Truyền thuyết về "ma ô" tính trẻ con ở Nhật

Sơn Hải, Theo Mask Online 00:01 15/01/2013

"Ma ô" Karakasa Kozo có dáng vẻ kỳ lạ nhưng tính tình thì khá trẻ con...

Karakasa Kozo là một loại yêu quái có hình dáng chiếc ô ở Nhật Bản, xuất hiện khá nhiều trong các hình vẽ dân gian. "Ma ô" luôn gây sợ hãi, đôi khi là hài hước cho mọi người xung quanh vì dáng vẻ kỳ lạ của nó.

Dáng vẻ kỳ lạ của "Ma ô" ...

Karakasa Kozo dịch ra nghĩa là "thằng nhãi dù nan tre". Yêu quái này ở mỗi địa phương còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Karakasa Obake, Kasa Obake, Kasabake và đều có nghĩa chung là "ma ô".

Truyền thuyết về "ma ô" tính trẻ con ở Nhật 1

Theo như mô tả của dân gian, yêu quái này là những chiếc ô, thường được bồi bằng giấy dầu. Đặc điểm của chúng là có một mắt, một cái lưỡi dài đỏ lòm thè ra từ cái mồm há ngoác, chỉ có một chân và di chuyển bằng cách nhảy lò cò.

Đặc điểm của chúng là không gây hại cho con người mà chỉ nhảy nhót trong nhà khi trời tối, khi gặp người thì thè cái lưỡi đỏ ra hù dọa. Vì vậy, Karakasa Kozo được xếp vào loại không nguy hiểm trong hàng ngũ yêu quái.

Truyền thuyết về "ma ô" tính trẻ con ở Nhật 2

Tuy vậy, tại thành phố Mizukuchi (tỉnh Tottori), lại có một ngoại lệ. Ở đây, người ta đồn thổi về câu chuyện một con ma kỳ lạ có hình dạng khá giống như Karakasa Kozo. Sở thích của loài này là mỗi khi gió to, nó sẽ thổi tung người từ dưới đất lên cao.

Theo truyền thuyết, Karakasa còn là một kẻ chuyên đi lừa gạt và rất thích dọa nạt con người. Tuy nhiên, chúng cũng rất thích chơi đùa. Chúng sẽ rất hạnh phúc khi được chơi với bất cứ ai, đặc biệt là những người có vẻ ngoài trẻ con. Karakasa còn có sở thích bay lượn lòng vòng trong những ngày trời mưa.

Truyền thuyết về "ma ô" tính trẻ con ở Nhật 3

Lần xuất hiện đầu tiên của Karakasa trong tranh cuộn "Hyakki Yako Zukan" ("Trăm quỷ đi đêm") của họa sĩ Kano Enshin từ thời Muromachi (khoảng 1336 - 1573). 

Trong cuộn tranh này, tác giả đã vẽ lên  nhiều yêu quái khác nhau vốn là do đồ vật hóa thành. Nhưng từ thời Edo (1603 -1868) trở đi, trong số này chỉ còn mỗi Karakasa Kozo là yêu quái được nhiều người biết đến.

Truyền thuyết về "ma ô" tính trẻ con ở Nhật 4
Trong "trăm quỷ đi đêm", Karakasa được miêu tả với hai cái chân.

Sau Thế chiến II, Karakasa Kozo trở thành yêu quái nổi tiếng đến độ thường hay xuất hiện trong các bức vẽ nghệch ngoạc trên tường của trẻ em và trở thành nhân vật tiêu biểu của các bức tranh ma, hay ngôi nhà ma (một hình thức kinh doanh giải trí, khách vào nhà xem ma phải trả tiền).

Thế nhưng không có một tài liệu dân gian nào ghi chép về loại yêu quái này. Các bức tranh vẽ Karakasa Kozo cũng chỉ có hình chứ không kèm theo một lời giải thích nào.

Truyền thuyết về "ma ô" tính trẻ con ở Nhật 5

... nhưng tính cách lại khá dễ gần...

Mặc dù là ma, nhưng vẻ ngoài có phần "ngốc nghếch" của Karakasa (lưỡi lúc nào cũng thè lè) và bản tính thích vui đùa khiến đôi khi người ta không sợ mà còn có cảm tình với nó nữa. Bằng chứng là đồ chơi Karakasa xuất hiện rất nhiều ở Nhật, thậm chí tay chân còn có cả khớp nối để cử động nữa.

Truyền thuyết về "ma ô" tính trẻ con ở Nhật 6

Và cũng giống như nhiều yêu quái khác, Karakasa cũng được người Nhật tổ chức một lễ hội riêng. Lễ hội Karakasa thường được tổ chức vào mùa hè, ở đó người ta bắn pháo hóa, mặc đồ truyền thống nhảy múa, ngoài ra còn có các gian hàng trò chơi dân gian và ẩm thực truyền thống.

Truyền thuyết về "ma ô" tính trẻ con ở Nhật 7

Ngoài ra, trong nhiều Manga nổi tiếng ở Nhật, chúng ta dễ dàng thấy được yêu quái đáng yêu này xuất hiện dưới hình thức nhân vật phụ. Sự nổi tiếng của bộ Manga GeGeGe no Kitaro của tác giả Mizuki Shigeru mà Karakasa Kozo là một nhân vật trong tác phẩm cũng góp phần giúp mọi người biết đến “ma ô” dễ thương này. 

Truyền thuyết về "ma ô" tính trẻ con ở Nhật 8

Rõ ràng, Karakasa từ một yêu quái đã trở thành một hình tượng thật hài hước, đáng yêu và thật thân thiện của con người Nhật. 


Bạn có thể xem thêm: