Loại rau giàu canxi hơn sữa, nhiều vitamin C hơn cam, được trồng rất phổ biến tại Việt Nam

Lam Chi, Theo Trí thức trẻ 07:51 23/07/2023

Loại rau này từng một thời được ca tụng là "thần dược", tuy nhiên khi dùng cũng cần hết sức lưu ý.

Chùm ngây là loại cây có nguồn gốc từ miền bắc Ấn Độ. Cây cũng có thể phát triển ở những nơi cận nhiệt đới và nhiệt đới như Châu Á, Châu Phi. Y học dân gian đã sử dụng lá, hoa, hạt và rễ của loại cây này trong nhiều thế kỷ. Theo đó, chùm ngây được sử dụng như một phương thuốc cho các tình trạng như đái tháo đường; viêm nhiễm kéo dài; nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm; đau khớp; bệnh tim mạch;...

Chùm ngây rất dễ trồng. Tại Việt Nam, trước kia cây thường mọc hoang ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng Bảy Núi ở An Giang, đảo Phú Quốc… Hiện nay, chùm ngây được người dân ở nhiều vùng miền trồng để lấy lá làm rau ăn.

Chùm ngây rất giàu dinh dưỡng

Chùm ngây có nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng. Theo Science Direct, hàm lượng chất dinh dưỡng của chùm ngây chùm ngây vượt xa nhiều loại thực phẩm khác. Lượng vitamin C trong chùm ngây cao gấp 7 lần cam, vitamin A cao hơn 10 lần cà rốt, canxi gấp 17 lần sữa, protein gấp 9 lần sữa chua, kali gấp 15 lần chuối và sắt gấp 25 lần rau bina.

Chùm ngây cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa. Đây là những hợp chất có thể bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Có một số bằng chứng cho thấy một số chất chống oxy hóa này cũng có thể giúp giảm huyết áp và mỡ máu.

Lợi ích sức khỏe của chùm ngây

Các nghiên cứu ban đầu về chùm ngây cho thấy loại cây này có một số tác dụng sức khỏe như sau:

Hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy chiết xuất từ lá chùm ngây có thể giúp giảm sưng, đỏ, đau ở bệnh viêm khớp dạng thấp.

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy các protein giống như insulin được tìm thấy trong chùm ngây có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Các hóa chất thực vật có trong lá chùm ngây cũng có thể giúp cơ thể điều hòa đường huyết tốt hơn và ảnh hưởng đến cách cơ thể giải phóng insulin.

Một nghiên cứu nhỏ trên 30 phụ nữ cho thấy uống 1,5 thìa cà phê (7g) bột lá chùm ngây mỗi này trong 3 tháng giúp giảm trung bình 13,5% lượng đường trong máu lúc đói.

Các nhà khoa học tin rằng những tác động này là nhờ các hợp chất thực vật như isothiocyanate có trong chùm ngây.

Loại rau giàu canxi hơn sữa, nhiều vitamin C hơn cam, được trồng rất phổ biến tại Việt Nam - Ảnh 1.

Lá chùm ngây (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ phòng ngừa, điều trị ung thư

Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, chiết xuất từ lá chùm ngây làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tụy và giúp quá trình hóa trị hiệu quả hơn. Các nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm cho thấy lá, vỏ cây và rễ chùm ngây đều có tác dụng ngừa ung thư.

Tốt cho não bộ

Một số chuyên gia cho rằng chất chống oxy hóa và các hóa chất thực vật có trong chùm ngây giúp giảm căng thẳng cũng như giảm phản ứng viêm trong não.

Lưu ý khi dùng chùm ngây

Chùm ngây là loại cây cực giàu dinh dưỡng nên rất có lợi đối với những người đang bị suy dinh dưỡng hoặc cần bổ sung thêm dinh dưỡng. Các nghiên cứu đều cho thấy chùm ngây có nhiều tác dụng sức khỏe. Tuy nhiên, các nghiên cứu này đa phần được thực hiện trên động vật hoặc trên người với quy mô rất nhỏ. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu thêm tác dụng của chùm ngây đối với sức khỏe con người. Do đó, nếu sử dụng chùm ngây làm rau ăn, hãy ăn một cách điều độ, không lạm dụng.

Chùm ngây khá an toàn để sử dụng. Tuy nhiên, vỏ hoặc rễ chùm ngây có thể nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do một số chất trong vỏ cây có thể gây co tử cung và dẫn đến sảy thai. Chính vì thế, đối với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng chùm ngây.

Nếu muốn sử dụng chùm ngây hoặc các chất bổ sung có thành phần chùm ngây với mục đích y khoa, hãy hỏi ý kiến của dược sĩ, hoặc bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc điều trị nào.

Nguồn: Science Direct, WebMD

Loại rau giàu canxi hơn sữa, nhiều vitamin C hơn cam, được trồng rất phổ biến tại Việt Nam - Ảnh 2.