Kinh doanh ở Đà Lạt 2023: Homestay không có khách trong cả tháng, có tiệm cắt giảm toàn bộ nhân viên để “sống sót”

Tô Diệp - Thiết kế: Thành Đạt, Theo Phụ nữ số 09:49 31/12/2023

Nhìn chung, kinh doanh ở Đà Lạt năm nay khá ảm đạm.

Khác với những năm trước, khách du lịch tấp nập đến Đà Lạt, kinh doanh thuận lợi, năm nay không khó để bắt gặp các quán sang nhượng và đóng cửa. Lượng khách giảm sút, doanh thu bấp bênh khiến nhiều chủ kinh doanh phải làm mọi cách để “bám trụ” tiếp.

Có tháng không có khách hàng, chưa thu lại được đồng nào từ homestay

Nhà có khoảnh đất trống ở vị trí khá đẹp ở Đà Lạt, Kim Phượng (sinh năm 1993) đã mở homestay Lem’s House vào tháng 01/2021 để kiếm thêm thu nhập. Lúc các biện pháp giãn cách dịch nới lỏng, mọi người đổ xô đi Đà Lạt rất nhiều, cô cảm thấy bản thân đang kinh doanh rất đúng hướng.

Homestay có sức chứa tối đa 16 người/ đêm, giá trung bình khoảng 150 nghìn/ người. Có những thời điểm khi cung nhiều hơn cầu, giá phòng có thể lên tới 200-250 nghìn/ người. Đỉnh điểm doanh thu khoảng 30 triệu/ tháng, trừ các chi phí thì lợi nhuận còn khoảng 15-20 triệu/ tháng. Do homestay khá nhỏ, cô cùng bố mẹ vận hành nên đây là một con số khá ổn cho công việc tay trái.

Tuy nhiên, đến năm 2023 khi nền kinh tế có nhiều biến động, lượng khách đến Đà Lạt ít hơn, có những tháng homestay không có khách hàng. Tháng doanh thu cao nhất cũng chỉ 4-7 triệu/ tháng, chỉ có vài khách vào cuối tuần. Kim Phương đã phải hạ giá phòng, hỗ trợ check in sớm và check out trễ, chỗ để xe máy, ăn sáng,... để thu hút khách hàng.

“Chi phí làm homestay 500 triệu mình chưa thu lại được đồng nào. May mắn, mình vẫn có công việc khác và bố mẹ phụ giúp homestay nên không quá áp lực tài chính. Bây giờ khách liên hệ đặt phòng đều trả giá, qua các ứng dụng đến cả 2 tháng mới có 1 khách đặt. Dù vậy, mình vẫn quyết định giảm giá để ít nhất vẫn có khách”.

Theo Kim Phương, số lượng khách sạn ở Đà Lạt tính đến năm nay đã gấp đôi so với năm 2021. Giá bị thổi phồng rồi có dấu hiệu “nổ bong bóng” khiến nhiều chủ kinh doanh không khỏi hụt hẫng và gặp rủi ro.

Kinh doanh ở Đà Lạt 2023: Homestay không có khách trong cả tháng, có tiệm cắt giảm toàn bộ nhân viên để “sống sót” - Ảnh 1.
Kinh doanh ở Đà Lạt 2023: Homestay không có khách trong cả tháng, có tiệm cắt giảm toàn bộ nhân viên để “sống sót” - Ảnh 2.

Homestay Kim Phượng mở

Cắt giảm toàn bộ nhân viên để tối ưu hóa chi phí

N.H (sinh năm 1992) đã mở tiệm vặt đầu năm 2019 ở Đà Lạt. “Quyết định kinh doanh này xuất phát từ mong muốn cá nhân. Sau khi quan sát thị trường, mình thấy ăn vặt đang là thị trường ngách khá tiềm năng ở Đà Lạt”.

Doanh thu năm nay chia thành 2 giai đoạn. Nửa đầu năm doanh thu tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái do cô đẩy mạnh truyền thông nhiều hơn. Tuy nhiên, đến nửa sau, doanh thu giảm mạnh do tình hình kinh tế tụt dốc, có vài cơn bão ở Đà Lạt nên lượng khách giảm đi đáng kể. Khách địa phương cũng thắt chặt chi tiêu.

Quán ăn vặt đến giờ vẫn có một lượng khách hàng địa phương thân thiết. Bên cạnh đó, hiện tại N.H đã cắt giảm toàn bộ nhân viên, tối ưu hóa chi phí nên vẫn chưa rơi vào cảnh thua lỗ.

Hiện nay, đa số các quán ở Đà Lạt đóng cửa vì giá mặt bằng quá cao. Cô thuê mặt bằng trong hẻm nên so với mặt bằng chung ở Đà Lạt, chi phí khá “nhẹ nhàng”. Tuy nhiên, so với năm 2019, giá thuê cũng tăng 40%.

