Kiến trúc hành vi - khía cạnh quan trọng trong thiết kế và đánh giá kiến trúc hiện nay

Hà Nguyên, Theo Phụ nữ số 08:27 04/12/2023

Sự kiện diễn thuyết TOTO Architect Talk lần thứ 5 với chủ đề “Architectural Behaviorology - Kiến trúc hành vi” đã diễn ra vừa qua, nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng đam mê sáng tạo kiến trúc.

Hơn 30 năm làm việc trong ngành kiến trúc, KTS Yoshiharu Tsukamoto (Nhật Bản) đã để lại những thành tựu đáng kể. Công trình của ông thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kiến trúc, không gian công cộng, đồ nội thất, khảo sát thực địa, giáo dục, triển lãm nghệ thuật, giám tuyển và viết sách.

Kiến trúc hành vi - khía cạnh quan trọng trong thiết kế và đánh giá kiến trúc hiện nay - Ảnh 1.

KTS Yoshiharu Tsukamoto chia sẻ về Kiến trúc hành vi

Bên cạnh đó, KTS Yoshiharu Tsukamoto còn là Giáo sư Đại học Công nghệ Tokyo, rất nổi tiếng với những nghiên cứu và xuất bản. Sự có mặt của ông cùng phần chia sẻ, giao lưu tại TOTO Architect Talk vừa qua với chủ đề “Kiến trúc hành vi" đã đem đến nhiều góc nhìn mới mẻ và thiết thực cho những người đam mê sáng tạo kiến trúc:

"Tại thời điểm bắt đầu thiết kế cùng nhau, chúng tôi dành sự quan tâm lớn đến hành vi của sự vật, hành vi của con người, hành vi của thiên nhiên, hành vi của các công trình xây dựng. Có những ngôn ngữ kiến trúc lặp lại theo một kiểu nhất định ở những địa điểm cố định. Hành vi của con người cũng như vậy, sẽ lặp lại và giống nhau ở những môi trường nhất định. Và dần dần chúng tôi nhận thấy rằng, đó là một khái niệm ngày càng rõ ràng hơn - Kiến trúc hành vi".

Kiến trúc hành vi - khía cạnh quan trọng trong thiết kế và đánh giá kiến trúc hiện nay - Ảnh 2.
Kiến trúc hành vi - khía cạnh quan trọng trong thiết kế và đánh giá kiến trúc hiện nay - Ảnh 3.

Rất đông người đam mê sáng tạo kiến trúc có mặt, hưởng ứng sự kiện và bài chia sẻ của KTS Yoshiharu Tsukamoto

Được biết, tại các thành phố đang phát triển, thiết kế và quy hoạch vẫn tập trung vào mục tiêu phục vụ cho công nghiệp, lợi ích kinh tế. Đi cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp, công nghệ thông tin và sự gia tăng về dịch vụ tiện ích cũng đang khiến con người trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào chúng.

Chính điều này tạo ra khoảng cách lớn dần giữa con người và tài nguyên địa phương, gây ra những hậu quả tiêu cực cho cả môi trường tự nhiên và chất lượng cuộc sống. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kiến trúc có thể đưa con người gần hơn với tự nhiên, tận dụng tài nguyên hiện có để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Từ đó, kiến trúc hành vi đang trở thành một khía cạnh quan trọng trong thiết kế và đánh giá kiến trúc ngày nay. “Bao gồm cách người dùng tương tác, cảm nhận và sử dụng không gian mà không tách rời với tự nhiên. Điều này giúp giải quyết các thách thức gặp phải và đảm bảo tính thẩm mỹ, tiện ích cho người dùng, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và năng lượng, và tạo ra môi trường sống và làm việc bền vững”, KTS Yoshiharu Tsukamoto chia sẻ từ kinh nghiệm ứng dụng “Kiến trúc hành vi” vào các dự án như Akima Library, Pony Garden, Dog Chair.

Sự kiện còn có sự tham dự của các đại diện từ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đóng góp kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và xu hướng mới trong lĩnh vực kiến trúc tại Việt Nam.

KTS. Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, những quan điểm và triết lý thiết kế của diễn giả chia sẻ vừa qua sẽ góp phần tạo ra những xu hướng gợi mở tốt cho các bạn KTS trẻ Việt Nam để tiếp tục theo đuổi con đường làm nghề.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày