Những bữa tiệc mừng độc nhất vô nhị Trung Quốc

Afamily/ Pháp Luật Xã Hội, Theo 13:12 01/02/2014

Bạn sẽ khó tưởng tượng ra rằng có những người lại mở tiệc mừng... ly hôn hay khao quần lót mới mua.

1. Mở tiệc mừng... ly hôn

Ngày 1/11/2013, một người đàn ông họ Dương (42 tuổi) đã mở tiệc mừng ly hôn tại nhà hàng Kiến Minh ở thị trấn Kim Châu, huyện Ninh Hương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Trong buổi lễ, cặp vợ chồng ly hôn cũng thực hiện đầy đủ các thủ tục: đọc lời tuyên thệ mình không yêu đối phương, trao trả lại nhẫn cho nhau, cùng nhau cắt đôi chữ hỷ dưới sự chứng kiến của 20 khách mời.

Những bữa tiệc mừng độc nhất vô nhị Trung Quốc 1
Bữa tiệc... ly hôn dưới sự chứng kiến của khách mời.  

Được biết, anh Dương và vợ đã kết hôn 4 năm, họ có với nhau một đứa con. Đến tháng 10/2013, mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm, hai người quyết định ly hôn. Có lẽ anh Dương làm vậy để trả thù vợ vì trong buổi tiệc chỉ có người nhà trai chứ nhà gái không ai có mặt.

2. Mở tiệc khao... quần lót mới mua

Những bữa tiệc mừng độc nhất vô nhị Trung Quốc 2
Bữa tiệc khao quần lót mới mua (ảnh minh họa).

Tại làng Tiền Lương, Quân Sơn, thành phố Nhạc Dương, Hồ Nam (Trung Quốc), hễ có ai mua đồ gì mới, ngay cả là quần lót mới, hàng xóm cũng kéo nhau sang bắt… khao. Mới đây, hàng xóm gặp ông Châu đang mua một chiếc quần lót có trị giá khoảng 34.000 đồng.

Ngay lập tức, họ hùa nhau bắt khao khiến ông Châu phải làm 4 mâm cơm mất gần 1 triệu đồng. Chính vì tập tục ăn khao “vô tội vạ” ở nơi đây mà mọi nhà mua sắm đều âm thầm như đi ăn trộm. Thậm chí, mua đồ mới về họ còn phải làm cho cũ đi mới dám mang ra sử dụng.

3. Bữa tiệc đón tết với 10.000 món ăn

Những bữa tiệc mừng độc nhất vô nhị Trung Quốc 3
  Bàn tiệc với 10.000 món ăn.

Tối 24/1/2014, một khu liên gia với gần 10.000 hộ dân ở Vũ Hán, Trung Quốc đã tổ chức bữa tiệc đón tết với 10.000 món ăn và 10.000 người tham dự. Đây là hoạt động thường niên của khu liên gia, được tổ chức suốt 14 năm qua mỗi dịp cuối năm để chào đón tết Nguyên đán.

Những bữa tiệc mừng độc nhất vô nhị Trung Quốc 4

Ban đầu, chỉ có vài trăm người tham dự và sau đó dần dần mở rộng. Mỗi gia đình trong khu dân cư này phải đóng góp một món ăn cho bữa tiệc và phải cử ít nhất một người tham dự.