Loạt sao thế giới từng lao đao vì bị kiện đạo nhái, người cuối cùng có thể mất cả gia tài vì tiền bồi thường 6.800 tỷ đồng

Anh Min, Theo Trí Thức Trẻ 23:55 19/02/2019

Ở US-UK, những nghệ sĩ bị kiện đạo nhái với số tiền bồi thường có thể lên đến con số khủng, tương đương từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng Việt Nam.

Nước Mỹ được biết đến như trung tâm của nền công nghiệp âm nhạc, nơi mà sự sáng tạo nghệ thuật là vô biên và được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, tuy hiếm hoi nhưng không có nghĩa là không có những câu chuyện "đạo nhái" xảy ra. Thậm chí, những nghệ sĩ có sản phẩm bị tố đạo nhái còn phải ra hầu toà với số tiền kiện cáo lên đến hàng trăm triệu đô la, tương đương từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng Việt Nam. 

Mặc dù đa phần các nghệ sĩ bị kiện đều có khả năng chi trả nếu như thật sự vi phạm, tuy nhiên, điều đó vẫn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến khối tài sản của họ và trên hết, uy tín và danh dự của một người nghệ sĩ mang tiếng "đạo nhái" sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.

Bruno Mars liên tiếp bị kiện "đạo nhạc", riêng "Uptown Funk" phải hầu toà đến 3 lần

Bruno Mars nổi tiếng với những bản hit đình đám khiến khán giả không ngừng lắc lư theo. Song, 2 trong số nhạc phẩm của anh lại bị dính phải kiện tụng đạo nhạc, trong đó có cả loạt hit tỷ view "Grenade", "Uptown Funk". 

Năm 2016, theo người đệ đơn kiện là Jonathan Puckett, bản hit "Grenade" có giai điệu lẫn phần lời giống ca khúc "Cry" của anh được viết năm 2010. Nhất là đoạn điệp khúc đầy tâm sự: “I’d catch a grenade for ya/Throw my head on a blade for ya/I’d jump in front of a train for ya/You know I’d do anything for ya”. 

Jonathan khẳng định chúng rất giống với điệp khúc Cry: “I cried for you baby but you didn’t hear me/I gave you my all but you didn’t understand/I would have died for you baby but you didn’t feel me/I gave you my heart but you didn’t do the same”. Người đồng nghiệp cũ cùng hãng thu âm (Atlantic Records) này đã đòi số tiền bồi thường là 20 triệu đô. 

“Grenade” MV - Bruno Mars

Tháng 10/2016, Bruno Mars và Mark Ronson là 2 bị cáo trong một đơn kiện vừa gửi đến tòa án Mỹ tố cáo “Uptown Funk” là nhái ca khúc “Young Girls” của nhóm nhạc funk-soul Collage, được phát hành vào năm 1983. Hiện chỉ có một thành viên trong nhóm Collage còn sống, người này cho rằng “Uptown Funk” giống hệt “Young Girls” từ giai điệu, nhịp điệu, cách hòa âm cho tới cấu trúc bài hát. Phía nguyên đơn yêu cầu được chia lợi nhuận và ngăn chặn việc kinh doanh bản thu âm này. Đây là lần thứ ba siêu phẩm “Uptown Funk” của ngôi sao Bruno Mars vướng nghi án đạo nhạc. 

Collage - "Young Girls"

Trước đó, vào năm 2015, ban nhạc The Gap Trand cũng từng nộp đơn kiện đòi bản quyền ca khúc "Uptown Funk" vì sự giống nhau giữa nó với ca khúc "Oops Upside Your Head". Cuối cùng, ban nhạc này đã được công nhận công sức sáng tác và được chia tiền hoa hồng. Vào tháng 2/2016, nhóm nhạc The Sequence cũng muốn đòi công bằng ở toà án vì cho rằng "Uptown Funk" là hàng nhái ca khúc "Funk You Up" của nhóm, phát hành vào năm 1979. 

