Bí mật vùng đất "trường thọ" tại Việt Nam

VTC, Theo 10:19 24/05/2010

Ở nơi đây đã bao nhiêu thế hệ lớn lên và già đi. Người ta nói ở đấy có “suối tiên”, bởi ở đó có rất nhiều các cụ ông, cụ bà sống trên trăm tuổi, nhưng vẫn có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai đến kỳ lạ. <img src='/Images/EmoticonOng/18.png'>

“Áo ông rách rồi, cởi ra tôi khâu cho”, miệng nói, tay xỏ kim, chỉ một lát cụ Lò Thị Quảng (năm nay 107 tuổi) đã khâu xong chiếc áo sờn vai của ông Lộc Văn Minh, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
 
Ra ngõ gặp… "tiên"

Chiếc xe máy cứ nhảy lên rồi lại lao xuống, những con dốc kéo dài, những cái cầu treo vắt vẻo ngang qua suối, rồi những đoạn đường trơn trượt kéo dài sau cơn mưa… xã Hữu Lập hiện ra ngay trước mắt. Trên những con đường nhỏ dẫn lối quanh ngôi làng, những cụ ông, cụ bà râu tóc bạc phơ đi lại nhanh nhẹn…


"Bà tiên" của làng.

Ông Lộc Văn Minh ngồi ở bậc cửa, tay lật giở quyển sổ đã cũ kĩ, nhàu nát ghi tên những người cao tuổi từ năm 2003. Nhìn trong danh sách thấy ghi rất rõ: Toàn xã có hơn 200 người trên 60 tuổi, trong đó có gần 20 người trên 100 tuổi. “Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu cũ và chưa đầy đủ, đến nay, số người trên trăm tuổi còn nhiều hơn. Người cao tuổi sống ở 5 bản, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn ở bản Na và bản Noọng Ó, nằm bên con suối Nàng Nhỉ”, ông Minh mỉm cười, khoe hàm răng móm mém nhìn về phía khách.

Con đường đến bản Na khúc khuỷu, quanh co trên những dốc đá dài. Tiếng rì rầm của suối, tiếng chim hót líu lo, những ngôi nhà sàn mốc thếch thấp thoáng trên các sườn dốc, bao quanh con suối. Những đám mây lững lờ trôi giữa không gian bao la. Nàng Nhỉ bên núi Pi Ơng. Một cụ già mặc quần áo dân tộc Thái đang ngồi bên hiên nhà sàn dệt thổ cẩm miệt mài. Bàn tay cụ nhanh nhẹn đưa những những con thoi lên xuống một cách đều đặn.
 
Đó là cụ Lò Thị Quảng, năm nay cụ đã 107 tuổi. Thấy tôi và ông Minh bước vào, cụ bỏ dở khung dệt mời khách vào nhà. Vừa rót chén nước xong, thấy chiếc áo của ông Minh sờn vai cụ đã nằng nặc bắt ông cởi ra để cụ khâu hộ. Bà cụ nhanh nhẹn cầm cây kim đưa lên miệng rồi luồn chỉ vào một cách khéo léo. Chỉ một loáng cụ đã khâu xong chiếc áo với những đường chỉ đều đặn.

Cụ  Lò Thị Quảng sinh được 4 người con, con út của cụ năm nay cũng đã 73 tuổi. Nâng chén nước lên ngang miệng, cụ cười bảo: “Ba năm trước tôi vẫn vào rừng kiếm củi, làm nương. Nhưng giờ thấy tôi già yếu các con tôi không cho làm việc nặng nữa. Ở nhà nhiều cũng chán, chân tay bủn rủn nên tôi ngồi dệt tí cho đỡ buồn. Thời gian còn lại tôi thường ra suối gùi nước, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa…”.
 
