang tiếp tục tăng) đủ làm người xem thấy chóng mặt và hoang mang. 

Loki: Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành trò đùa - Ảnh 1.

Sự bành trướng của MCU với hàng trăm nhân vật, siêu anh hùng lớn nhỏ (và vẫn đang tiếp tục tăng) đủ làm người xem thấy chóng mặt và hoang mang.

Hieuthuba

May mắn (và cũng bất ngờ thay), với Loki, Marvel đã biết cách để vừa truyền tải được ý nghĩa, khai thác được nhân vật và định hướng được cả cách người xem tiếp nhận vũ trụ điện ảnh này trong tương lai. Mỗi tập phim của Loki đều được thực hiện tuyệt vời - nhờ vào tài năng của đạo diễn Kate Herron, biên kịch chính Michael Waldron và đội ngũ sáng tạo của phim. Dàn diễn viên tài năng Tom Hiddleston, Owen Wilson và Gugu Mbatha-Raw mang đến sự thể hiện chặt chẽ, lôi cuốn và nhịp nhàng với những gương mặt mới như Sophia di Martino hay Wunmi Mosaku. Nhờ họ, một thế giới viễn tưởng mở ra với những nhân vật lôi cuốn, sinh động và rất con người.

Loki: Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành trò đùa - Ảnh 3.

Cũng giống với Black Widow, Loki là nỗ lực của Marvel để vực dậy một nhân vật đã chết, cho họ thêm ý nghĩa và quá khứ, sự phát triển và đồng thời góp phần “úp mở” tương lai của kỷ nguyên tiếp theo. Nhiệm vụ chính của phim - “đập nát” hình tượng ác nhân của Loki để biến nhân vật này trở thành gương mặt tốt bụng, đáng cổ vũ, đã được thực hiện vô cùng thuyết phục. Người xem không còn nhìn vào Loki như một kẻ tráo trở, tham vọng phá hủy Trái Đất mà thay vào đó là một con người khao khát sự tự do và tình yêu. Nói về tài năng “tẩy trắng”, Loki là một ví dụ hoàn hảo. Hành trình của Loki trong bộ phim truyền hình dài 6 tập này hoành tráng và bất ngờ, nhân văn hơn cả một thập kỷ anh chàng lượn lờ trong các bom tấn điện ảnh của MCU. Nếu như WandaVision hay Falcon và Chiến Binh Mùa Đông đều xoay quanh việc các siêu anh hùng phát triển năng lực và chiều sâu tâm lý của chính mình, thì Loki chính là một “trường hợp cá biệt”.

Loki: Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành trò đùa - Ảnh 4.

Nhiệm vụ chính của phim - “đập nát” hình tượng ác nhân của Loki để biến nhân vật này trở thành gương mặt tốt bụng, đáng cổ vũ, đã được thực hiện vô cùng thuyết phục.

Hieuthuba

Câu chuyện của Loki, dường như là một phép ẩn dụ cho chính MCU, xoay quanh sự tranh đấu của 2 thái cực: trật tự vs. hỗn loạn. Marvel đang mở rộng, phá vỡ các giới hạn cũ và những mô-típ nhân vật quen thuộc, hướng tới một sự hỗn loạn có-trật-tự trong tương lai.

Loki: Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành trò đùa - Ảnh 6.

Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành “trò đùa” không hơn không kém

Mặc dù có khởi đầu sáng tạo khi khai thác nỗi đau mất đi người thân, WandaVision đi tiếp vào lối mòn của MCU với các tập cuối cùng, và cái kết của phim có thể coi là một sự hụt hẫng lớn nhất với người hâm mộ vì nó “quá Marvel” với hiệu ứng kỹ xảo ì xèo và không có tác động to lớn (có thể thấy được) tới đại cục. Về phần Falcon, bộ phim để 2 siêu anh hùng vật lộn với di chấn tâm lý, để rồi câu chuyện “ai sẽ là người tiếp nối Đội trưởng Mỹ” lấn át toàn bộ nỗ lực ở những tập đầu tiên. 

Loki: Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành trò đùa - Ảnh 7.

WandaVision đi tiếp vào lối mòn của MCU với các tập cuối cùng, và cái kết của phim có thể coi là một sự hụt hẫng lớn nhất với người hâm mộ vì nó “quá Marvel”

Hieuthuba

Về phần Loki, bộ phim lấy đá vô cực làm đồ chặn giấy. Một chi tiết nhỏ bé trong tập 1 của bộ phim này lại nói lên nhiều điều về chính bộ phim và hướng đi khác biệt mà Marvel cho phép: Loki tồn tại ở một thế giới độc lập, tách biệt với những siêu phẩm trước đó của Marvel. Loki - dù là một phim truyền hình - đứng ở vị thế có thể “trêu ngươi” Thanos, thay đổi cục diện Avengers, mở ra đa vũ trụ, vân vân và vân vân. Loki trở nên khó đoán ngay từ giây đầu tiên cho tới phút cuối cùng, vì nó phá vỡ hoàn toàn trật-tự-Marvel mà chúng ta đã quá quen thuộc suốt nhiều năm qua. Một lần Marvel tự biến chính mình thành trò đùa không hơn không kém, là một lần Marvel biết chính xác họ cần phải làm gì để khiến khán giả hoang mang.

