“Khán giả nuôi nghệ sĩ” vốn dĩ là khái niệm sai ngay từ đầu!

Diệp Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 15:45 19/05/2021

Nếu có gì mà nghệ sĩ và khán giả dành cho nhau thì đó là tình yêu thương và sự trân trọng, chứ không phải cãi cọ ai nuôi ai?

Hãy phân tích một tình huống như thế này:

Trong một nhà hàng nọ, có nhân viên phục vụ và khách hàng. Suốt bữa ăn, người nhân viên vui vẻ thực hiện mọi yêu cầu của vị khách nọ, từ nhẹ nhàng cho đến quá đáng tăng dần. Cảm thấy không thể chiều theo khách được nữa, người nhân viên từ chối. Đến lúc này, vị khách lịch sự thắc mắc: “Tôi trả tiền để được phục vụ? Tại sao anh ta không nghe theo lời tôi? Tôi không đi ăn ở đây thì làm sao anh ta có tiền sống?” 

Nghe đến đây, người nhân viên cảm thấy vô cùng tự ái. Vốn đã cố gắng chiều theo các nhu cầu của khách từ đầu và hiểu rằng công việc của mình là phục vụ một cách trọn vẹn nhất, nhưng những lời nói của vị khách quả thật như hạ thấp vị trí của người nhân viên. Anh vô cùng tức giận, sửng cồ và hậm hực bỏ lại tạp dề, khay đĩa phục vụ, rồi quay lưng bước ra thẳng cửa hàng. 

“Khán giả nuôi nghệ sĩ” vốn dĩ là khái niệm sai ngay từ đầu! - Ảnh 2.

Trong câu chuyện này, cả hai bên đều có cái lý của mình khi nổi giận. Người khách nổi giận vì trả tiền nhưng không được phục vụ như mong muốn, người nhân viên nổi giận vì cảm thấy công việc của mình bị coi nhẹ. 

Mổ xẻ sâu hơn, người khách có đang “nuôi” người phục vụ không khi góp phần trả lương cho họ? Rõ ràng là có, bởi nếu không có khách, nhân viên sẽ chẳng biết phục vụ ai và cũng chẳng có thu nhập từ công việc đó. Nhưng người khách có quyền đòi hỏi và xúc phạm người nhân viên vì cho rằng mình là người nắm quyền trong một mối quan hệ chủ - tớ? Rõ ràng là không! Người nhân viên dùng sức lao động chân chính để kiếm tiền, vậy nên anh ta không phải hàm ơn bất cứ người khách nào trả tiền để mua sức lao động ấy của mình. 

Đọc đến đây, bạn thấy câu chuyện này quen quen chứ? 

Khi câu nói “Khán giả nuôi sống nghệ sĩ” được đem ra mổ xẻ, bàn luậnta đều thấy được sự tổn thương sâu sắc từ cả hai khi bỗng chốc những gì mình cho đi bị đong đếm. Nghệ sĩ tổn thương vì cho rằng sự sáng tạo và công sức lao động của mình bị xem nhẹ, cái tôi cao vời vợi của người làm nghệ thuật khiến họ quay lưng với khán giả và thẳng thừng tuyên bố: “Không có các anh, chúng tôi vẫn sống tốt!” 

Khán giả nghe vậy, lại tổn thương theo kiểu khán giả. Ô hay, rõ ràng chúng tôi là những người trả tiền vào xem show anh diễn, mua vé anh đóng phim, đóng góp view vào bài hát, thả like và comment vào post Facebook để anh có hợp đồng từ nhãn hàng. Thế mà giờ anh phủi sạch trơn, giờ tụi tui quay lưng, để xem anh sống bằng gì? 

“Khán giả nuôi nghệ sĩ” vốn dĩ là khái niệm sai ngay từ đầu! - Ảnh 3.