Cách nhà cụ Quảng không xa là nhà cụ Lữ Thị Thìn - một trong những người nhiều tuổi nhất xã. Năm nay cụ đã 113 tuổi. “Cụ đang nấu ăn à” - tôi cất tiếng hỏi. Bà cụ ngơ ngác nhìn (cụ chỉ biết một ít tiếng Kinh). Thấy vậy ông Minh nhanh nhẹn cất tiếng chào cụ rồi dịch câu nói của tôi sang tiếng Thái. Nhìn dáng vẻ và nghe bà cụ nói chuyện với ông Minh tôi thấy cụ còn minh mẫn lắm. Từng lời nói rõ ràng, mạch lạc, nụ cười tươi luôn nở trên môi. Qua lời kể lại của ông Minh tôi được biết, mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn thường xuyên đi chơi bên nhà hàng xóm, vẫn tự chăm sóc được cho bản thân, trí nhớ tốt, chuyện xưa tích cũ của làng cụ vẫn nhớ để kể cho con cháu nghe.
 
Rời nhà cụ Thìn chúng tôi ghé vào thăm vợ chồng cụ Lương Khăm Phăn (112 tuổi) và cụ Lương Thị Thắm (104 tuổi) ở bản Xốp Thặp vào đúng dịp gia đình đang làm vía cho người con trai vừa đi xa về. Cả nhà đang ngồi quây quần bên bình rượu cần. “Hừ. Hôm nay vui, mỗi người một sừng?” - vừa nói cụ Phăn vừa chỉ tay về phía chúng tôi. “Một sừng thì một sừng”- ông Minh trả lời trong tiếng cười rôm rả của cả gia đình. “Thêm một sừng nữa chứ?”- cụ Thắm cất tiếng hỏi tôi. “Thôi! để nhà báo còn làm việc nữa chứ”- Cụ Phăn tiếp lời.
 
“Hai cụ còn ngủ chung với nhau nữa không?”- ông Minh tếu táo. “Vẫn, vợ chồng ngủ với nhau mới tình cảm chứ”- cụ Phăn trả lời trong tiếng cười vui vẻ của cả gia đình.

Các cụ già ở đây không những sống lâu mà còn sống khỏe. Vợ chồng cụ Lữ Văn Kim (89 tuổi) hàng ngày vẫn cuốc đất, trồng cây, chăn nuôi gia cầm, gia súc. Nhìn cụ Kim đưa cuốc lên quá đầu rồi bổ mạnh xuống đất, ít ai nghĩ rằng cụ đã ngấp nghé 90 tuổi. Dáng người cao, gầy, hàm răng còn nguyên, chắc khỏe, tóc vuốt ngược, da dẻ hồng hào, chân tay cơ bắp săn chắc, cách nói chuyện hóm hỉnh khôi hài, cụ Kim luôn làm cho người đối diện đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cụ Kim khoe vụ mùa này cụ trồng ngô được mùa lại được giá nên thắng lớn. “Ở xã này người tuổi 80 đến gần trăm vẫn làm nương, làm rẫy và chăn nuôi là bình thường”, cụ Kim cho biết.
 
Theo ông Lộc Văn Minh thì ở xã Hữu Lập còn có cụ Lữ Phia Khăm 111 tuổi), cụ Lương Thị Hoan (109 tuổi), cụ Lò Văn Bình (101 tuổi), cụ Lương Thị Bún (114 tuổi), cụ Lương Thị La (113 tuổi), cụ Vi Thị Tương (113 tuổi)… Những người 80 - 90 tuổi thì đếm không hết. Điều đặc biệt là mọi người đều khỏe mạnh, tinh tường. Chẳng thế mà từ lâu ở đây có câu “60 mới tuổi thanh niên, 70 hoàn thiện, 80 trưởng thành”.
 
Những lý giải về bí quyết thành… "tiên”

Hỏi về bí quyết sống lâu ở đây, cụ Phăn cười thoải mái bảo: “Ta nỏ biết chi mô mà hỏi. Ta chỉ biết sống thật cái bụng, không để cái ác, cái xấu lọt vô bụng thôi”. Còn các con cụ cho biết, mặc dù trên một trăm tuổi nhưng chưa thấy một lần hai vợ chồng cụ to tiếng. Không những thế hai cụ còn siêng năng làm việc, cụ ông còn có tài kể trạng cho các con, các cháu nghe. Món ăn khoái khẩu của cụ là rau rừng, rau muống, rau má, cá dưới suối và đặc biệt là rêu đá.


