Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội: Tỷ lệ thí sinh ảo dự đoán vẫn ở mức cao

Thu Hường - Ảnh: Thế Dương, Theo Trí Thức Trẻ 19:11 05/05/2016

Kết thúc ngày thi đầu tiên, chiều nay (ngày 5/5), ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức họp báo, công bố những kết quả mới nhất ghi nhận được sau 2 ca thi diễn ra cùng ngày.

Tại buổi họp báo, Phó giám đốc thường trực của trường, PGS. Nguyễn Kim Sơn cũng trả lời nhiều thắc mắc liên quan đến những điểm mới trong kì thi năm nay.

Lần đầu tiên tổ chức thi ngoại ngữ trên máy tính

Ông Sơn cho biết, đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên máy tính với 6 thứ tiếng khác nhau. 

Trong ngày hôm nay, hơn 10.000 thí sinh đã đăng ký tham gia thi đánh giá năng lực ngoại ngữ và năng lực chung tại 21 điểm thi thuộc 7 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội: Tỷ lệ thí sinh ảo dự đoán vẫn ở mức cao - Ảnh 1.

Bảng thống kê số lượng thí sinh đăng kí dự thi trong 14 ca đầu tiên.

Theo báo cáo ban đầu, tỉ lệ thí sinh tham gia dự thi trong sáng nay cao trên 90%. Trong đó, ca sáng có 4.931 dự thi ngoại ngữ trên 5.100 đăng kí, chiếm tỉ lệ 96,7%. Ở phần thi năng lực chung, số thí sinh dự thi sáng nay là 380/399, chiếm tỉ lệ 95%.

Trong cả hai ca thi, toàn bộ các điểm thi đều không phát hiện thí sinh hoặc cán bộ coi thi vi phạm quy chế.

Ngân hàng câu hỏi tăng gấp đôi, thí sinh không có cơ hội phúc khảo

Mặc dù vẫn được tổ chức vận hành theo phương thức cũ nhưng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay được xem là có bước tiến lớn về quy mô. Theo ông Sơn, năm 2016, do có thêm thời gian chuẩn bị nên bộ đề thi mở rộng gấp 2 lần so với năm 2015. Tổng số câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi tăng lên mức 8.000. 

"Hệ thống câu hỏi đã được chọn lọc rất kỹ càng và hướng đến sự chuẩn hóa, trong đó, mỗi một tiểu mục đề thi đều được xây dựng qua 13 bước, được kiểm nghiệm rất khắt khe".

Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội: Tỷ lệ thí sinh ảo dự đoán vẫn ở mức cao - Ảnh 2.

PGS. Nguyễn Kim Sơn.

Ông Sơn cũng cho hay, ngân hàng câu hỏi được xem là bộ đề nguồn của trường ĐH Quốc gia. Vì thế, sau khi kết thúc việc thi tuyển, nhà trường sẽ không tiến hành công bố đề thi, đáp án cũng như tạo cho thí sinh cơ hội phúc khảo.

Ông Sơn phân tích, bộ đề nguồn sẽ được tái sử dụng nhiều lần, liên tục bổ sung và phát triển. "Quá trình xây dựng đề thi diễn ra rất kỳ công nên chúng tôi tự thấy không cần phải công bố để dư luận kiểm nghiệm".

Ngoài ra, danh tính toàn bộ cán bộ tham gia xây dựng đề thi đều được giữ kín. Tuy nhiên, ông Sơn cũng tiết lộ, từ sau kỳ thi năm 2015, nhà trường đã huy động hơn 100 các cán bộ thuộc nhiều đơn vị khác nhau tham gia phát triển bộ đề. 

Chia nhiều ca thi, thời gian thi kéo dài 10 ngày/đợt

Năm nay, ĐH Quốc gia chào đón số lượng thí sinh dự thi năng lực cao hơn rất nhiều so với năm 2015. Con số 70.000 thí sinh đăng kí dự thi phần nào chứng tỏ sức hút và tầm ảnh hưởng của phương pháp tuyển sinh mới này. 

