Khó tiết kiệm, làm nhiều nghề để có thêm tiền nuôi con đầu lòng

Vân Anh, Theo Phunuso 00:01 10/07/2023

Từ trải nghiệm cá nhân, nhiều vợ chồng trẻ cho rằng nên chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt trước khi có con, nhất là về tài chính.

Sinh con đầu lòng là trải nghiệm đáng nhớ của vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là cột mốc đánh dấu sự thay đổi trong chi tiêu và thói quen sinh hoạt của nhiều gia đình. Bởi lẽ khi có con, không chỉ chi phí tiêu dùng tăng thêm mà họ còn có ý thức tiết kiệm để đầu tư lâu dài cho tương lai con cái. Từ trải nghiệm cá nhân, hai cặp vợ chồng trẻ dưới đây đều cho rằng nên chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt trước khi có con, nhất là về tài chính.

Thuê nhà rộng hơn, làm nhiều nghề để đầu tư cho con

Cách đây 2 tháng, gia đình Đề Mi (tên thật là Đặng Hà, sinh năm 1996, làm trong lĩnh vực truyền thông) vừa chào đón con đầu lòng tên Su Su. Tổng thu nhập của hai vợ chồng cô vào khoảng hơn 100 triệu đồng/tháng. Hiện tại, vợ chồng Đề Mi đều làm nhà sáng tạo nội dung. Gần đây, cặp đôi còn có thêm nguồn thu nhập từ công việc kinh doanh và làm đầu tư, nhờ đó tăng khoản đầu tư cho con.

Khó tiết kiệm, làm nhiều nghề để có thêm tiền nuôi con đầu lòng - Ảnh 1.

Vợ chồng Đề Mi

Từ khi nhận tin có em bé, vợ chồng Đề Mi đã thay đổi khá nhiều trong cách quản lý chi tiêu. Được biết, chỉ tính riêng lần sinh con đầu tiên, con đôi đã chi hơn 100 triệu đồng bao gồm 54 triệu tiền phí cho những ngày ở viện; 20 triệu tiền sắm sửa đồ đạc chuẩn bị sinh con; 30 triệu tiền khám, bổ sung thực phẩm, thuốc men.... chăm sóc sức khoẻ, mỹ phẩm cho mẹ bầu; 11 triệu đồ bầu…

Từ kinh nghiệm cá nhân, Đề Mi cho rằng trước khi có con đầu lòng, vợ chồng nên chuẩn bị trước về mọi mặt, đặc biệt là tài chính. Bởi tiền bạc là vấn đề nhạy cảm trong các mối quan hệ, kể cả giữa vợ chồng.

"Bất kể là vợ hay chồng có thoải mái và dễ chịu tới đâu thì khi chi tiêu cũng nên cho đối phương biết. Hoặc với các khoản chi lớn, vợ chồng nhất định phải hỏi ý kiến và bàn bạc cùng nhau.

Hai vợ chồng nên có những cuộc trò chuyện, phân chia và làm rõ trách nhiệm trong việc chi tiêu các khoản cần thiết trong gia đình. Điều này nên làm càng sớm càng tốt, có thể là từ khi chưa kết hôn, hoặc lúc mới kết hôn, khi có kế hoạch sinh con, hay là bất cứ thời điểm cảm thấy bớt ngại ngùng và sẵn sàng nói rõ ràng với nhau về vấn đề này. Như vậy sẽ tránh được các mâu thuẫn không mong muốn giữa vợ và chồng trong vấn đề tiền bạc", Đề Mi nói.

Khó tiết kiệm, làm nhiều nghề để có thêm tiền nuôi con đầu lòng - Ảnh 2.

Giống như nhiều cặp đôi khác, Đề Mi đồng ý quan điểm có thêm thành viên thì sẽ tăng áp lực tài chính. Nhưng may mắn là từ khi mang bầu cho đến nay, công việc của vợ chồng cô luôn phát triển tốt nên chuyện tiền nong cũng thoải mái hơn chút so với nhiều gia đình khác.

Từ khi thành cha mẹ, vợ chồng Đề Mi dành 6-8 triệu/tháng cho em bé Su Su. Đây là số tiền cố định của cặp đôi, không tính đến các khoản đã sắm trước đó. Đề Mi tính sau sinh con, gia đình cần chi thêm một vài khoản như tiền thuê giúp việc, mua bỉm, sữa và đồ dùng cho em bé. Trong đó, khoản đắt nhất là mua tã cho con, chiếm 40-50% chi phí. Bên cạnh đó, cặp đôi đã thuê nhà rộng hơn để có không gian rộng rãi chăm con.

Vì mới sinh con 2 tháng nên vợ chồng Đề Mi thấy chi phí sinh hoạt không tăng so với thời điểm mang bầu. "Khoản tiền mình cần chi hầu như không tăng so với trước khi có bé. Bù qua bớt lại thì thấy chi phí cũng chưa thay đổi quá nhiều. Thay vì vợ chồng phải chi các khoản cho sức khoẻ, đồ dùng khi mang bầu thì giờ các khoản đó chuyển qua nuôi con thôi.