"Oops Upside Your Head" - The Gap Band (1979)

MV “Uptown Funk” – Bruno Mars ft. Mark Ronson

Bộ đôi Robin Thicke và Pharell Williams bồi thường 150 tỷ đồng thua kiện

Sáng ngày 11/03/2015 theo giờ Việt Nam, tòa án tối cao quận Los Angeles, Mỹ đã chính thức đưa ra phán quyết cuối cùng về ca khúc "Blurred Lines" của 2 nhạc sĩ Robin Thicke và Pharell bị cho là sản phẩm đạo nhái từ "Got to Give It Up" của cố nhạc sĩ Marvin Gaye. Theo đó, 2 nhạc sĩ này đã thua kiện gia đình ông Gaye với mức tiền bồi thường 7,4 triệu USD (tương đương 150 tỷ đồng).

Got To Give lt Up - "Marvin Gaye"

"Blurred Lines" MV - Robin Thicke ft. T.I., Pharrell

Lady Gaga bị tố đạo hình tượng MV 

Orlan - một nghệ sĩ người Pháp từng lên tiếng đòi 7,5% (tính đến thời điểm khởi kiện thì tương đương với số tiền 31,7 triệu USD) lợi nhuận từ "Born This Way" vì phát hiện ra những điểm giống nhau bất ngờ giữa một tác phẩm điêu khắc của cô với hình ảnh mở màn trong MV của Lady Gaga. Theo Orlan, bức tượng có tên Woman with Head (1996) với hình ảnh của Lady Gaga giống nhau từ ý tưởng, gương mặt cho đến kiểu tóc.

Loạt sao thế giới từng lao đao vì bị kiện đạo nhái, người cuối cùng có thể mất cả gia tài vì tiền bồi thường 6.800 tỷ đồng - Ảnh 7.

Gaga và "Woman with head"

Tuy nhiên, phần thắng cuối cùng đã nghiêng về Lady Gaga, nguyên đơn thua kiện và thậm chí phải trả cho Gaga 20.000 đô lệ phí hầu toà. Lady Gaga vẫn được coi là người sáng tạo, luôn làm những thứ khác người nên vụ kiện lần này có thể được coi là một cú sốc đối với người hâm mộ.

"Born This Way" MV - Lady Gaga

Ed Sheeran may mắn thoát khỏi 3 vụ kiện, suýt mất 20 triệu USD 

Tháng 6/2016, Ed Sheeran với tác phẩm "Photograph" bị cho là lấy cắp giai điệu từ ca khúc "Amazing" của hai nhạc sĩ Thomas Leonard và Martin Harrington. Bài hát này đã được Matt Cardle mua bản quyền và phát hành năm 2012. Trong đơn tố cáo, hai nhạc sĩ trên khẳng định điệp khúc của hai bài hát có rất nhiều nét tương đồng, đến cả người nghe nhạc bình thường cũng có thể nhận ra. Họ còn gửi đính kèm các bản hợp âm cả hai bài hát để củng cố lập luận của mình. 

Gần một năm sau, Ed Sheeran đã thắng kiện và chấm dứt những kiện cáo xung quanh vụ việc này. Theo đó, anh không phải đền bù 20 triệu USD như yêu cầu của phía nguyên đơn. Theo tiến sĩ Joe Bennett, nhà nghiên cứu âm nhạc tại Nhạc viện Boston, Berklee nhận định trường hợp của "Photograph" chưa thuyết phục. Giai điệu của hai bài đúng là nhiều điểm tương đồng nhưng nó chỉ ở mức cơ bản, khó để khẳng định đây là một tác phẩm đạo nhạc. Ông không hề ngạc nhiên khi Ed Sheeran thắng trong vụ kiện này.

Matt Cardle - "Amazing"

"Photograph" MV - Ed Sheeran

Ngay sau đó vào tháng 8 cùng năm, một công ty có tên Structured Asset Sales - đơn vị giữ bản quyền ca khúc "Let’s Get It On" - đã đệ đơn kiện nam ca sĩ và tuyên bố bản hit "Thinking Out Loud" có nhiều phần giống ca khúc của Marvin Gaye và Ed Townsend. Đơn vị đòi Ed Sheeran phải bồi thường 100 triệu USD. Sau đó vụ việc này cũng được giải quyết êm thấm vì bản thân hai nhạc sĩ của ca khúc đều đã qua đời. 