Càng nghe các luận điểm của cả hai phía, ta đều thấy… sai sai. Về cơ bản, mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả cũng từa tựa như mối quan hệ của người phục vụ và khách hàng. Sản phẩm của người đầu bếp là các món ăn, của người thợ may là quần áo, kiến trúc sư là công trình, nhà văn là bài báo hay cuốn sách... mỗi ngành nghề trong xã hội đều mang đến một sản phẩm cốt lõi, một giá trị nhất định để quy đổi. Với nghệ sĩ, sản phẩm cốt lõi của họ chính là bài hát, là bộ phim, là những hoạt động giải trí phục vụ cho đời sống tinh thần của khán giả. Và khi tạo ra sản phẩm, thì... chẳng ai nuôi ai hết. Con người cần ăn nên trả tiền để mua đồ ăn, cần mặc nên trả tiền để mua quần áo, nhưng cũng cần cả giải trí và nuôi dưỡng tâm hồn nên họ phải trả tiền cho sản phẩm nghệ thuật. Nếu nghệ sĩ không làm sản phẩm, chẳng lẽ con người... tự đóng phim cho mình xem, tự sáng tác cho mình hát và tự hát cho mình nghe? Hãy nghĩ về điều đó.

Ở hướng ngược lại, khán giả dành cho nghệ sĩ tình yêu thương và sự quan tâm, để từ đó nghệ sĩ có thể kiếm được thu nhập từ việc bán sản phẩm, hoạt động quảng cáo, có thêm show diễn. Nghệ sĩ không thể nói rằng mình không cần khán giả, khi họ lao động để tạo ra sản phẩm, và chỉ khi sản phẩm được đón nhận, họ mới có thu nhập. Các giá trị khán giả đóng góp cho nghệ sĩ ở đây không chỉ dừng lại ở tiền mua nhạc số, vé xem phim, view Youtube (thứ cũng đã quy đổi ra tiền),... mà còn là từng cái Like/Share/Comment trên Facebook (thứ được các agency quy đổi thành rất nhiều tiền), sự xuất hiện của khán giả kêu gào tên nghệ sĩ trong mỗi lần xuất hiện trước đám đông. Nếu phủ nhận hết những giá trị đó khán giả mang lại, thì hẳn nhiên đây là một người đi làm nghệ thuật... cho vui, chứ không phải coi đây là sự nghiệp chính mình muốn theo đuổi. 

Nói thẳng thắn, quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả là một mối quan hệ cho - nhận, mua - bán, nhưng được gắn kết và phát triển bằng tình cảm yêu mến, thần tượng và tri ân. 

Hai câu chuyện được kể phía trên, là minh chứng rất rõ cho việc một mệnh đề sai có thể khiến mâu thuẫn được đẩy xa thế nào. Sau tất cả những tranh cãi được đẩy lên đến cực độ, nếu ngồi lại và nghĩ, bạn sẽ nhận ra: Cái sai duy nhất chính là câu nói: “Khán giả nuôi nghệ sĩ”. Khái niệm đó vốn dĩ đã sai ngay từ đầu, dù có được đưa vào bất cứ ngữ cảnh/ nghề nghiệp nào đi nữa. Và khi được đặt ở giữa, nó trở thành một ngòi nổ khiến cả hai phía đều sôi sục với những sự tổn thương của riêng mình. 

“Khán giả nuôi nghệ sĩ” vốn dĩ là khái niệm sai ngay từ đầu! - Ảnh 4.

Nghệ sĩ không ăn xin của khán giả, cũng không cầu xin khán giả phải “nuôi” mình. Ngược lại, một nghệ sĩ có biết ơn khán giả đến đâu nhưng họ không có sản phẩm tốt và thuyết phục, khán giả cũng sẽ quay lưng. Nếu không có tình yêu của khán giả, nghệ sĩ sẽ sáng tạo cho ai? Và nếu không có nghệ sĩ, khán giả sẽ tìm đến ai để khuây khỏa và nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mình? 

