Làm liều liên tiếp, liệu Oscar 2019 có cứu nổi tỉ suất người xem?

NGỌC KING, Theo Helino 07:25 31/01/2019

Dù đêm trao giải chưa diễn ra nhưng Oscar 2019 cũng đã có đến là lắm chuyện để nói. Liệu chừng đó có đủ để cứu vãn lượng người quan tâm ngày càng ít đối với giải thưởng điện ảnh này?

Trong hàng tá ngôi sao sáng nhất Hollywood, không ai thèm dẫn chương trình Oscar 2019. Kevin Hart thì đã phải "chạy tuột quần" chỉ sau 3 ngày ngồi lên chiếc ghế nóng. Oscar năm nay đánh dấu lần đầu tiên trong 30 năm không có MC chính, mà hẳn chúng ta đều nhớ lần cuối cùng đêm trao giải thiếu người dẫn chương trình năm 1989 đã trở thành thảm họa thế nào. Đó mới chỉ là một trong rất nhiều vấn đề mà Viện Hàn lâm đã liều mạng giải quyết, nhằm hy vọng vào một đêm trao giải không dám nói là suôn sẻ, mà chỉ có thể nói là bớt gian nan. Liệu mọi nỗ lực đó có cứu nổi tỉ suất người xem đang giảm không phanh kể từ các mùa Oscar gần đây hay không?

Làm liều liên tiếp, liệu Oscar 2019 có cứu nổi tỉ suất người xem? - Ảnh 1.

Tỉ suất người xem sụt giảm bất chấp chiêu trò

Làm liều liên tiếp, liệu Oscar 2019 có cứu nổi tỉ suất người xem? - Ảnh 2.

Dù kỷ niệm lần thứ 90 của Oscar, sự kiện năm 2018 vẫn không tránh khỏi sự thờ ơ của công chúng.

Mặc kệ scandal nhầm phong bì, mặc kệ "quá trắng", người Mỹ vẫn chẳng mặn mà cho lắm với Oscar. Bằng chứng là tỉ suất người xem Oscar trực tiếp năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 26,5 triệu người – so với hơn 40 triệu cách đây 3 năm. Hàng loạt scandal xảy ra, các cuộc vận động mạnh mẽ trên thảm đỏ cũng như đêm trao giải không làm người ta bận tâm nhiều như trước.

Bên cạnh lý do ngoại cảnh từ các chương trình thể thao, phim bom tấn… diễn ra cùng thời gian, thì một trong những lý do khác khiến giải thưởng điện ảnh này không còn được quan tâm là bởi các phim trong hạng mục đề cử thường quá hàn lâm và xa vời với hiểu biết của công chúng. Đối mặt với việc cứu vãn tỉ suất người xem, Oscar 2019 đã có những hành động "liều mạng" đến đáng lo ngại.

Cơn ác mộng mang tên "Oscar không có MC" năm 1989

Hẳn có lý do mà đêm trao giải Oscar cần có người dẫn chương trình. Đơn giản thôi, lần cuối mà người ta thử không làm điều đó, mọi chuyện trở nên bát nháo và không thể kiểm soát. Oscar lần thứ 61 được nhớ đến như một trong những đêm trao giải đáng quên nhất, phần lớn bởi màn trình diễn náo loạn giữa Bạch Tuyết và Rob Lowe. Nó được mô tả là màn ca hát – vũ đạo được biên dựng tồi tệ tới mức camera thậm chí còn chẳng biết chĩa vào đâu. Các tiết mục công bố giải thưởng từ các khách mời Hollywood khác nhau thì diễn ra như rắn mất đầu, không ai ăn nhập với ai.

Làm liều liên tiếp, liệu Oscar 2019 có cứu nổi tỉ suất người xem? - Ảnh 3.

Sau sự kiện, 17 cây cao bóng cả của Hollywood đã viết thư ngỏ tới nhà sản xuất của chương trình Allan Carr trong đó nói rằng đêm trao giải "là nỗi nhục của Viện Hàn Lâm và toàn thể ngành công nghiệp điện ảnh". Allan chưa bao giờ vượt qua được cú sốc đó. Từ một nhà sản xuất được trọng vọng tại Hollywood, ông mất hết địa vị và trở thành một con nghiện rượu, ma túy rồi chết vì ung thư gan.

Làm liều liên tiếp, liệu Oscar 2019 có cứu nổi tỉ suất người xem? - Ảnh 4.

Không phải tự nhiên người ta xếp Oscar năm 1989 vào một trong những đêm trao giải thất bại nhất trong lịch sử gần một thế kỷ, một phần lớn bởi không có người dẫn dắt thống nhất từ đầu tới cuối. Oscar 2019 vì không thể kiếm nổi MC, nên đã liều mạng bỏ luôn dẫn chương trình trong đêm trao giải nhưng hãy hy vọng rằng nhà sản xuất Donna Gigliotti có chiến lược hợp lý hơn mớ hỗn độn 30 năm trước.

