Khoáng sản xung đột: Nếu làm ra một chiếc smartphone cần cả máu và nước mắt, bạn có mua không?

Nguyễn Hải, Theo VNReview 14:00 22/07/2018

Lựa chọn smartphone của bạn có ảnh hưởng đến thế giới không? Có thể bạn đã biết bên trong mỗi chiếc điện thoại có rất nhiều nguyên vật liệu quý giá và đắt tiền. Cung ứng các vật liệu quý giá bên trong smartphone là một chuỗi công việc hết sức phức tạp, hỗn độn, nguy hiểm, và nó thường đi quá các ranh giới về đạo đức.

Điều tương tự cũng xảy ra với kim cương, một trong những nguồn tài nguyên được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới. Khi một nguồn tài nguyên trở nên giá trị đến như vậy, việc đi quá các ranh giới đạo đức để khai thác và buôn bán chúng là một điều dễ thấy. Đó là lý do cho những viên "kim cương máu" xuất hiện trên thị trường.

Tuy nhiên, các nguồn khoáng sản xung đột này hầu như không được biết đến bởi người dùng nhưng nó cũng đã thúc đẩy những người tiêu dùng có trách nhiệm. Khi vấn đề trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn, một số người dùng đã bắt đầu từ chối mua những trang sức chứa kim cương máu. Tuy nhiên, không chỉ thị trường kim cương phải đối phó với những mối lo ngày càng gia tăng này.

Ngành công nghiệp smartphone thì không liên quan gì đến kim cương máu, nhưng những vật liệu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà các thiết bị này sử dụng thường gây ra tranh cãi, xung đột gay gắt. Nó được gọi là khoáng sản xung đột (Conflict Minerals), và tìm hiểu về chúng sẽ cho bạn thấy những vấn đề đạo đức mà các nhà sản xuất smartphone và bạn đang đối mặt.

Khoáng sản xung đột: Nếu làm ra một chiếc smartphone cần cả máu và nước mắt, bạn có mua không? - Ảnh 1.

Vàng, thiếc, Tantalum và Tungsten: nhóm 3TG

Có bốn khoáng sản xung đột được xác định bởi các quy định trên toàn cầu, bao gồm cả Mỹ và châu Âu. Các tài nguyên này được gọi tắt là 3TG: tin (thiếc), tantalum (đôi khi còn được gọi là vàng xanh), tungsten (hay vonfram) và vàng (gold).

Cả ba tài nguyên "T" kể trên phần lớn được khai thác tại Cộng hòa Dân chủ Congo, và chúng đều được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử. Các tài nguyên này cũng được khai thác ở những nơi khác, như Úc và Nam Phi – thường là do các tập đoàn công nghiệp lớn thực hiện mà không có nhiều quan tâm đến phúc lợi cho công nhân. Hoạt động khai thác ở châu Phi đóng góp tỷ trọng lớn vào nguồn cung toàn cầu cho 3TG và với giá rất rẻ. Các tài nguyên đó được sử dụng rất nhiều trong đồ điện tử và được tìm thấy trên khắp các smartphone:

- Tantalum là nguyên liệu chính cho việc sản xuất các tụ tantalum, có điện dung tương đối cao so với thể tích và khối lượng thấp của nó.

- Thiếc được sử dụng để hàn trên hầu hết các bản mạch điện trên hành tinh này, và trong các màn hình, bao gồm cả LCD và OLED.

- Tungsten được sử dụng nhờ độ cứng của nó trong dây điện và các điện cực. Bộ rung của smartphone hoạt động mỗi khi có thông báo hoặc các thao tác phản hồi xúc giác bằng cách sử dụng một motor lệch tâm được làm từ các bộ phận bằng tungsten.

- Vàng, vốn dĩ đã quá nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử, cả trên các tiếp điểm điện tử, các đầu nối và các dây dẫn, cũng như trong các hợp chất hóa học sử dụng trong các quá trình sản xuất chất bán dẫn. Vàng thường được bán một cách bất hợp pháp.

Khoáng sản xung đột: Nếu làm ra một chiếc smartphone cần cả máu và nước mắt, bạn có mua không? - Ảnh 2.