Marvin Gaye - "Let's Get It On"

"Thinking Out Loud" MV - Ed Sheeran

Sau đó, đến tháng 4/2018, nam nhạc sĩ/ca sĩ tiếp tục vướng phải ồn ào về đạo nhạc khi ca khúc "The Rest Of Our Life" của anh vừa bị hai nhạc sĩ người Úc là Sean Carey và Beau Golden tố rằng gần như là bản sao chép của "When I Found You" – một sáng tác của họ vào năm 2014, do ngôi sao nhạc đồng quê Jasmine Rae trình bày. Đơn kiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang New York, bên nguyên đơn yêu cầu mức bồi thường 6.3 triệu USD đồng thời gỡ bỏ bài hát The rest of our life khỏi các trang nghe nhạc mãi mãi.

Tim McGraw, Faith Hill - "The Rest of Our Life"

Jasmine Rae - "When I Found You"

Bản hit 2,7 tỷ view "Shake It Of" của Taylor Swift bị kiện 2 lần

Bản hit 2,7 tỷ view "Shake It Off" – single mở đường cho album 1989 của Taylor phát hành năm 2014 bị cho là có nhiều ca từ giống với bài hát "Haters Gone Hate" của Jesse Graham được ra mắt vào năm 2013. Cụ thể ở đoạn: “Haters gone hater, playas gone play. Watch out for them fakers, they’ll fake you everyday” trong Haters Gone Hate được Jesse khẳng định giống với lời bài hát trong "Shake It Off "và anh yêu cầu nữ ca sĩ 25 tuổi bồi thường cho mình 42 triệu USD. Tuy nhiên, thẩm phán Tòa án Hoa Kỳ J. Standish đã bác bỏ đơn kiện với lí do luật Bản quyền không áp dụng cho những cụm từ ngắn như vậy".

Jesse Graham - "Haters Gone Hate"

Sau đó, vào ngày 19/9/2017, hai nhạc sĩ Sean Hall và Nathan Butler đã đệ đơn kiện Taylor Swift lên Tòa án liên bang Mỹ ở Los Angeles với lý do đạo nhạc. Theo họ, trong quá trình viết "Shake It Off" năm 2014, Taylor Swift đã sử dụng một đoạn lời từ bài hát "Playas Gon’ Play" do hai người này sáng tác năm 2001. Tất nhiên, phía toà án một lần nữa bác bỏ đơn kiện với lý do tương tự. 

MV "Shake It Off" - Taylor Swift

Miley Cyrus bị kiện hit "We Can't Stop" đạo nhạc với giá trị bằng cả gia tài 

Tháng 3/2018, một ca sĩ, nhạc sĩ người Jamaica tên Michael May (nghệ danh là Flourgon) vừa nộp đơn kiện khẳng định Miley Cyrus đạo nhái lời bài hát "We Run Things" của anh, phát hành năm 1988. May cho rằng những ca từ "We run things. Things don’t run we" trong bài hát của Miley được lấy từ câu "We run things. Things no run we" trong bài hát của anh. Đồng thời May nhận định Miley về căn bản đã học cách phối hợp giọng hát, giai điệu, nhịp điệu, cách biến tấu trong tác phẩm của anh.

"We Can't Stop" MV - Miley Cyrus

"We Run Things" - Flourgon

Mới đây, thẩm phán Hoa Kỳ Robert Lehrburger bình luận rằng Miley Cyrus cuối cùng có thể thắng thế. Bên bị cáo (tức Miley Cyrus) đưa ra lí lẽ rằng cụm từ trên vốn dĩ là một câu nói nổi tiếng của người Jamaica và trở thành một phần văn hoá nơi này. Tuy nhiên, kết quả sẽ được đưa ra trong phán quyết cuối cùng của toà án.

Mấu chốt nằm ở số tiền mà May yêu cầu toà án bắt Miley phải bồi thường: 300 triệu đô la (tương đương 6.800 tỷ đồng). Đây là một khoản vô cùng khổng lồ. Có thể tưởng tượng vào thời điểm đơn kiện được gửi đi, tổng tài sản của ngôi sao trẻ đắt giá hàng đầu thế giới là Taylor Swift chỉ mới có khoảng 280 triệu đô và chắc chắn, túi tiền của Miley sẽ thấp hơn con số này. Như vậy, nếu thua kiện, chẳng khác nào Miley cho đi tất cả tài sản trong suốt sự nghiệp của mình.