Thật ra chúng ta đều biết: Trên đời này chẳng ai nợ ai cái gì. Cuộc sống vốn rất công bằng, có cho có nhận, có vay có trả, không có gì là vô điều kiện. Trong công việc cũng thế, đối nhân xử thế cũng vậy, mà tình yêu cũng… vậy luôn. Ta cho đi vì ta biết rằng ta sẽ nhận lại sự yêu thương, hoặc giả không nhận lại được gì thì chí ít ta cũng thấy hạnh phúc vì được cống hiến, ta hy sinh để đánh đổi cảm giác ấy. Và khi ta thấy nó không thỏa mãn được ta nữa, ta được quyền rời đi. Tình yêu thương khán giả cũng đâu phải vô điều kiện? Nếu nghệ sĩ không giữ gìn nhân cách tốt, không tiếp tục đưa ra những tác phẩm xứng đáng với sự trông chờ thì tình yêu ấy cũng sẽ phai nhạt, sự nghiệp cũng lao dốc. Nghệ sĩ biết ơn khán giả thôi không đủ, sự biết ơn đấy phải đi cùng với sự khắt khe cho bản thân và những gì họ làm ra để giữ cho tình yêu và sự đón nhận của khán giả cho họ được lâu bền.

“Khán giả nuôi nghệ sĩ” vốn dĩ là khái niệm sai ngay từ đầu! - Ảnh 5.

Mọi mối quan hệ này trên thế giới đều được dựa trên nền tảng sự tôn trọng, dù là một mối quan hệ mua - bán ngoài chợ, hay sự kết nối giữa sếp - nhân viên. Chúng ta không nói rằng vì ta trả tiền cho ai đó mà ta có quyền được nghĩ rằng mình đang ban ơn cho họ. Với nghệ sĩ - khán giả, đó lại là mối quan hệ phức tạp và thiêng liêng, bởi nghệ sĩ gửi gắm linh hồn của mình vào sản phẩm, còn khán giả lại đón nhận chúng bằng tình yêu. Nghệ sĩ trân trọng và tri ân với tình cảm của khán giả, còn khán giả thần tượng và đặt niềm tin tuyệt đối vào nghệ sĩ của mình. Nghệ sĩ làm đẹp cho cuộc sống, cho tâm hồn của khán giả. Khán giả chắp cánh cho những ước mơ và cảm hứng của nghệ sĩ được bay xa hơn. Vốn dĩ từ trước đến nay, chuyện ai cần ai chưa bao giờ được nhắc đến. Bởi rõ ràng, cả nghệ sĩ và khán giả đều hiểu rằng cả hai đều cần nhau, và cả hai cũng đều hiểu rằng sợi dây liên kết giữa họ là một thứ vượt trên những giá trị có thể đong đếm. 

Thế nên, quay lại câu chuyện của người phục vụ và vị khách ở đầu, sẽ chẳng có cuộc cãi nhau nào nếu người khách không đưa ra cái suy nghĩ xem nhẹ công việc của người phục vụ.

Cũng chẳng có sự căng thẳng nào nếu người phục vụ lịch sự hồi đáp bằng phẩm giá: “Xin lỗi ông, việc này không nằm trong phận sự của tôi”. 

Tương tự, bất cứ ngành nghề nào cũng sẽ bị tổn thương khi bị xem nhẹ công sức lao động của mình. Người đầu bếp, thợ may, kiến trúc hay nhà văn... cũng có thể tổn thương khi ai đó nói đang nuôi sống họ vì đã trả tiền cho họ. Và người khách hàng nào cũng sẽ tự ái khi bị quay lưng. Vậy nên, cũng sẽ chẳng có nghệ sĩ hay khán giả nào tổn thương, nếu chúng ta gạt bỏ cái mệnh đề sai trái về việc "nuôi" hay "ban phát" cho bất cứ ai ra khỏi đầu. Chúng ta đều sòng phẳng trong mọi sự trao đổi của cuộc sống, ngang bằng lẫn nhau về vai trò, nên sự tôn trọng lẫn nhau là điều hiển nhiên mà ta phải có. Nếu có điều đặc biệt mà nghệ sĩ và khán giả dành cho nhau, thì đó là tình yêu thương và sự trân trọng, chứ không phải cãi cọ ai nuôi ai.

Và ta đều biết, tình yêu là một thứ rất vĩ đại. 

“Khán giả nuôi nghệ sĩ” vốn dĩ là khái niệm sai ngay từ đầu! - Ảnh 6.

Ảnh: Sưu tầm