Hạng mục Đại chúng xuất sắc có phải là trò cười?

Làm liều liên tiếp, liệu Oscar 2019 có cứu nổi tỉ suất người xem? - Ảnh 5.

Viện Hàn Lâm không phải là không nhận ra việc tỉ suất người xem giảm có liên hệ với việc họ cứ trao giải Phim xuất sắc cho các phim nhỏ, độc lập và hàn lâm như The Shape of Water hay Moonlight. Để giải quyết vấn đề này, họ liền lập ra cái gọi là Outstanding Achievement in Popular Film (tạm dịch: Thành tựu nổi bật của phim đại chúng).

Kết quả là Viện "ăn đủ gạch" để xây luôn nhà hát mới tổ chức Oscar. Nhiều người cho rằng hạng mục này lập ra không có mục đích gì khác ngoài việc "dựa hơi" phim siêu anh hùng để kéo tỉ suất người xem và điều này sẽ làm tổn hại danh tiếng và giá trị của Oscar. Đứng trước làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng, giải thưởng này đã bị rút lại. Cuộc làm liều này của Viện Hàn lâm có vẻ đã không thực sự thành công lắm.

Tranh cãi xung quanh các đề cử Phim hay nhất

Làm liều liên tiếp, liệu Oscar 2019 có cứu nổi tỉ suất người xem? - Ảnh 6.

"Black Panther" khiến cộng đồng chia rẽ sâu sắc.

Kể từ khi nổi lên vào khoảng 10 năm trở lại đây, phim siêu anh hùng chuyển thể từ truyện tranh luôn bị Oscar coi là "chiếu dưới" chưa bao giờ được cân nhắc nghiêm túc tại các hạng mục. Mọi thứ đã thay đổi kể từ đề cử Phim hay nhất dành cho Black Panther năm nay. "Cú liều" lần này của Viện Hàn lâm có vẻ như nhận được sự ủng hộ nhiều hơn là phản đối.

Bất chấp các ý kiến cho rằng bộ phim siêu anh hùng này không đủ chất lượng so với một ứng cử viên Phim hay nhất, thì nên nhớ rằng Oscar luôn là một giải thưởng mang màu sắc chính trị và phản ánh dấu ấn thời đại trong từng đề cử. Phong cách đặc sắc và kỹ xảo ấn tượng và quan trọng nhất là thông điệp về chủng tộc của Black Panther, chưa kể nỗ lực vận động hành lang của Disney đã đưa bộ phim lọt vào danh sách đề cử Oscar một cách vinh quang.

Làm liều liên tiếp, liệu Oscar 2019 có cứu nổi tỉ suất người xem? - Ảnh 7.

"Bohemian Rhapsody" gây nhiều tranh cãi trong cả khâu sản xuất lẫn tranh giải.

Bên cạnh đó, Oscar 2019 cũng gây tranh cãi khi trao đề cử Oscar cho một bộ phim có quá nhiều vấn đề về sản xuất như Bohemian Rhapsody. Đành rằng đề cử Nam chính xuất sắc nhất cho Rami Malek là xứng đáng, thế nhưng bộ phim mà anh đóng lại nhận được phản ứng khen chê lẫn lộn từ công chúng. Thái độ làm việc vô tổ chức và thô lỗ của Bryan Singer dẫn tới việc đạo diễn này bị sa thải cũng là một trong những "phốt" lớn liên quan đến bộ phim.

Không những thế, Oscar năm nay cũng chứng kiến sự góp mặt của những bộ phim có điểm số Rotten Tomatoes rất thấp, đồng nghĩa với việc chất lượng nghệ thuật vẫn còn tranh cãi. Nhiều phim hay diễn viên góp mặt chỉ là "cần câu view" để khán giả chú ý. Nhưng Viện Hàn lâm sẽ câu được bao nhiêu?

Oscar chỉ còn một tháng nữa là diễn ra. Không biết đứng trước rất nhiều khó khăn, Viện Hàn Lâm đã "làm liều" đủ chưa để cứu vãn tỉ suất người xem thấp kỷ lục? Chúng ta chỉ còn biết đợi xem còn chiêu trò gì nữa sẽ được tung ra vào đêm trao giải diễn ra vào sáng ngày 25/2 theo giờ Việt Nam tới đây.

Giải thưởng Viện Hàn lâm hay Giải Oscar là giải thưởng điện ảnh thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS). Lễ trao giải Oscar lần thứ 91 nhằm vinh danh các tác phẩm xuất sắc nhất trong năm 2018 sẽ diễn ra tại nhà hát Dolby Theatre, Hollywood, Los Angeles, California vào lúc 8h sáng ngày 25/02/2019 và được phát sóng trên kênh truyền hình Mỹ ABC.