Không phải hoa...
GS Trịnh Tam Kiệt cho rằng, có thể đây là một dạng nấm nội cộng sinh trong tế bào. Trong trường hợp này, nấm nằm trong tế bào của cây, cung cấp nước, muối khoáng cho cây và lấy từ cây các chất dinh dưỡng tổng hợp được do quá trình quang hợp để phát triển. Khi có điều kiện thích hợp như độ ẩm, nhiệt độ, môi trường trong sạch... thì cơ quan sinh sản sẽ phát triển để hình thành cơ quan sinh bào tử gọi là quả thể nấm có nhiều dạng khác nhau (cả hình như hoa).
Khi quan sát dưới kính lúp có độ phóng đại gấp 40 lần, hình ảnh cho thấy: "Hoa lạ" có thân dạng sợi mảnh, dài, trong suốt, phía trên có những chấm trang trí mang "hoa" giống như hoa sen mới nở được gọi là "quả thể nấm". Phần trên "hoa" có 2 - 3 thùy, trong có nội chất màu trắng và một hai nhánh đâm ra như hình nhụy. Dưới gốc phần chân của quả thể có đế xòe rộng, bám chắc vào bề mặt lá. Những hình ảnh ở độ phóng đại này vẫn chưa thể khẳng định đây là loài gì.
"Hoa lạ" có thân dạng sợi mảnh, dài, trong suốt.
... mà có thể là nấm nhầy
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm GS Trịnh Tam Kiệt cho rằng, đây không phải là hoa như mọi người thường gọi. Giả thuyết được đưa ra là nấm nhầy. Lớp nhầy có cả trên lá cây, rễ cây, kính, sắt... Khi có điều kiện sẽ hình thành các thể sinh bào tử dạng lông, cây phân nhánh, dạng chùy. Thể nhầy sinh bào tử và phát tán khi có điều kiện.
"Nấm nhầy là một loại nấm có nguồn gốc từ nguyên sinh động vật, không có cấu trúc sợi điển hình như nấm mà chúng có dạng thể nhầy, nhiều nhân chuyển động bằng giả túc; Khi trưởng thành, hình thành cơ quan sinh bào tử. Nấm nhầy hiện có hàng nghìn loài khác nhau", GS Trịnh Tam Kiệt giải thích thêm.
Để hiểu rõ hơn về loài này, GS Trịnh Tam Kiệt cùng các học trò đã soi "hoa lạ" dưới kính hiển vi có độ phóng đại khoảng 400 lần. Những hình ảnh cho thấy bắt đầu đã mở ra những điều thú vị về "cơ thể hoa lạ".
Gốc và cuống nấm trong suốt, có các bào tử hình thành trên cuống. Các bào tử này phát sinh không theo quy luật. Các bào tử có thể là đơn lẻ hoặc là gộp nhiều bào tử khác nhau, tạo nên hình xù xì như quả dâu, đây được xem là hiện tượng cộng bào tử. Có bào tử hình thành nhiều đốt, có dây, xoắn lấy thân nấm hoặc có bào tử nằm sát cuống hay bên cạnh "cánh hoa".
Phần được xem là quả nấm có hình như hoa sen chưa nở. Trên quả cũng chứa bào tử nhưng ít. Đặc biệt quan sát trên lá (giá thể) cho thấy những thể nhầy nằm vắt ngang lá. Trên đó có thân nấm trong suốt nhô lên từ thể nhầy.
GS Trịnh Tam Kiệt khẳng định, đây chỉ mới là khảo sát bước đầu, cần thêm thời gian để nghiên cứu về loài này. Bước đầu có thể thấy rằng, đây là sinh vật bậc thấp chưa có cấu trúc mô. Đồng thời, đây không phải là thực vật, không phải loài nấm chính thức. Nhiều khả năng là nấm nhầy với cơ thể là một khối nhầy, khi muốn sinh sản sẽ tạo ra các thể sinh sản mang bào tử. Cột đưa bào tử lên cao đu trong gió để phát tán. Quá trình hình thành dựa trên cơ thể là khối sinh chất nhầy. Khi có điều kiện thích hợp, môi trường thuận lợi sẽ phát triển. Có thể nói đây là sự xuất hiện của một sinh vật chỉ thị môi trường sinh thái an lành.