Loki: Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành trò đùa - Ảnh 9.

Không chỉ là câu chuyện của một vài nhân vật, Loki mở ra cả một thế giới mới, một kỷ nguyên mới cho Marvel với sức ảnh hưởng kinh hoàng vào tập cuối cùng. Thuyết đa vũ trụ được sắp đặt tài tình, tương lai của nhân vật này giờ đây là một dấu hỏi lớn, và khán giả cũng không còn phải giữ mãi định kiến rằng Marvel là một “cái lò sản xuất phim anh hùng số lượng lớn” mà phong cách thì ngang nhau.

Một lần Marvel tự biến chính mình thành trò đùa không hơn không kém, là một lần Marvel biết chính xác họ cần phải làm gì để khiến khán giả hoang mang.

Hieuthuba

Xuất sắc hơn Tenet của Christopher Nolan, Loki đặt Marvel tương lai vào thế khó

Loki có tố chất để trở thành một bộ phim của Christopher Nolan (và tất nhiên là xuất sắc hơn Tenet). So sánh như vậy, bởi vì Loki làm tốt ở phần nội dung, thông điệp và cách truyền tải. Bộ phim khai thác nhân vật chính - phụ, mở ra thế giới mới, nặng về ẩn dụ và cùng lúc đó, thành thạo sử dụng yếu tố siêu thực là du hành không gian - thời gian. 

Loki: Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành trò đùa - Ảnh 11.

Nihilism - chủ nghĩa hư vô và Existentialism - chủ nghĩa hiện sinh là hai khái niệm ít nhiều được phản ánh qua Loki. Chủ nghĩa hư vô lập luận rằng cuộc sống vốn dĩ không có ý nghĩa, mục đích hay giá trị nội tại. Đạo đức vốn không tồn tại, và mọi giá trị của đạo đức đều được thiết lập một cách trừu tượng và giả tạo. Về cơ bản, không có gì thực sự tồn tại. Trái ngược, chủ nghĩa hiện sinh tin rằng mỗi người đều là một bản thể tự do, được phép hành động và lựa chọn theo ý muốn. Những người theo chủ nghĩa hiện sinh tin rằng xã hội không nên gò bó, ép buộc một cá thể vì nó sẽ ngăn cấm sự phát triển tự nhiên của mỗi người.

Trong phim, vị thần Loki nhận ra rằng mọi thứ đều đã được sắp đặt trong dòng thời gian, thậm chí là cả số mệnh của tất cả mọi người. Loki bắt buộc phải trở thành kẻ phản diện, bắt buộc phải thua cuộc, bắt buộc phải chết dưới tay Thanos. Mọi mục đích để trốn thoát, để trở nên khác biệt, để bứt phá đều là vô nghĩa, vì “phận do trời định”. Việc Loki trở nên thật thà, tình cảm là nằm ngoài kế hoạch, và anh sẽ bị “tiêu diệt” vì việc đó. Chính vì thế, song song với hành trình Loki phá vỡ số phận đã được định đoạt của mình, cũng là hành trình Marvel vẽ ra tương lai mới cho nhân vật này.

Loki: Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành trò đùa - Ảnh 12.

Tuy nhiên, câu hỏi tiếp theo được đặt ra chính là: liệu Marvel sẽ tiếp tục phá cách và tìm hướng đi mới lạ, hay Loki mãi mãi chỉ là một “trường hợp cá biệt” mà thôi? Thật khó để Marvel tìm ra cách khai thác độc đáo cho từng bộ phim hay nhân vật, có quá nhiều câu chuyện để kể trong tương lai. Nhưng cũng thật hụt hẫng biết bao khi tiếp nối Loki lại là những câu chuyện ba hồi quen thuộc, an toàn và hào nhoáng, tươi sáng và gọn gàng.

Marvel đã rất xuất sắc với Loki, nhưng chính điều này cũng sẽ đặt những bộ phim tương lai của Marvel vào một thế khó.

Hieuthuba

Loki: Một lần hiếm hoi Marvel tự biến mình thành trò đùa - Ảnh 14.

Nguồn ảnh: Marvel