Tại sao lại gọi chúng là khoáng sản xung đột? Và tại sao điều này lại tồn tại lâu đến vậy?

Theo ông Joakim Wohlfeil, cố vấn chính sách về xung đột và công lý cho tổ chức phát triển quốc tế Diakonia, nguồn gốc của các khoáng sản xung đột này đến từ những vùng đang có xung đột vũ trang ở châu Phi, cụ thể là tại các khu vực ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo, Tây Bắc Uganda, các khu vực phía nam của Nam Sudan, và Rwanda.

Tại các khu vực này, hàng triệu người thợ mỏ bất kể tuổi tác, thậm chí có cả những đứa trẻ mới 10 tuổi, với đa số các công cụ là thủ công, đang phải kiếm sống bằng cách khai thác các nguồn tài nguyên này trong những môi trường độc hại và thiếu các tiêu chuẩn an toàn.

Tuy vậy, điều đáng sợ hơn cả là tình trạng các nhóm vũ trang đang xâm chiếm và cướp bóc ở hầu hết các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên này. Ở đây, một ngày được xem là đẹp trời khi các đội quân đó chỉ cướp đi tài nguyên khai thác được, tồi tệ hơn có thể còn là cả thực phẩm của mọi người.

Lượng tài nguyên này sau đó sẽ được các nhóm vũ trang đem trao đổi thông qua các phương pháp không chính thức, thường là bằng vàng với mức định giá rất cao. Từ số vàng này, những tổ chức tội phạm người Nga hoặc Ý có thể dễ dàng rửa chúng để đổi lấy tiền mặt hợp pháp trong nền kinh tế.

Chỉ riêng tại Congo, khoảng 98% vàng xuất khẩu khỏi nước này là bất hợp pháp. Tantalum cũng không được giao dịch tại sàn giao dịch kim loại như London Metal Exchange, thay vào đó, giá của chúng được quyết định bằng thỏa thuận giữa người bán và mua.

Khoáng sản xung đột: Nếu làm ra một chiếc smartphone cần cả máu và nước mắt, bạn có mua không? - Ảnh 3.

Những nỗ lực ngăn chặn từ các chính phủ và công ty tư nhân

Gần hai thập kỷ sau khi vấn đề về các khoáng sản xung đột ở miền đông Congo nổi lên trên trường quốc tế, đã có ngày càng nhiều các nỗ lực để buộc những nhà nhập khẩu, cung cấp và các công ty phải sử dụng những tài nguyên này tốt hơn để góp phần hạn chế vấn đề này.

Đạo luật Dodd-Frank của Mỹ buộc các công ty phải giải trình về nhà cung cấp khi họ muốn trên 100 kg các tài nguyên trên. Trong khi đó, EU tập trung hơn vào việc đảm bảo các nhà nhập khẩu 3TG phải đáp ứng các tiêu chuẩn về tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm.

Tuy nhiên, trong khi tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đang gây áp lực lên Dodd-Frank để bãi bỏ phần lớn các điều luật nhằm cởi trói cho các quy định kinh doanh, EU cũng đã giảm bớt phạm vi áp dụng cho các quy định của mình, sau khi chịu áp lực từ ngành công nghiệp.

Ở Trung Quốc, chỉ có các tài nguyên 3T được quản lý nhập khẩu, còn vàng thì không. Điều này giúp các công ty Trung Quốc có sự tự do đáng kể trong việc bán vàng xung đột vào thị trường nội địa.

Khoáng sản xung đột: Nếu làm ra một chiếc smartphone cần cả máu và nước mắt, bạn có mua không? - Ảnh 4.

So với các chính phủ, khu vực tư nhân lại đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến này. Họ chính là người trực tiếp chấp hành các quy định và việc cung cấp tài chính của họ sẽ thúc đẩy cho sự tồn tại của các khoáng sản xung đột này.