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, nhà trường đã huy động hàng nghìn chiếc máy tính và hệ thống các thiết bị dự phòng như máy phát, ổ điện... Tuy nhiên, theo ông Sơn, do điều kiện kỹ thuật còn hạn chế nên số lượng thí sinh vẫn bị giới hạn. "Sự giới hạn là cần thiết để đảm bảo kỳ thi diễn ra một cách tốt nhất", ông Sơn nói thêm.

Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội: Tỷ lệ thí sinh ảo dự đoán vẫn ở mức cao - Ảnh 3.

Quang cảnh buổi họp báo.

Tuy nhiên, để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu cho các thí sinh, nhà trường đã tiến hành tổ chức thi thành nhiều ca, thời gian thi trong tháng 5 kéo dài từ ngày 5 đến 15/5. Giữa các ngày thi có một số ngày nghỉ để thí sinh và người nhà chuẩn bị tốt.

"Với điều kiện máy tính không tăng nhưng số lượng thí sinh tăng lên, trong đợt 1, chúng tôi đã phải tổ chức 14 ca thi trên tổng số 21 điểm thi. Điều này mở ra hy vọng rằng sẽ đáp ứng được ngày càng nhiều nguyện vọng của thí sinh".

Ngoài đợt thi vào tháng 5, nhà trường còn tổ chức thi vào tháng 8, đảm bảo cân đối chỉ tiêu giữa 2 đợt tuyển sinh để các thí sinh có cơ hội ngang nhau.

8 trường sử dụng chung kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia

Ông Sơn cho biết, ĐHQGHN ký kết chia sẻ kết quả thi với 8 trường khác là: ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh và ĐH Đông Á, Kiến trúc Đà Nẵng, Tài nguyên Môi trường Hà Nội, Nguyễn Trãi, Thủ đô Hà Nội, Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, ĐH Hòa Bình.

Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội: Tỷ lệ thí sinh ảo dự đoán vẫn ở mức cao - Ảnh 4.

Ông Sơn khẳng định nhà trường không ngại chia sẻ kết quả với nhiều trường ĐH trên cả nước.

70.000 người dự thi, ĐHQG chỉ tuyển 7.000 người

Ông Sơn cho hay, dù số lượng thí sinh dự thi rất đông nhưng nhu cầu tuyển sinh của nhà trường chỉ giới hạn ở con số 7.000 người. "Vì thế, việc chia sẻ kết quả thi là điều hết sức cần thiết để tăng cơ hội cho các thí sinh".

Theo ông Sơn, nhà trường không chỉ có mong muốn được hợp tác với nhiều trường mà còn hy vọng các trường có điểm đầu vào cao tham gia liên kết. "Chúng tôi không ngại vấn đề bị lấy mất đi những thí sinh có năng lực tốt, sự lựa chọn là ở phía thí sinh. Điều quan trọng là càng có nhiều trường tham gia cùng, sức hút của kỳ thi sẽ càng tăng cao hơn".

Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội: Tỷ lệ thí sinh ảo dự đoán vẫn ở mức cao - Ảnh 5.

Buổi họp báo thu hút rất nhiều người tham dự.

Tỷ lệ thí sinh ảo dự đoán vẫn ở mức cao

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Sơn cho hay, năm 2015 cả nước chỉ có 1 đơn vị duy nhất tổ chức thi đánh giá năng lực. Kỳ thi diễn ra song song với kỳ thi tuyển sinh chung, vì thế, tỉ lệ thí sinh ảo trong kỳ thi đánh giá năng lực là rất cao.

"Năm 2015, nhà trường thậm chí đã phải gọi điện đến nhiều thí sinh trúng tuyển để xác nhận xem họ có thực sự mong muốn nộp hồ sơ vào trường hay không. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc quan tâm từng thí sinh là điều hết sức bình thường".

Với số lượng thí sinh đăng kí dự thi lên tới 70.000 người, năm 2016, vị PGĐ thường trực này cũng khẳng định, rất có thê,r tỉ lệ thí sinh ảo vẫn giữ ở mức cao và chưa thể giảm so với năm 2015.