Đơn cử như sau khi có Su Su, vợ chồng mình ăn cơm ở nhà, chứ không ăn hàng quán như trước. Mình chỉ ở nhà chăm con nên các chi phí mua sắm cũng giảm đi nhiều, một số khoản chăm sóc mẹ bầu cũng hầu như không cần nữa. Bên cạnh đó, thay vì thuê người dọn dẹp nhà theo giờ, mình thuê được cô giúp việc chung tại nhà.

Về chuyện quản lý chi tiêu mình vẫn là người giữ tiền. Chồng mình chỉ giữ đâu đó 15-20% thu nhập để chi tiêu cá nhân, gặp bạn bè, đối tác hoặc mua cái gì anh thích. Còn lại tổng tiền nhà mình vẫn nắm", Đề Mi chia sẻ.

Khó tiết kiệm, làm nhiều nghề để có thêm tiền nuôi con đầu lòng - Ảnh 3.

Vợ chồng Đề Mi thuê nhà rộng hơn sau khi có con

Trong câu chuyện chi tiêu, vợ chồng Đề Mi cũng cố gắng tiết kiệm tiền trong những tháng đầu có em bé. Song cô nghĩ tốt hơn cả là vợ chồng nên tìm cách gia tăng thu nhập.

"Chúng mình từng có suy nghĩ và tính toán về việc giảm chi tiêu một chút, để dành cho tương lai, cũng như dự phòng các rủi ro. Nhưng thực tế rất khó vì khoản nào cũng thấy cần thiết. Mình nghĩ có lẽ nên kiếm nhiều hơn thôi chứ thấy tiết kiệm hơi khó".

Sau cùng, Đề Mi nhận định việc có con sẽ thay đổi khá nhiều về kế hoạch chi tiêu trong tương lai. "Giờ vợ chồng mình chuẩn bị xa hơn về mặt tài chính. Đó là nghĩ tới sau khi có con được một năm thì sẽ gửi trẻ ở đâu, học hành như thế nào. Mình cũng tính cả dự định mua nhà ở đâu để thuận tiện cho cả gia đình", mẹ trẻ nói thêm.

Tiền chăm con bằng 1/2 thu nhập của bố mẹ

Mai Ngọc (SN 1997, Hà Nội) hài hước nói về việc có em bé đầu lòng chỉ sau nửa năm kết hôn là “vỡ kế hoạch”. Ngọc đang làm nhân viên hành chính, trong khi chồng là giáo viên. Tổng thu nhập của hai vợ chồng là 15-20 triệu đồng/tháng.

Thời điểm mới kết hôn, Ngọc cho rằng mức lương của hai vợ chồng không quá cao, không phù hợp để sinh em bé. Hơn thế nữa, cặp đôi còn muốn tiết kiệm tiền để đầu tư kinh doanh.

“Khi nhận tin có thai, cả chồng và mình đều vô cùng bất ngờ. Cảm giác đầu tiên của chúng mình là vừa mừng, vừa lo không đủ kinh tế chăm con. Thời điểm đó, vợ chồng chỉ an ủi nhau là may mà mình vẫn đang có nhà ở vùng ngoại thành, chi phí rẻ, lại có ông bà nội ngoại đỡ đần”, Ngọc nhớ lại.

Hàng tháng, vợ chồng Ngọc dự tính cân đối tiền chăm con trong khoảng 5-8 triệu đồng. Có những tháng, tiền chăm em bé vượt quá mức chi phí đề ra, cặp đôi bị “âm tiền” nên tháng sau phải cố gắng gia tăng thu nhập để bù đắp khoản chi phí bỏ ra.

“Khi em bé chào đời, có rất nhiều khoản chi phí chẳng hạn phí tiêm phòng khoảng 2 triệu đồng, tiền tã bỉm hơn 1 triệu đồng… chưa kể tiền mua quần áo, đồ chơi hay thuốc dự phòng”, Ngọc nói về các khoản chi tiêu dành cho con.

Khó tiết kiệm, làm nhiều nghề để có thêm tiền nuôi con đầu lòng - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Để thích nghi với hoàn cảnh mới, vợ chồng Ngọc cố gắng chi tiêu tiết kiệm. Hai vợ chồng hạn chế các buổi gặp mặt bạn bè, nhu cầu giải trí riêng như đi cafe, đi du lịch xả stress. Bên cạnh đó, Ngọc cũng chủ động giảm tần suất mua sắm như quần áo, mỹ phẩm để dành tiền đầu tư cho con.

Ngọc tự nhận có em bé khiến vợ chồng trẻ vỡ “kế hoạch tài chính". Nhưng cô cũng nhận định, việc có con sớm hơn dự định tạo động lực để họ tìm cách gia tăng thu nhập và tính đến các kế hoạch tài chính trong tương lai.

“Chồng mình đang cố gắng gia tăng thu nhập từ nghề giáo viên của anh. Trong khi mình đang học thêm về bán hàng online, vì mức lương nhân viên hành chính ở quê không quá cao. Khoảng 1-2 tháng nữa, chúng mình dự tính khi tài chính của nhà ổn định hơn sẽ thử kinh doanh trực tuyến để tạo nguồn thu nhập khác", Ngọc chia sẻ.