Tuy vậy, việc loại bỏ các khoáng sản xung đột lại là một việc không dễ, chúng đều là các yếu tố thiết yếu cho mỗi thiết bị chúng ta dùng hàng ngày. Các công ty lớn – bao gồm cả Alphabet, Samsung và Apple – đều đã nộp các báo cáo về nỗ lực của họ để loại bỏ khoáng sản xung đột khỏi thiết bị của mình, và nhiều tổ chức như Conflict-Free-Sourcing Initiative (CFSI) đã đưa ra các chứng nhận cho việc đó.

Apple cho biết họ đã loại bỏ một số nhà cung cấp đầu chuỗi ra khỏi khâu cung ứng của mình, ví dụ như các lò nấu, bằng cách tự mình khởi động 22 lò luyện kim hoặc lò tinh chế trong năm 2016, và thêm 10 lò nữa vào năm 2017.

Khoáng sản xung đột: Nếu làm ra một chiếc smartphone cần cả máu và nước mắt, bạn có mua không? - Ảnh 5.

Tổ chức phi lợi nhuận về chống nạn diệt chủng, Enough Project, cho biết các công ty Mỹ đã nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng không khoáng sản xung đột từ cuối năm 2017. Họ xếp Apple và Google đứng đầu các công ty Mỹ về nỗ lực đó, còn HP, Microsoft và Intel cũng ở thứ hạng cao.

Báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế vào năm 2017 cũng xếp Samsung và Apple ở thứ hạng ngang nhau về nỗ lực loại bỏ nguồn cung cobalt từ các vùng xung đột. Ngoài ra, những thiết bị như Samsung Galaxy S8, LG G6 và Huawei Mate 10 Pro và P20 cũng nhận được chứng nhận vàng từ EcoLogo cho việc đáp ứng các yêu cầu về khoáng sản xung đột và các khía cạnh bền vững khác.

Trách nhiệm của người tiêu dùng

Nếu khu vực tư nhân là nơi thúc đẩy các nỗ lực, sự lựa chọn của người tiêu dùng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đi theo những nỗ lực đó. Những áp lực từ các hoạt động điều tra nghiêm túc và thái độ của người tiêu dùng sẽ dẫn tới các điều luật mới và những thay đổi thực tiễn trong doanh nghiệp.

Khoáng sản xung đột: Nếu làm ra một chiếc smartphone cần cả máu và nước mắt, bạn có mua không? - Ảnh 6.

Chiếc Fairphone là một trong những nỗ lực tham vọng nhất nhằm mang lại chiếc smartphone bền bỉ nhất. Nó được thiết kế theo dạng module với tác động tối thiểu đến môi trường, khi có thể tuổi thọ lâu dài thông qua việc thay thế các module và nâng cấp hệ điều hành thay vì mua một phiên bản mới.

Cho đến nay họ đã bán được 150.000 chiếc Fairphone. Dù chưa thu được lợi nhuận, nhưng họ đang dần tiến bộ. Họ đã nhận được khoản đầu tư trị giá 6,5 triệu Euro và chuẩn bị ra mắt Fairphone 2 cũng như gia tăng hoạt động với các nhà bán lẻ như Orange ở Pháp và Mobilcon ở Đức. Khó có thể nói chiếc Fairphone cạnh tranh được với những thiết bị từ các hãng lớn, nhưng nó đang khuyến khích các nỗ lực cần được hỗ trợ.

Các khoáng sản xung đột chỉ là một vấn đề mà ngành công nghiệp smartphone đang đối mặt. Nhìn ở một khía cạnh lớn hơn, tác động từ hoạt động tiêu dùng của con người – từ việc cung ứng cho đến loại bỏ thiết bị - là gần như không thể đo đếm nổi. Nhận thức và hiểu biết về vấn đề đó mới chỉ là bước đầu tiên.

Bước tiếp theo của chúng ta nên là dành nhiều suy nghĩ của mình vào việc mua mỗi chiếc smartphone, xem chúng có cần thiết hay không. Chúng ta có thể tạo ra ảnh hưởng nhất định thông qua hành vi mua sắm của mình, thời gian giữa các lần mua và những gì chúng ta yêu cầu từ các công ty dựa trên cách họ giải quyết những vấn đề trên.

Theo Android Authority