Ngôi làng của những người "tiên".

Còn cụ Lò Thị Quảng thì chia sẻ: “Thực ra ta cũng chẳng có bí quyết chi mô. Từ nhỏ ta chỉ biết theo bố mẹ làm nương, làm rẫy. Về nhà chồng ta cũng chỉ làm nương, làm rẫy. Ta nghĩ sở dĩ sống lâu là vì ta luôn sống tịnh tâm, không nghiện rượu, thuốc, sống chan hòa với mọi người, vui vẻ với con cháu. Nơi đây khí hậu trong lành, mát mẻ nên có rất nhiều thảo dược trong rừng, ta thường hái về uống, làm thức ăn và chữa bệnh nên mới sống lâu như vậy. Còn cụ thể thế nào thì ta cũng không giải thích được”.

Giải thích việc sống lâu một cách kỳ bí với màu sắc mê tín, cụ Lữ Văn Kim cho biết: Truyền thuyết kể rằng, xưa kia có nàng công chúa xinh đẹp của nước Triệu Voi nhưng lại yêu một chàng chăn ngựa. Khi vua cha phát hiện đã bắt chàng chăn ngựa phải vào rừng tìm viên ngọc cầu vồng trong mồm con cọp một chân mới gả công chúa cho. Biết ý đồ của vua cha muốn chia cắt hai người nên nàng đã quyết định vào rừng tìm người yêu. Khi đến địa phận xã Hữu Lập ngày nay thì nàng bị rơi vào trận đồ bát quái không thể ra được, nàng đành vào một hang đá ở với mong muốn một ngày nào đó người yêu sẽ tìm được mình. Nàng thường khắc những ký hiệu của hai người trên các phiến đá cho người yêu nhận biết.
 
Mỗi mùa hoa ban, nàng thường khắc một bông hoa ban trên đá. Khi người yêu nàng tìm được đến nơi thì trên phiến đá đã có 64 bông hoa ban và một cụ già tóc bạc nằm chết trên phiến đá đó. Lúc này chàng trai cũng đã là một ông già tóc bạc phơ, ông ôm lấy xác người yêu rồi cũng tắt thở. Tình yêu của họ đã làm cho thần núi phải bật khóc. Nước mắt của thần núi chảy thành suối. Xác hai người ngâm trong nước suối ba ngày thì bỗng sống trở lại, trẻ đẹp như tuổi đôi mươi. Họ nên vợ, nên chồng rồi sinh con đẻ cái. Dòng suối đó nay được gọi là suối Nàng Nhỉ hay còn gọi là suối Dụ Kẻ (sống mãi).
 
Người dân trong vùng vẫn quan niệm dùng nước suối Nàng Nhỉ để ăn, uống, tắm giặt thì cũng sẽ được sống lâu. Ngoài ra, những đứa trẻ ở đây khi mới sinh ra, mọi người đều mời thầy cúng ở Mường Then về cúng xin cho đứa trẻ ấy được sống lâu cùng dân bản.
 
Chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh vì sao xã Hữu Lập lại nhiều người sống thọ và khỏe mạnh như vậy. Phải chẳng do sử dụng nước suối trong sinh hoạt? Ăn rêu đá? Lao động siêng năng? Sử dụng nhiều thảo dược?... để sống lâu. Tuy nhiên, người viết có cảm nhận, có lẽ khí hậu trong lành, tình người ấm áp đã làm tăng tuổi thọ của người dân nơi đây.
 
Xã Hữu Lập cách thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An 20km về phía Bắc. Kinh tế nơi đây còn nhiều khó khăn, giao thông chưa phát triển. Đường vào xã là những lối mòn, chủ yếu là đường đất.
 
Ông Vi Thái Dương, chủ tịch xã cho biết: Toàn xã có 2.538 khẩu, chủ yếu là dân tộc Khơ Mú và dân tộc Thái, ngoài ra, ở đây còn có một bộ phận người Kinh sinh sống. Ông Dương cho biết, hiện nay xã vẫn chưa thống kê được số người sống cao tuổi ở đây, chỉ biết rằng, toàn xã có gần 20 cụ được hưởng trợ cấp trên 100 tuổi.