“Mạnh dạn” mở quán cà phê trong năm nay

Nguyên Phương (sinh năm 2001) đã học đại học ở TP Hồ Chí Minh nhưng quá chán không khí xô bồ đông đúc nên đã quyết định bỏ phố về Đà Lạt tháng 3/2023. Cô bạn đã lên dự định mở quán Cà phê Đi! ở quê nhà Huế vào năm 2020, song đã hoãn lại vì Covid. Vào tháng 5 năm nay chuyển đến Đà Lạt, vô tình “lụm” được mặt bằng ưng ý nên đã quyết định mở lại.

“Đúng là hiện nay thị trường kinh doanh cà phê ở Đà Lạt rất bão hoà và nền kinh tế biến động quá mạnh. Song tụi mình vẫn quyết định mở quán bởi thấy được tiềm năng của mặt bằng này, ngay trung tâm cạnh Dinh 2, quá thuận tiện di chuyển. Tụi mình không muốn bỏ lỡ cơ hội tốt này”.

Trong quá trình mở quán, cô bạn đã gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn đội thợ xây dựng hohhkhông có tâm trong những ngày đầu tiên, tiền phát sinh quá lớn khiến phần quỹ còn lại vơi đi rất nhiều. Bên cạnh đó, giá mặt bằng ở Đà Lạt hiện đang rất cao, so với Huế cao hơn rất nhiều.

Không gian quán cafe

Cũng giống Nguyên Phương, Minh Hạnh (sinh năm 1998) đã mở quán cafe tại Đà Lạt năm nay. Trước đó cô bạn có kinh doanh homestay nho nhỏ và bán “đồ si” online. “Đơn là một quán cafe khá nhỏ, trong khi tụi mình cực kì quan trọng trải nghiệm của khách hàng, nên tiệm chỉ sắp xếp bàn vừa đủ để đảm bảo được không gian, lại set giá menu hợp lý để thu hút khách. Thành ra, doanh thu thời gian đầu cũng chỉ đủ nuôi sống bản thân tiệm".

Về câu chuyện kinh doanh ở Đà Lạt, Minh Hạnh luôn đùa với bạn bè rằng Đà Lạt là một thành phố đáng sống nhưng không hề dễ sống. Hầu hết các bạn trẻ lên Đà Lạt sống đều chuyển qua làm mảng Airbnb và F&B. “Hơn 3 năm, mình đã nhìn thấy rất nhiều quán cafe mọc lên rồi lại lụi tàn. Ngành này “dễ” làm nhất và cũng “khó” để nổi bật nhất. Để thu hút du khách có nhiều dạng, nhưng cá nhân mình thấy những nơi làm chỉn chu từ thiết kế, sản phẩm, đến thái độ nhân viên thì đều có thể sống tốt ở Đà Lạt”.

Minh Hạnh khá chăm chút cho không gian quán

Kinh doanh ở Đà Lạt đang rất khắc nghiệt?

Theo N.H, Đà Lạt là một thành phố du lịch, phần lớn các cơ sở kinh doanh đều phục vụ khách du lịch. Do vậy, nếu không có khách du lịch, tình hình kinh doanh ở Đà Lạt sẽ khá khó khăn.

Ví dụ, mô hình cafe check in, nếu dành thời gian ngày nào cũng đi 1 quán, du khách đi 3 tháng vẫn chưa hết. Bởi vì đây là mô hình quá hot, luôn có những quán mới mở ra, và khách hàng thường chỉ ghé đến quán 1 lần. Để tồn tại trong thị trường này, chủ kinh doanh phải luôn thay đổi và làm mới, chi phí tái đầu tư sẽ rất cao. Đó là nói đến giai đoạn khách hàng tấp nập, có doanh thu để tái đầu tư. Còn nếu không đủ nguồn lực để tái đầu tư, bạn sẽ không có khách hàng dẫn đến doanh thu giảm dần đến khi không thể cầm cự nổi.

“Như vậy để trả lời câu hỏi có khắc nghiệt hay không, mình nghĩ đều này phụ thuộc vào mô hình và cách bạn kinh doanh. Nếu cứ đi theo xu hướng, bạn cũng sẽ bị “quên lãng” cùng xu hướng. Còn nếu có sản phẩm tốt, chất riêng, tư duy kinh doanh linh hoạt, mình tin rằng bạn sẽ vẫn tồn tại”.

Còn đối với Nguyên Phương, mở quán có thể đơn giản nhưng làm sao để tồn tại được lâu mới là vấn đề. Giữa thị trường cà phê bão hoà ở Đà Lạt, bạn phải tìm được một concept riêng, hướng đi khác biệt với những quán đã có trước đó. Và đặc biệt là vấn đề mặt bằng, phải thương lượng và check kỹ với chủ nhà để tránh vận đen kéo tới.

Mặt khác, Minh Hạnh tin tưởng vào sức mạnh của truyền thông “truyền miệng” khi kinh doanh cafe ở Đà Lạt. Chủ kinh doanh chỉ cần kiên trì làm tốt mọi thứ hết sức có thể, khách hàng sẽ cảm nhận được và từ đó lan truyền đến những người khác. Dĩ nhiên, khó khăn tiên quyết khi cần rất nhiều thời gian.