"Lật đổ" chính quyền, Premier League thành hình

Dương Quảng, Theo Trí Thức Trẻ 06:54 10/08/2017

Với quyết tâm tự chủ kinh tế, những người điều hành đã mạnh dạn tách ra hệ thống quản lý nhà nước. Đó là tiền đề cho sự ra đời của Premier League - tổ chức bóng đá đầu tiên hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp cổ phần.

Phần 2: "Lật đổ" chính quyền, Premier League thành hình

Kế hoạch của Fynn là giảm quy mô giải đấu xuống 18 đội, còn phần ăn chia dành cho FA là 40% lợi nhuận quảng cáo. Fynn đã đề xuất bản kế hoạch với Sir Bert Millichip, chủ tịch FA đương thời. Nhưng khi ý tưởng này được đưa ra trước cuộc họp tại Lancaster Gate, Football League - tổ chức điều hành bóng đá cấp CLB ở Anh sợ rằng sự ra đời của một format mới sẽ hủy hoại danh tiếng và địa vị của họ.

Lật đổ chính quyền, Premier League thành hình - Ảnh 1.

Sir Bert Millichip chủ tịch FA từ năm 1981 đến 1996.

Fynn thực chất là đã sang Bundesliga để học hỏi mô hình làm bóng đá chuyên nghiệp. Anh ta vừa muốn tăng giá trị thương mại cho ĐTQG nhưng cũng không muốn lịch đấu vòng tròn làm ảnh hưởng tới tiến độ tập trung đội tuyển quốc gia. Với thể thức cũ, mỗi mùa có tới 42 tuần thi đấu, như vậy chỉ còn đúng 10 tuần cho việc lên tuyển, tranh tài cấp quốc tế và nghỉ hè. 18 đội và 34 vòng được cho là hợp lý vì lẽ ấy.

Nhưng một vài CLB đã đặt niềm tin vào bản kế hoạch của Fynn. Nhưng nhiều người cùng chung quan điểm thành lập một giải đấu tự chủ hoàn toàn kinh tế. Tốt hơn hết, là rời xa các tổ chức nhà nước quan liêu để ngăn chặn các sự kiện không đáng có.

Một cuộc họp 2 tiếng được triệu tập gấp, thông qua quyết định: Thành lập Premier League, đồng thời chỉ định Parry - cố vấn của Graham Kelly - ngồi vào ghế chủ tịch HĐQT giải đấu.

Lật đổ chính quyền, Premier League thành hình - Ảnh 2.

Rick Parry được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT năm 1992, sau khi hết nhiệm kỳ tại liên đoàn năm 1998 ông được mời làm Giám đốc điều hành CLB Liverpool.

Premier League sẽ hoạt động theo mô hình của một công ty cổ phần, mỗi CLB là 1 cổ đông có 1 phiếu bầu trong quyết sách chiến lược. Mỗi dự thảo muốn thông qua phải đạt được phiếu tín nhiệm của tối thiểu 2/3 cổ đông. Giải đấu cũng sẽ chấm dứt tình trạng "nuôi báo cô" hệ thống giải hạng dưới và chia đều tiền bản quyền truyền hình theo cơ cấu 50-25-25.

50% tổng lợi nhuận chia đều cho tất cả các CLB, 25% chia theo thứ tự trên BXH mùa giải và 25% phụ thuộc vào tần suất lên sóng mỗi dịp cuối tuần của từng CLB. Ưu tiên của những người sáng lập là tính ổn định và liên tục của giải đấu nên không thể ưu ái những CLB lớn. Về lâu dài, sẽ không còn ai muốn cống hiến nếu quyền lợi của mọi người không được đảm bảo.

Rất nhanh sau đó, Premier League tuyên bố pháp nhân là tổ chức kinh doanh độc lập không dính dáng gì tới FA. Đó là khoảnh khắc lịch sử của bóng đá Anh, bởi bóng đá bấy giờ đã không còn loanh quanh trong khuôn khổ của một trò chơi mua vui nội địa. Nó đã xuất hiện như một mặt hàng được quảng bá rộng rãi trên sóng truyền hình - cũng có nghĩa là mặt hàng được thế giới đón nhận.

Lật đổ chính quyền, Premier League thành hình - Ảnh 3.

Ngoại hạng Anh mùa giải 1992/93 có 20 đội bóng tham dự và cuối mùa đó, Man Utd đã lên ngôi để mở ra khoảng thời gian vàng son của CLB.

Football League đưa sự việc ra tòa án tối cao nhưng thua kiện khi rất nhiều CLB nhỏ đã rút đơn. Cùng lúc đó, Premier League khóa sổ thể lệ gồm 20 đội, đồng thời đạt được điều khoản phát sóng các trận đấu tranh suất lên hạng để tăng sự kịch tính. Trên cơ sở ấy, Football League xuống nước, bày tỏ nguyện vọng hợp tác. Từ giờ, họ sẽ là đơn vị quản lý 92 CLB chuyên nghiệp hạng dưới ở Anh và là đối tác trực tiếp hưởng lợi từ gói bản quyền truyền hình.

Tháng 08/1992, Premier League chính thức chào khán giả thế giới, bắt đầu một kỷ nguyên mới của túc cầu nhân loại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày